Sách – hành trang bền vững của tri thức

Từ ngàn đời nay, sách luôn được coi là kho tàng lưu giữ những giá trị vĩnh hằng của nhân loại. Một cuốn sách có thể mở ra cả một thế giới, khơi nguồn cho những ước mơ và thôi thúc những đổi thay tích cực. Bởi thế, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam không chỉ là sự kiện mang tính biểu tượng, mà còn là lời kêu gọi sống chậm lại giữa nhịp sống số hóa để lắng nghe những điều sâu sắc từ trang giấy.

Tại Học viện Phụ nữ Việt Nam – nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với 12 ngành học đa dạng: Giới và phát triển, Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông tin, Truyền thông đa phương tiện, Luật, Luật Kinh tế, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kinh tế, Kinh tế số, Marketing, Tâm lý học– việc xây dựng văn hóa đọc càng mang ý nghĩa quan trọng. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ kiến thức học thuật, mà còn góp phần nuôi dưỡng tư duy phản biện, kỹ năng tự học, tinh thần khai phóng và trách nhiệm xã hội trong mỗi sinh viên – bất kể giới tính, chuyên ngành hay định hướng nghề nghiệp. Văn hóa đọc chính là nền tảng bền vững giúp các bạn trẻ thích nghi và tỏa sáng trong một thế giới không ngừng đổi thay.Thư viện – nhịp cầu kết nối tri thức truyền thống và hiện đại

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, Thư viện Học viện Phụ nữ Việt Nam không chỉ dừng lại ở vai trò của một không gian lưu trữ tài liệu truyền thống. Từ nhiều năm nay, thư viện đã có những bước chuyển mình rõ rệt, cả về hạ tầng, phương thức tiếp cận lẫn tinh thần phục vụ, để bắt nhịp với nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí đa dạng của sinh viên thời đại mới.

Theo thông tin từ Viện Công nghệ Thông tin – đơn vị đồng hành phát triển nguồn tài nguyên số của học viện – hiện nay, thư viện đã triển khai hệ thống tài nguyên điện tử phong phú: từ giáo trình số, luận văn, tạp chí chuyên ngành, đến các cơ sở dữ liệu học thuật mở. Tất cả được tích hợp trên cổng thư viện điện tử, cho phép người học truy cập mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian.

Không chỉ thế, thư viện còn chú trọng tạo ra những không gian học tập đa chức năng và sáng tạo. Tiêu biểu là mô hình “Quầy sách Tài chính xanh – Tài chính số”, một phần của không gian học tập hiện đại tại học viện. Mô hình này không chỉ cung cấp tài liệu chuyên ngành mà còn góp phần nâng cao nhận thức về phát triển bền vững và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân – những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng người công dân số.Lan tỏa cảm hứng đọc 

Điểm đặc biệt trong hoạt động phát triển văn hóa đọc tại Học viện Phụ nữ Việt Nam là sự lồng ghép linh hoạt giữa hoạt động truyền thống và công nghệ hiện đại. Các chương trình như “Góc đọc sách mở”, “Mỗi tuần một cuốn sách hay”, “Đọc sách cùng chuyên gia”, hay các cuộc thi review sách online được tổ chức thường xuyên, kết hợp cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, tạo cơ hội để sinh viên kết nối, chia sẻ và cùng nhau vun đắp thói quen đọc sách.

Không ít sinh viên cho biết, các bạn bắt đầu quay trở lại với việc đọc nhờ những câu đoạn review sách hấp dẫn do thư viện và câu lạc bộ Sách và hành động giới thiệu. Những câu chuyện giản dị về hành trình lập thân, lập nghiệp, về bình đẳng giới, hoặc bài học cuộc sống qua trang sách… đã khơi lên sự đồng cảm và cảm hứng tự học nơi người trẻ.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ thư viện – những “người giữ lửa tri thức” – không chỉ làm công tác chuyên môn, mà còn đóng vai trò là người hướng dẫn, tư vấn học thuật, đồng hành cùng sinh viên trong hành trình khám phá tri thức. Các thủ thư chính là cầu nối giữa sách và người đọc, giữa truyền thống và đổi mới.Hướng đến tương lai: Xây dựng một cộng đồng học tập trọn đời

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mạnh mẽ cách con người tiếp cận và xử lý thông tin, việc duy trì và làm mới văn hóa đọc không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà còn là mục tiêu sống còn để thích nghi và phát triển. Với tầm nhìn đó, Thư viện Học viện Phụ nữ Việt Nam đang từng bước hướng đến mô hình thư viện mở, thư viện số, thư viện học tập trọn đời, góp phần xây dựng một môi trường giáo dục khai phóng, nơi mỗi sinh viên đều có thể tự do tìm kiếm tri thức, khám phá bản thân và phát triển toàn diện.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp để mỗi chúng ta nhìn lại vai trò của việc đọc trong hành trình làm người và làm công dân. Tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, tinh thần ấy không chỉ được khơi dậy vào ngày 21/4, mà còn được nuôi dưỡng mỗi ngày qua từng cuốn sách, từng hoạt động ý nghĩa và từng đổi mới cụ thể trong hệ thống thư viện. Đó là hành trình lặng lẽ nhưng đầy sức mạnh, góp phần thắp sáng tình yêu tri thức trong lòng thế hệ trẻ – những người sẽ tiếp bước xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và nhân văn.