Smartphone làm thay đổi cách đọc
Với điện thoại thông minh (smartphone), con người bắt liên lạc dễ dàng hơn, trao đổi thông tin nhanh hơn, và đó cũng là một công cụ giải trí cực kỳ tiện lợi, bất kỳ lúc nào, ở đâu, nhờ vào sự bùng nổ của mạng internet di động.
Hiện ở nước ta có khoảng hơn 22 triệu người sử dụng smartphone, tức là cứ 4 người có 1 người sử dụng smartphone – đó là số liệu của công ty Appota liên quan tới lĩnh vực di động tại Việt Nam đưa ra. Appota còn dự báo số người sử dụng smartphone ở nước ta sẽ còn tăng mạnh hơn trong những năm tới, vì smartphone đang dần thay thế điện thoại di động chức năng phổ thông. Hơn nữa, mức giá smartphone ngày càng giảm, đặc biệt ở phân khúc smartphone bình dân, người tiêu dùng hiện nay chỉ cần bỏ ra ba triệu đồng là có thể sở hữu một smartphone có chất lượng khá và có nhiều thương hiệu để lựa chọn.
Theo điều tra của các công ty có liên quan tới điện thoại di động: nhanh chóng tiếp cận và dễ tiếp thu công nghệ mới là nhóm người trẻ từ 16 – 24 tuổi, họ sở hữu smartphone nhiều nhất, 58%. Đó cũng là nhóm người dùng trực tuyến nhiều nhất, 86%. Kế đến là độ tuổi 25-34 có 45% dùng smartphone, và 31% người trong độ tuổi 35-44. Xu hướng smartphone số hóa Việt Nam thể hiện rõ qua các con số: 36% người Việt dùng smartphone kết nối internet, cao hơn nhiều so với mức 5% của máy tính bảng (tablet),và gần xấp xỉ 44% trên máy tính để bàn (desktop). Số người dùng smartphone lên mạng mỗi ngày là 76%. Từ năm 2009 nước ta sử dụng mạng 3G, đến nay sắp có thêm 4G, và nhu cầu dùng smartphone của con người không chỉ để thoại mà còn truyền dữ liệu đang tăng mạnh, bởi vì internet di động tạo nhiều tiện ích cho người sử dụng.
Dịp Tết vừa qua, tôi hỏi chủ cửa hàng bán SIM số trên đường Kim Mã và Đại La (Hà Nội), mỗi cửa hàng bán ra từ 100 tới 150 SIM chuyên dụng cho dịch vụ 3G, ngày thường bán vào khoảng gần 50 SIM. Cháu Nguyễn Thu Hiên, quê ở huyện Phong Châu, Phú Thọ, khi được tôi hỏi về dùng dịch vụ 3G, nói: ‘Dịp Tết về quê nhưng vẫn cần có mạng internet để truy cập các dịch vụ cơ bản hoặc check mail. Mạng internet ở quê thường chập chờn, vì dùng dây đồng, ít dùng cáp quang như các đô thị lớn, nên không đảm bảo tốc độ kết nối, vì thế sử dụng 3G là tốt nhất’. Những người làm việc tại thành phố lớn, sinh viên… vốn quá quen với cuộc sống công nghệ và internet, thiếu kết nối hay đứt mạng là việc ‘không thể chấp nhận được’. Theo Cục Viễn thông- Bộ thông tin truyền thông, nước ta hiện có 27,5 triệu thuê bao sử dụng 3G, chưa kể 4G, mới triển khai.
Thói quen lên mạng từ smartphone và các thiết bị khác của người Việt, theo nghiên cứu của Google, có đến 85% người Việt thường xem video trực tuyến, chỉ sau Trung Quốc – 92% và Ả rập Saudi – 97%. Bảng khảo sát các hoạt động trực tuyến còn cho thấy, tin tức, tin thể thao và thời tiết được người Việt quan tâm nhiều nhất, với tỷ lệ 95%, kế đến là tìm kiếm thông tin 93%, trong đó, tìm thông tin sản phẩm 69%. Người Việt bỏ ra hơn 5 tiếng mỗi ngày để lên mạng đối với người dùng máy tính và gần 3 tiếng với người dùng smartphone. Tổng thời gian trung bình mà một người Việt truy cập vào mạng xã hội trong ngày là 2 tiếng.
Smartphone đã có những ảnh hưởng quan trọng đến cách xem tin tức của người Việt, nhất là giới trẻ. Với các ứng dụng mới từ các trang mạng xã hội như ‘Instant Articles’ trên Facebook chẳng hạn, một thành viên có thể xem nội dung các bản tin của những trang báo mạng mà không cần phải rời mạng xã hội. Sự có mặt của smartphone đã và đang làm thay đổi cách thức thưởng thức văn hóa, theo dõi tin tức, trao đổi tin tức của chúng ta. Thông tin nhanh hơn, nóng hơn nhưng cũng hời hợt hơn, ít sâu lắng hơn. Tôi hay trò chuyện, tiếp xúc với giới trẻ, đôi lần cùng họ bàn về chuyện đọc. Nhiều bạn cho rằng, việc đọc những thông tin nóng hổi về thể thao, thời sự, chuyện hậu trường showbiz với những cái title giật gân, khơi gợi sự tò mò, kèm hình ảnh sinh động trên điện thoại hay máy tính thích thú hơn nhiều so với những cuốn sách dày cộp, chằng chịt chữ là chữ. Cái cảnh áo trắng sân trường, trên tay cầm quyển sách truyện hay sách công cụ mà tôi vẫn thường thấy ở trường cấp III Việt Đức xưa kia không còn nữa, thay vào đó trên tay các bạn học sinh là chiếc điện thoại và lướt web…
Giữa thời smartphone, đọc sách giấy có phải là xa xỉ?
Với smartphone phát triển mạnh mẽ, giới truyền thông toàn cầu trong đó có nước ta giờ phải đối mặt với một cuộc cải tiến ‘mobile first’ – nghĩa là báo chí, truyền thông giờ phải ưu tiên trước đến độc giả từ smartphone, bằng cách đưa ra các ứng dụng media, hay trang mạng được thiết kế dành cho đọc trên màn hình smartphone. Theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, cách thức tiếp cận thông tin của giới trẻ ngày nay được dựa trên hai kiểu lôgic: ‘Thay thế phương tiện’ và ‘Chia sẻ thông tin’. Nhiều lời ta thán là, người Việt, nhất là tuổi trẻ bây giờ ‘không còn thích đọc’ thực tế là họ có đọc, nhưng là đọc trên mạng. Đọc trên mạng, nếu loại trừ đọc sách điện tử (ebook), lại nằm ngoài phạm trù văn hóa đọc mà thuộc lĩnh vực nghe-nhìn. Tìm, đọc, rồi chia sẻ thông tin đó là kiểu tư duy của lớp trẻ ngày nay. Đây chính là lợi thế của smartphone. Các đường dẫn URL có thể lưu hành một cách thoải mái trong chính cộng đồng người đăng nhập.
Nhưng việc tiếp cận được thông tin nhanh, đa dạng cũng có những hệ lụy của nó. Có khi người ta không đủ kiên nhẫn để xử lý thông tin nhận được, tin tức đó có thể nhanh chóng trở thành những mẩu tin rời rạc. Đó cũng là nơi ngự trị của những kiểu thông tin vặt như chuyện lạ bốn phương, tin hài, những comment thuộc loại ‘vớ vẩn’ chứng tỏ người bình chưa hiểu hết nội dung thông tin mà mình vừa đọc lướt. Sự bùng nổ của internet, điện thoại… là mảnh đất để lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ có cơ hội phát triển. Đọc một số tin nhắn qua điện thoại, facebook của giới trẻ, thấy lệch chuẩn văn hóa ngôn ngữ biểu hiện dưới các dạng: lạm dụng quá nhiều tiếng lóng, từ địa phương cũng như vay mượn từ nước ngoài, rồi văng tục, chửi bậy…
Lấn lướt văn hóa đọc
Rõ ràng sự bùng nổ của smartphone và internet di động cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho văn hóa đọc. Văn hoá đọc ở nghĩa rộng, đó là ứng xử đọc, giá trị đọc và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, cơ quan quản lý nhà nước. Với nghĩa hẹp, văn hóa đọc là ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân. Mục đích cuối cùng của phát triển văn hoá đọc chính là phát triển ứng xử, giá trị và chuẩn mực đọc lành mạnh của mỗi thành viên trong xã hội.
Ở nước ta trong mấy chục năm qua, văn hoá đọc đã có những bước phát triển vượt bậc, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế: Nền kinh tế của chúng ta đang phát triển với tốc độ khá cao làm cho thời gian nhàn rỗi của người dân dành cho đọc đang có nguy cơ bị các phương tiện nghe nhìn, thú đi du lịch… lấn lướt, làm suy thoái thói quen đọc của công chúng.
Tôi gặp nhà văn Chu Lại, trao đổi về đề tài văn hóa đọc, và đưa câu chuyện người Việt chi tiền mua sách không bằng số lẻ tiền uống bia mỗi năm, người Việt chi 63 nghìn tỷ đồng uống rượu bia mỗi năm, nhưng lại chỉ bỏ 2 nghìn tỷ đồng mua sách đọc và hỏi ông: ‘Phải chăng văn hoá nghe-nhìn đang lên ngôi?’. Ông bảo: ‘Đúng vậy, ta phải chấp nhận, và quan trọng hơn, phải vuợt qua thách thức này. Cứ từ mình mà suy ra cũng đủ rõ. Ở nhà, nếu rảnh rỗi đôi chút là ta bật tivi lên. Màn ảnh nhỏ có sức hút mạnh, không ngồi trước máy tính, tivi thì thôi, đã ngồi vào là triền miên, hết chương trình này đến chương trình khác, chương trình nào, kênh nào cũng có cái để xem. Khi ta ra khỏi nhà thì thì có ‘phôn’. Ngơi ra là nghe tin tức, nghe ca nhạc’… Tôi khẳng định lại, ‘Vâng, nói là văn hoá nghe-nhìn ‘lên ngôi’ nhưng nói văn hoá nghe-nhìn thành môi trường sống của con người hiện đại cũng không sai’. Nhịp sống của con người thời nay biến đổi nhanh đến chóng mặt. Con người cứ như quay cuồng trong việc thỏa mãn nhu cầu làm việc, nhận thức, hưởng thụ, vui chơi… của mình, nên ít đọc hơn trước nhiều.
Văn hoá đọc đòi hỏi tính tự giác rất cao, mỗi người đều phải rèn luyện bản lĩnh, không bị cám dỗ bới các thú vui chơi khác thì mới làm giầu kiến thức chung và kiến thức chuyên môn của mình. Văn hoá đọc có vai trò và ưu thế riêng của nó, thiết nghĩ, dù văn hoá nghe – nhìn có phát triển đến đâu cũng sẽ không bao giờ thay thế được văn hóa đọc. Văn hóa nghe – nhìn nặng về tính thông tin và giải trí, nhẹ về tính giáo dục và tri thức, văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe – nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Sự lấn lướt của văn hoá nghe – nhìn đối với văn hóa đọc có thể chỉ là tạm thời, nhưng không thể coi thường.
Nên chăng nhân dịp này, các cơ quan chức năng cần có cuộc điều tra xã hội học trên qui mô quốc gia nhằm xác định thực trạng dân ta đang đọc như thế nào? Họ có mua sách không? Mua bao nhiêu cuốn sách một năm ở những gia đình có thu nhập thấp, ở những gia đình có thu nhập trung bình và ở những gia đình có thu nhập cao?v.v… Để từ đó mà có điều chỉnh thích hợp, lấy lại phong độ của văn hóa đọc
Đọc sách cũng là một cách sống chậm, để suy ngẫm những điều hay lẽ phải, kiến thức bổ ích mà sách mang lại. Không thể phủ nhận rằng, internet, smartphone đang đưa tới cho mọi người thông tin nhanh, tuy nhiên, đọc nhanh, lướt nhanh thì quên cũng nhanh. Nó chẳng thể đọng lại lâu, không ghi dấu ấn sâu sắc bằng những trang sách đâu các bạn ạ.