Biển Đông nằm trên tuyến giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương- Ấn Độ Dương, Châu Âu- Châu Á, Trung Đông- Châu Á và là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua biển Đông. Do đó, biển Đông có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực về địa lý chiến lược, an ninh quốc phòng, giao thông hàng hải và kinh tế. Biển Đông còn được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới với trữ lượng khoảng 7 tỉ thùng, khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày. Với trữ lượng này có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm, duy trì liên tục trong vòng 15-20 năm tới. Ngoài ra biển Đông còn có trữ lượng lớn khí đốt đóng băng (băng cháy), được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu khí trong tương lai. Nguồn tài nguyên thiên nhiên biển ở biển Đông cũng hết sức phong phú, đặc biệt là nguồn tài nguyên thủy hải sản, sinh vật, khoáng sản, du lịch…

Việt Nam giáp với biển Đông ở cả ba phía Đông, Nam và Tây Nam với đường bờ biển dài 3.260km2. Theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam có vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng lớn; có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm giữa biển Đông cùng hàng nghìn đảo lớn nhỏ, hợp thành phòng tuyến bảo vệ, kiểm soát và làm chủ các vùng biển và thềm lục địa. Về kinh tế, biển Đông tạo điều kiện để Việt Nam phát triển những ngành mũi nhọn như khai thác, chế biến thủy hải sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch… Ngoài ra, ven biển Việt Nam còn chứa đựng tiềm năng to lớn về quặng sa khoáng như titan, thiếc, vàng, đất hiếm… trong đó cát nặng, cát đen là nguồn tài nguyên quí.                      

Theo quan điểm của Việt Nam và căn cứ của luật pháp quốc tế, Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Căn cứ Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và thềm lục địa được xác lập phù hợp với Công ước này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà một số nước đã tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quẩn đảo Trường Sa và do việc giải thích, áp dụng Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 của các nước ven biển nằm bên bờ biển Đông khác nhau, nên đã hình thành các khu vực biển và thềm lục địa chồng lấn cần được tiến hành phân định giữa các bên liên quan. Từ thực tế đó, hiện nay trên biển Đông đang tồn tại hai loại tranh chấp chủ yếu là: tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam; tranh chấp trong việc xác định ranh giới các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước có bờ biển liền kề hay đối diện nhau ở xung quanh biển Đông.

Để góp phần bảo vệ chủ quyền đối với lãnh thổ đất nước, với quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa, sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam cần xác định rõ sứ mệnh của mình là lực lượng trẻ, là tầng lớp đi tiên phong trong các hoạt động thúc đẩy cộng đồng quan tâm và có trách nhiệm đối với những vấn đề liên quan đến môi trường, bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng và bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảo của Tổ quốc. Nhất quán lập trường của Đảng và Nhà nước khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; chủ quyền đối với vùng nội thủy, lãnh hải; quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa theo qui định của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển năm 1982 và Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002.

Sinh viên Học viện phải đi đầu trong việc tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam. Tăng cường học tập, nghiên cứu, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển. Xây dựng và quảng bá thương hiệu biển Việt Nam. Góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị thế quốc gia biển và hội nhập quốc tế trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo. Lên án mạnh mẽ các hành động thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, không nghe theo các luận điệu phản động, kích động chống phá của các thế lực phản động.