Theo ghi nhận, hầu hết các trường cấp 2, cấp 3 đều có một hộp thư dành riêng cho học sinh gửi gắm tâm sự, phản ánh các vấn đề của nhà trường để ban giám hiệu hay các thầy cô kịp thời nắm bắt và xử lý. Nhưng thực tế, hòm thư ấy hoạt động thế nào?

Theo bạn Nguyệt Ánh (lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): “Hòm thư chỉ mang tính chất “tượng trưng” là chính. Thời đại công nghệ, học sinh chỉ ôm điện thoại hay laptop chứ ý ai còn viết ra giấy để gửi cho trường. Mình để ý lâu lâu có 1 bức thư cũng chỉ là… trò đùa của một bạn nào đó.”

Bạn Minh Vy (lớp 11 Trường THPT Phú Nhuận) cũng nhận xét: Theo mình, lý do chính là vì các bạn “lười” viết ra giấy, và có tâm lý muốn được chia sẻ, muốn được bày tỏ trên mạng nhiều hơn”.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc viết gửi vào hòm thư cho nhà trường không có tác dụng gì mấy, vì phần lớn các thầy cô không quan tâm lắm.

Bạn Xuân Vinh (lớp 12, quận 1) cho rằng: “Thông thường thư các bạn gửi mang tính chất cá nhân, nên các thầy cô rất khó phân giải. Và ở vị trí giáo viên với nhau, cùng lắm là góp ý, nhắc nhở, chứ đâu có xử lý nặng như học sinh được”.

Phản ánh giáo viên chủ nhiệm: lúc hiệu quả, lúc không!

Bạn Phương Hảo (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Biên Hòa) chia sẻ: “Thường thì mình hay trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, vì đó là người gần gũi với mình cũng như với các bạn nhất. Nên nếu gặp vấn đề gì bức xúc về giáo viên hay về trường, mình sẽ chọn cách tâm sự với cô. Cô luôn lắng nghe và giải thích.”

Tuy nhiên cũng có rất nhiều bạn rơi vào tình huống “tiến thoái lưỡng nan”.

Bạn Nguyệt Ánh cho rằng lớp đều chọn cách chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm những vấn đề gây “nhức nhối”, nhưng thầy cứ nói rằng: “Do trách nhiệm nên người ta phải làm như vậy hết”. Hoặc “Có thể lúc đó thầy cô đang không vui thôi”.

“Chia sẻ vài lần toàn nhận được câu trả lời như vậy, nên riết lớp mình cũng nản” – Ánh chia sẻ thêm.

Bạn Nam Anh (Trường THPT Gia Định) cho biết: “Học sinh không dám chia sẻ vì giáo viên chủ nhiệm quá khó tính, cũng có khi “quá thân” với thầy cô mình muốn góp ý, nên cũng rất ngại nói ra”.

Mong ổ khóa của hòm thư góp ý được mở thường xuyên - Ảnh: Tâm An
Mong ổ khóa của hòm thư góp ý được mở thường xuyên – Ảnh: Tâm An

Đăng Facebook vì không có kênh nào để giải tỏa

Bạn Nguyệt Ánh nói: “Khi mình không còn tìm được một kênh thông tin nào phù hợp để phản ánh, mình rất bực bội và khó chịu, và mình nghĩ khi mình đăng lên Facebook mà không xuyên tạc, không ghi tên giáo viên đó ra, thì không vi phạm gì cả. Vì học sinh cũng có quyền tự do ngôn luận, giáo viên không thể cứ lúc vui thì đối xử tốt, còn lúc buồn thì đem học sinh ra để giải tỏa được. Tuy nhiên khi viết lên Facebook mình cũng đã suy nghĩ và cân nhắc lời lẽ rất kỹ”.

Đồng ý, bạn Thảo (quận 1, TP.HCM) nói: “Đăng lên Facebook cũng là một cách để mình tìm kiếm sự đồng cảm. Khi mình đăng lên mới biết cũng có rất nhiều bạn đang “chịu cùng cảnh ngộ” với mình. Mình không dám dùng lời lẽ thiếu tôn trọng, mình chỉ ghi lại những diễn biến và cách cư xử của người giáo viên mình không thích thôi”.

Nguồn: http://tuoitre.vn/