Điều này hợp lý, nhưng theo đại diện các trường, cần xem xét kỹ lưỡng để có điều chỉnh phù hợp với từng vùng miền.
Giữ nguyên khu vực 1, giảm phân nửa khu vực 2
Trong hội nghị thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì tuần qua, Bộ GD-ĐT đã đặt vấn đề lấy ý kiến các trường về việc xem xét giảm mức điểm ưu tiên khu vực và đối tượng xuống còn một nửa so với mức điểm năm 2015 hay tiếp tục giữ nguyên mức điểm này trong năm tới. Với đề xuất này, các trường thể hiện quan điểm khác nhau.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, những cách biệt phát triển các vùng miền đã giảm xuống thì việc điều chỉnh điểm ưu tiên cần được tính tới. Chẳng hạn, thay vì mức điểm ưu tiên tối thiểu 0,5 như hiện nay thì có thể giảm xuống mức tối thiểu 0,25.
Trong khi đó, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng cần xem xét giảm mức điểm ưu tiên cụ thể cho từng đối tượng và khu vực chứ không giảm một cách cơ học.
Để làm được việc này, theo ông Sơn, Bộ cần có ý kiến từ phía các sở GD-ĐT, trường phổ thông và thậm chí học sinh (HS). “Với những khu vực điều kiện kinh tế xã hội thực sự khó khăn như khu vực 1 hiện nay, điểm ưu tiên khu vực có thể giữ 1,5 điểm. Tuy nhiên, khu vực 2 với điều kiện đô thị hóa mạnh như những năm gần đây, có thể giảm xuống một nửa”, thạc sĩ Sơn đề xuất.
Còn thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM, nói điều chỉnh chính sách ưu tiên tuyển sinh cần bắt đầu từ việc xem xét lại các căn cứ và cách thức xác định ưu tiên chứ không phải giảm điểm.
Những bất hợp lý từ quy định hiện hành
Cán bộ đào tạo một trường ĐH đã chỉ ra những bất hợp lý trong cách xác định điểm ưu tiên khu vực theo quy chế hiện hành.
Theo vị này, trong năm 2015 có không ít thí sinh học ở nơi có chất lượng giáo dục tốt (trường chuyên hoặc trung tâm thành phố thuộc tỉnh, thị xã), nhưng vẫn được hưởng ưu tiên khu vực 1 (1,5 điểm). Trong khi cùng trường THPT này, những HS khác chỉ được hưởng ưu tiên khu vực 2 (0,5 điểm).
Chẳng hạn, trường hợp HS có hộ khẩu thường trú tại P.Yên Thế, TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai), học liên tục 3 năm tại Trường THPT Quốc học, TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) lại được hưởng ưu tiên khu vực 1,5 điểm. Bởi theo quy chế năm nay, thí sinh này có hộ khẩu tại khu vực 1, học phổ thông tại huyện thị, thành phố khác (thành phố này có xã, phường thuộc khu vực 1) nên được tính ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú. Trong khi đó nếu tính theo những năm trước, thí sinh này chỉ được 0,5 điểm ưu tiên theo địa bàn trong 3 năm học THPT.
Cán bộ đào tạo này cho rằng Bộ nên xác định như năm 2014 trở về trước. Với trường hợp nêu trên, để được hưởng ưu tiên khu vực 1, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại P.Yên Thế phải học tại một trong các trường THPT đóng trên địa bàn của TP.Pleiku, còn nếu đã sang địa phương khác để học THPT thì phải tính điểm dựa theo nơi học và tốt nghiệp THPT.
Đại diện một trường ĐH khác còn chỉ ra bất hợp lý trong xác lập khu vực ưu tiên tuyển sinh ngay trong một tỉnh. HS ở thành phố trực thuộc tỉnh và HS ở trên các địa bàn xa trung tâm, điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hơn nhiều nhưng cùng được hưởng một mức điểm ưu tiên. Chẳng hạn, tại tỉnh Gia Lai, HS Trường THPT chuyên Hùng Vương (thuộc P.la Kring, TP.Pleiku) và HS Trường THPT Phan Chu Trinh (thuộc xã Ia Tul, huyện Ia Pa) cùng được hưởng ưu tiên khu vực 1.
Tương tự, tại tỉnh Lâm Đồng, HS Trường THPT chuyên Thăng Long (P.4, TP.Đà Lạt) và Trường THPT Đạ Tông (thuộc xã Đạ Tông, huyện Đam Rông) cũng cùng có mức điểm ưu tiên khu vực 1. Trên cùng địa bàn tỉnh Bình Phước, HS các trường THPT đóng trên địa bàn thị xã Đồng Xoài đều được hưởng khu vực 1. Trong khi đó, HS tại Trường THPT Chơn Thành, THPT Chu Văn An huyện Chơn Thành, điều kiện học tập khó khăn hơn nhiều nhưng hưởng ưu tiên khu vực 2 – nông thôn.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển đưa ra những đề xuất điều chỉnh về đối tượng ưu tiên. Theo quy chế hiện hành, công nhân trực tiếp sản xuất làm việc liên tục 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trở lên được xếp vào đối tượng 2 (hưởng 2 điểm ưu tiên).
Thạc sĩ Hiển cho rằng theo các quy định hiện hành về thi đua khen thưởng, để được cấp tỉnh trở lên công nhận là chiến sĩ thi đua 2 năm thì người đó phải có ít nhất 6 năm liên tục được công nhận chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Đối tượng này không nhiều, vì vậy nếu thí sinh có nguyện vọng học ĐH để nâng cao trình độ thì nên xét tuyển thẳng, thay vì bắt thí sinh dự thi và hưởng điểm ưu tiên. Còn thí sinh khuyết tật nặng nên thuộc đối tượng ưu tiên 1 hưởng 2 điểm.
|