Phát huy tiềm năng và những thế mạnh vốn có trong công tác đào tạo, bồi dưỡng hơn 50 năm qua đồng thời tiếp thu, lĩnh hội có chọn lọc, sáng tạo kinh nghiệm của các trường Đại học, các Học viện đi trước; Học viện phụ nữ Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện các chương trình, giáo trình, tài liệu; chuẩn bị đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cho công tác tuyển sinh năm học 2013. Sau đây là một số thông tin cơ bản về Chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội của Học viện

1. Về nội dung chương trình

Với mục tiêu “Đào tạo đội ngũ cán sự làm công tác xã hội có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe; nắm vững hệ thống kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề Công tác xã hội; có tư duy khoa học; có khả năng nghiên cứu, phát hiện và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp giúp cá nhân, nhóm và cộng đồng tự giải quyết các vấn đề xã hội”, nội dung chương trình đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội của Học viện phụ nữ Việt Nam được thiết kế đảm bảo lượng kiến thức cơ bản theo qui định của Bộ Giáo dục – Đào tạo đồng thời mở rộng các chuyên đề chuyên sâu về Công tác xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên và yêu cầu ngày càng cao của ngành Công tác xã hội. Các chuyên đề chuyên sâu mà sinh viên được lựa chọn không chỉ mang tính nhân văn, nhân ái cao mà còn mang tính đặc thù về giới. Đó là các học phần về Công tác xã hội đối với các đối tượng đặc thù như: phụ nữ nghèo, phụ nữ bị buôn bán; phụ nữ bị bạo hành; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai và tai nạn thương tích…Ngoài ra, nội dung chương trình còn bao gồm một số học phần về Nghiệp vụ công tác phụ nữ là những nội dung hết sức thiết thực, bổ ích cho những sinh viên sau khi tốt nghiệp được tuyển dụng vào cơ quan chuyên trách Hội LHPN các cấp hoặc các tổ chức đoàn thể khác.

Nội dung chương trình đào tạo ngành Công tác xã hội – Học viện phụ nữ Việt Nam còn mang tính thực hành cao; thiết thực đối với người học. Các kỹ năng công tác xã hội mà sinh viên được huấn luyện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình học tập là những kỹ năng  hết sức cần thiết không chỉ  trong các hoạt động hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong cộng đồng như: Kỹ năng tham vấn, kỹ năng vấn đàm, kỹ năng xử lý Strees; kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng các phương pháp SWOT để phân tích thực trạng, kĩ năng triển khai các chương trình, dự án phát triển cộng đồng; giải quyết những vấn đề an sinh xã hội: kỹ năng xác định vai trò, mối quan hệ giữa các thiết chế trong giải quyết các vấn đề của cộng đồng…mà còn rất hữu ích đối với bản thân sinh viên trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình.

2. Về phương pháp giảng dạy

           Các phương pháp giảng dạy được giảng vên sử dụng để thực hiện nội dung chương trình tập trung vào các phương pháp dạy học hiện đại; vừa phát huy tính tích cực, chủ động của người học; vừa sinh động, hấp dẫn đối với học viên, đó là các phương pháp: xây dựng kịch bản, đóng vai, thảo luận nhóm, giải quyết các bài tập tình huống, xem các video clip. Với các phương pháp này, sinh viên lĩnh hội kiến thức một cách nhẹ nhàng, thoải mái; không bị căng thẳng nhưng lại rất hiệu quả; các kỹ năng nhanh chóng được hình thành và thuần thục. Trong quá trình học, sinh viên được xuống thực địa, thực hành các kĩ năng công tác xã hội không chỉ tại các cơ sở bảo trợ xã hội mà còn thực hành tại cộng đồng.

           3.Về đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy chương trình

Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện tham gia giảng dạy chương trình Công tác xã hội có trình độ cao, đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm Công tác xã hội trình độ trung cấp đến cao đẳng. 70% giảng viên có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ các ngành tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội…Nhiều giảng viên đang học cao học ngành Công tác xã hội, một số giảng viên đang nghiên cứu sinh và học cao học các ngành: Luật, Xã hội học, Tâm lý học…là những ngành có quan hệ mật thiết với ngành Công tác xã hội; đội ngũ giảng viên nhiệt tình, tâm huyết với nghề Công tác xã hội.

Đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy chương trình Công tác xã hội của Học viện còn có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác phát triển với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ về công tác xã hội như: UNICEF, CIDA, SIDA, UNFPA, UNAIP, ADB, Quĩ nhi đồng của Liên hợp quốc (Unicef); Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (ISSI); Tổ chức Y tế Hà Lan, Tổ chức PHAI, tổ chức PLAN, FAO, NUFFIC – Hà Lan, Healthbridge Canada… tham gia một số hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Viện Gia đình và Giới, Viện Xã hội học…

 

HVPNVN phối hợp tổ chức Hội thảo với Viện giáo dục và thúc đẩy Bình đẳng giới Hàn Quốc (KIGEPE)

Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng được mời từ các Trường Đại học, các Học viện đã có quá trình đào tạo ngành Công tác xã hội như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, trường Đại học Công đoàn; Trường Đại học Lao động – xã hội, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh….đều có học vị tiến sỹ, thạc sỹ các ngành phù hợp với các học phần trong chương trình cử nhân Công tác xã hội; là những giảng viên có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh cực chuyên môn được đảm nhiệm; có uy tín trong ngành.

HVPNVN tham gia Dự án "Thúc đẩy quyền và hòa nhập xã hội cho nhóm người thiệt thòi ở Việt Nam" được Tổ chức Oxfam Novib tài trợ 

3. Về cơ hội học tập và tìm việc làm sau khi tốt nghiệp

Trong quá trình phát triển để hội nhập, xu hướng phát triển ngành Công tác xã hội trên thế giới đã và đang đòi hỏi các nước –trong đó có Việt Nam, đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực an sinh xã hội; vì vậy các chính sách xã hội ngày càng được quan tâm; đặc biệt Đề án 32 của Chính phủ đã và đang tạo cho sinh viên khoa Công tác xã hội của Học viện phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội:

–       Được học tập và tham quan thực tế tại nhiều trung tâm bảo trợ xã hội; nhiều cơ sở giáo dục lao động; nhiều cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về công tác xã hội trong phạm vi toàn quốc;

–       Được tham quan, học tập tại các nước mà Hội LHPN và Học viện phụ nữ đang có quan hệ hợp tác như: Hàn quốc, Hà Lan, Campuchia, Lào, Thái Lan…;

–       Được hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực y tế; lĩnh vực tư pháp; quản lý kinh tế; quản lý các vấn đề xã hội; an sinh xã hội…

–       Được tuyển dụng vào làm việc với vai trò nhân viên công tác xã hội tại các trường học; các doanh nghiệp; các cơ sở bảo trợ xã hội; các trung tâm tư vấn, tham vấn, các nhà mở của nhà nước, tư nhân; các tổ chức phi chính phủ…sau khi tốt nghiệp.

–       Được tuyển dụng làm việc với tư cách là chuyên viên trong các cơ quan chuyên trách của các tổ chức chính trị – xã hội như:  Công đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên; trong các cơ quan thuộc ngành Lao động -Thương binh và Xã hội từ cấp Trung ương đến địa phương;  trong các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước có chức năng nhiệm vụ liên quan tới phát triển xã hội, công tác xã hội, an sinh xã hội.  

–       Được tuyển dụng làm việc với vai trò là giảng viên, nghiên cứu viên trong các trung tâm giáo dục lao động; tại các trung tâm nghiên cứu, các trường Đại học, cao đẳng; các trường dạy nghề về Công tác xã hội.