Trước tiên cần khẳng định truyện ngôn tình không xấu, nếu như truyện ngôn tình được gọi đúng tên, hiểu đúng nghĩa của nó. Ví như, các câu chuyện của Quỳnh Dao một thời làm mưa làm gió, lấy đi bao nhiêu nước mắt của người đọc, làm thổn thức biết bao trái tim, đấy là một dạng truyện ngôn tình. Tình yêu đẹp, ước mơ cuộc sống ấm áp, hạnh phúc, khát vọng gửi gắm về một người tình lý tưởng… đều thấy ở trong các dạng sách này. Những tác phẩm ấy khiến người ta mãi nhớ một phần vì cốt truyện, một phần là thứ văn phong đẹp đẽ, diễm lệ, ít ai có thể phủ nhận.
Những năm gần đây, khi sách Trung Quốc du nhập ào ạt vào nước ta, cái gọi là truyện ngôn tình ấy cũng dần bị biến tướng. Ít cuốn sách nào còn thấy được bản chất đẹp đẽ duy mỹ của tình yêu, ngôn từ nữa, thay vào đó các tình tiết, lời thoại ngày càng trở nên nhạt loãng, câu khách và rẻ tiền, nhầy nhụa, tư tưởng có lúc thiếu tính nhân văn. Có thể điểm nội dung này qua nhiều cuốn sách được khoác những cái tên như dòng sách đam mỹ (đồng tính nam), xuyên quốc gia, huyền huyễn, hủ nữ… như: Tình yêu đau dạ dày, Dụ tình, Ngủ cùng sói, Đồng lang cộng hôn… Thật không hay ho khi những cuốn sách này hiện đang là trào lưu, là mốt đọc của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên. Ở lứa tuổi đang hoàn thiện nhân cách, bồi đắp kiến thức, chuẩn bị hành trang cho tương lai, những cuốn sách ấy đã không đánh thức được ước mơ, hoài bão, khát vọng, đam mê sống và học tập của tuổi trẻ, mà ngược lại, dẫn họ vào những con đường u mê của thứ tình yêu sướt mướt, lạc lối.
Lỗi để xuất bản được những cuốn sách tạp nham này đầu tiên phải nói đến chính là các công ty xuất bản tư nhân, đơn vị khai thác và đầu tư mua bản quyền. Với ê kíp, nhân viên bản quyền non trẻ, thiếu và yếu kinh nghiệm, chạy theo trào lưu của độc giả và đặt nặng lợi nhuận lên trên hết, họ không kiểm soát được chất lượng bản thảo khi khai thác. Phần nữa là sự buông lỏng về quản lý cấp phép của các Nhà xuất bản, không đọc kỹ bản thảo khi biên tập cũng tiếp tay cho ra đời những tác phẩm tạp nham dạng này. Và khi gặp lỗi mới đọc hậu kiểm, thu hồi, cấm thì đã muộn.
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông đã có công văn nhắc nhở, thậm chí đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế xuất bản các dạng sách ngôn tình trên thị trường xuất bản hiện nay. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, việc cấm xuất bản ngôn tình không phải là giải pháp có tính căn gốc. Bởi với sự phát triển đa dạng các kênh thông tin như hiện nay, ấn phẩm xuất bản không phải là con đường duy nhất để lan truyền thông tin, nếu như giới trẻ theo trào lưu vẫn tìm đến với nó.
Các Nhà xuất bản cần kiểm duyệt chặt chẽ bản thảo khi đăng ký cấp phép, các đơn vị làm sách tư nhân cũng nên chọn lọc kỹ càng trước khi mua bản quyền, có thể sẽ hạn chế được sạn như hiện nay. Mong mỏi ở ý thức người đọc cũng là một khía cạnh quan trọng. Muốn có được điều đó, gia đình- nhà trường- xã hội cùng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về văn – thể – mỹ cho các thế hệ học sinh, sinh viên, bồi đắp cho họ tình yêu văn học, biết tự “gạn đục khơi trong”. Đồng thời, cổ vũ, khuyến khích các nhà văn trong nước sáng tác tác phẩm văn học mang hơi thở cuộc sống phục vụ bạn đọc trẻ tuổi… Khi đó, những tác phẩm thiếu giá trị sẽ không có đất để phát triển.
Và hơn hết, bản thân mỗi bạn học sinh, sinh viên phải hình thành cho mình văn hóa đọc. Đọc sách để phát triển bản thân, đọc sách để rèn sự tập trung và thư giãn, đọc sách để có những tư tưởng mới, cảm xúc mới, bởi sách luôn là người thầy vĩ đại, người bạn trung thành và gần gũi nhất. Vì vậy, các bạn trẻ hãy biết lựa chọn cho mình những cuốn sách thực sự giá trị, có tính nhân văn; đồng thời, cảnh giác với loại sách dẫn dụ người đọc vào những u mê, tuyệt vọng, không lý tưởng, không lối thoát như một số cuốn sách ngôn tình nói trên.
Nói như ai đó: con dao không có lỗi, người làm dao không có lỗi. Lỗi ở người sử dụng dao không đúng mục đích. Lỗi còn ở người quản lý dao không chặt ngõ hầu mang đến những tai họa.