Từ năm 2004, Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình khung đào tạo ngành CTXH bậc đại học và bậc cao đẳng, nhưng phải tới năm 2010 khi Đề án 32 (Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020) được ban hành, mới tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triển nghề CTXH. Hiện nay Bộ Nội vụ đã ban hành chức danh, mã ngạch viên chức CTXH. Đây được coi là bước khởi đầu mở ra một nghề mới đầy triển vọng trên thị trường lao động.
Cả nước hiện có khoảng 40 trường đại học, cao đẳng đào tạo chuyên ngành này, mỗi năm tuyển sinh chỉ khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành CTXH. Con số này quá ít so với nhu cầu thực tế về cán bộ, nhân viên CTXH (theo đề án 32 tới năm 2020 cán bộ, nhân viên CTXH cần đạt là 60.000 người).
Năm 2013, Học viện Phụ nữ Việt Nam chính thức gia nhập những trường đào tạo chuyên ngành về Công tác xã hội với mục tiêu tiêu “Đào tạo đội ngũ cán sự làm công tác xã hội có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe; nắm vững hệ thống kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề Công tác xã hội; có tư duy khoa học; có khả năng nghiên cứu, phát hiện và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp giúp cá nhân, nhóm và cộng đồng tự giải quyết các vấn đề xã hội”. Giảng viên của Học viện có nhiều kinh nghiệm trongđào tạo ngành CTXH từ rất nhiều năm trước với các khóa trung cấp chuyên nghiệp, ngắn hạn và bồi dưỡng
Bên cạnh đó Học viện đã tham gia nhiều dự án có liên quan đến CTXH như:
– Dự án “Tăng cường năng lực cho cán bộ cộng đồng làm công tác xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh” do tổ chức CFSI của Philippin tài trợ.Mục tiêu của dự án làđóng góp vào việc cải thiện dịch vụ ở cấp cộng đồng nhằm bảo trợ tốt hơn cho các đối tượng yếu thế, góp phần làm giảm tình trạng khó khăn, dễ bị tổn thương cho người dân cộng đồng ở TP HCM và vùng phụ cận thông qua việc nâng cao năng lực cho 500 nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng.
– Dự án hợp tác với Hiệp hội Công tác xã hội Liên bang Nga trong việc đào tạo, nghiên cứu thúc đẩy nghề công tác xã hội của Học viện phụ nữ Việt Nam, trong đó có việc kết nối các cơ hội hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với Hiệp hội công tác xã hội Liên bang Nga và các tổ chức về công tác xã hội quốc tế khác để phát triển ngành công tác xã hội tại Học viện, hướng tới mở rộng mối quan hệ hợp tác đào tạo đại học và sau đại học ngành này.
– Phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nghiên cứu, xây dựng tài liệu “Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với một số nhóm đối tượng yếu thế ở Việt Nam” do tổ chức Oxfam (Hà Lan) tài trợ.
– Dự án hợp tác với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef), xây dựng tài liệu “Phòng tránh tai nạn thương tích trẻ em” và tham gia tập huấn cho cán bộ, phụ nữ tại cộng đồng.
– Phối hợp với Hội người mù, Hội người khuyết tật tại một số quận ở Hà Nội để xây dựng tài liệu và tham gia giảng dạy kiến thức, kỹ năng cho các hội viên của Hội người khuyết tật.
Ngoài ra, đội ngũ giảng viên cơ hữu tham gia giảng dạy chương trình Công tác xã hội của Học viện còn có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác phát triển với các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ như: Quĩ nhi đồng của Liên hợp quốc (Unicef); Trung tâm nghiên cứu và phát triển xã hội (ISSI); Tổ chức phụ nữ Vì hòa bình phát triển của Vương quốc Campuchia; Hội liên hiệp phụ nữ nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào…
Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng đều có học vị tiến sỹ, thạc sỹ các ngành phù hợp với các học phần trong chương trình cử nhân Công tác xã hội được mời từ các Trường Đại học, các Học viện có đào tạo ngành Công tác xã hội như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội & nhân văn, trường Đại học Công đoàn; Trường Đại học Lao động – xã hội….
Những tiền đề xuất phát, những kinh nghiệm hoạt động trong thực tiễn cùng đội ngũ giảng viên có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn được đảm nhiệm; có uy tín chính là lợi thế của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc đào tạo chuyên ngành về công tác xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo những cán bộ công tác xã hội có chuyên môn, nghiệp vụ mà đề án 32 đã đề ra.