– Thưa Thứ trưởng, theo dự kiến, năm 2017 thí sinh sẽ được thoải mái đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học chứ không bị hạn chế như những năm trước. Như vậy việc đăng ký và xử lý các thông tin sau đó sẽ phức tạp hơn. Điều này sẽ được giải quyết ra sao?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm 2017, dự thảo quy chế tuyển sinh quy định cho thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi, cùng lúc với làm thủ tục dự thi. Nhưng sau khi có kết quả thi, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Dự kiến thay đổi tuyển sinh 2017 nhằm khắc phục bất cập của các năm trước đó. Ảnh: Hạ Anh |
Điều này một mặt giúp cho việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp, mặt khác giúp thí sinh có nhiều thời gian để lựa chọn nguyện vọng phù hợp.
Việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số thí sinh đã được cung cấp khi đăng ký dự thi.
– Khi đăng ký nguyện vọng không hạn chế thì các trường làm thế nào để lường được số thí sinh trúng tuyển vào trường mình?
– Thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất.
Trong đợt 1, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng. Tuy nhiên, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Ví dụ ngành A lấy điểm chuẩn 20 điểm thì tất cả những thí sinh đã đăng ký vào ngành A có điểm thi từ 20 điểm trở lên dù đăng ký bất kỳ nguyện vọng nào cũng được xếp vào danh sách trúng tuyển.
Tuy nhiên khi thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 3 vào trường X, nguyện vọng 5 vào trường Y, nguyện vọng 6 vào trường Z thì thí sinh này chỉ được báo trúng tuyển vào duy nhất trường X (có nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã trúng tuyển).
– Khi thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường thì làm thế nào trường biết nguyện vọng cao nhất mà thí sinh đã trúng tuyển?
– Trường chỉ biết chắc chắn những thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và nằm trong danh sách trúng tuyển của trường là sẽ trúng tuyển chính thức.
Để giúp cho các trường loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh trúng tuyển vào nhiều trường, Bộ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện động tác thống kê nguyện vọng của thí sinh để lọc ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
Quy trình xét tuyển được thực hiện như sau: Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT, các trường/nhóm trường khai thác thông tin (của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan) trên cổng thông tin tuyển sinh để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển.
Sau đó các trường/nhóm trường nhập lên cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng.
Các trường/nhóm trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc ảo so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp.
Các trường có thể điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần trong thời gian quy định để có được danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức (các thí sinh này chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất).
– Quy trình tuyển sinh như vậy có ảnh hưởng đến quyền tự chủ của các trường không?
– Quyền tự chủ tuyển sinh phụ thuộc ai là người quyết định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển. Theo dự thảo quy chế tuyển sinh thì hai việc này hoàn toàn do các trường quyết định.
Bộ xây dựng cổng thông tin tuyển sinh, cung cấp thông tin và công cụ thống kê tự động để hỗ trợ cho các trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh theo nguyên tắc cơ bản: trong xét tuyển đợt 1, thí sinh chỉ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Nếu trường không sử dụng công cụ hỗ trợ của cổng thông tin tuyển sinh thì không thể đảm bảo được nguyên tắc này.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Đinh Tuấn. |
– Sau giai đoạn tuyển sinh theo phương thức “ba chung”, 3 năm gần đây, Bộ GD-ĐT luôn có điều chỉnh quy chế. Phải chăng đây vẫn đang là giai đoạn luẩn quẩn tìm ra một cách làm hợp lý?
– Thực ra, định hướng về tuyển sinh khá rõ ràng. Mục tiêu cuối cùng là giao tự chủ cho các trường trong việc tuyển sinh theo quy định của Luật giáo dục Đại học. Tuy nhiên, để làm được điều này, phải thực hiện từng bước.
Trong các năm 2015, 2016, đã thực hiện những bước cơ bản. Đến năm 2017 chỉ điều chỉnh những bất cập của năm trước để các trường tuyển sinh tốt, diễn ra trong trật tự và an toàn, đảm bảo sự công bằng đối với thí sinh.
– Việc điều chỉnh theo tình hình từng năm liệu có phải là do Bộ chưa có dự báo chính sách tốt?
– Thực ra, cứ mỗi mùa tuyển sinh thì chúng ta thấy những điểm bất cập đối với thí sinh cũng như nhà trường hoặc là của dư luận xã hội buộc cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh.
Vệc đổi mới công tác thi tuyển sinh không thể thực hiện cùng một lúc được mà phải từng bước cho phù hợp với điều kiện thực tế.
– Tại sao đến thời điểm này Bộ vẫn chưa giao quyền tự chủ tuyển sinh cho trường, trong khi kỳ thi tốt nghiệp đã giao cho các địa phương rồi?
– Tuyển sinh ở nước ta liên quan tới toàn xã hội, gia đình nào cũng quan tâm. Vì vậy nên cũng không thể giao tự chủ cho các trường muốn làm gì thì làm.
Luật Giáo dục Đại học quy định giao quyền tự chủ của các nhà trường nhưng Bộ GD-ĐT phải ban hành quy chế. Năm 2017, trường đại học được quyết định 2 yếu tố điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển, Bộ hoàn toàn không can thiệp, chỉ đưa ra nguyên tắc.
– Tại sao Bộ GD-ĐT quyết định bỏ điểm sàn vào thời điểm này?
– Hai năm vừa qua, Bộ GD-ĐT bắt đầu giao cho các trường xét tuyển kết quả học tập phổ thông nhưng trên thực tế các trường không tuyển được nhiều thí sinh theo cách này.
Năm 2016, dù có điểm sàn nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đơn đăng ký xét tuyển dù rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh đã có sự tính toán, lựa chọn nhất định chứ không phải vào bất cứ trường đại học nào là xong.
Vì vậy, năm nay Bộ quy định điều kiện cần chung nhất là điểm tốt nghiệp THPT. Còn các trường tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của mình cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín.
Mặt khác, năm nay Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp, công khai “chuẩn đầu ra” theo Khung trình độ quốc gia, triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng. Việc kiểm soát chất lượng đào tạo vì vậy không chỉ còn tập trung vào đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
• Hạ Anh – Nguyễn Thảo (ghi)