Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2024: “Nhận diện kinh tế ban đêm và định hướng hoàn thiện khung chính sách, pháp luật cho phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”

Chiều ngày 03/12/2024, tại trụ sở Học viện Phụ nữ Việt Nam, Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ đã tiến hành đánh giá đề tài nghiên cứu “Nhận diện kinh tế ban đêm và định hướng hoàn thiện khung chính sách, pháp luật cho phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”. Đề tài do PGS.TS Đinh Dũng Sỹ và TS. Kiều Thị Thuỳ Linh, Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam, đồng chủ nhiệm, được thực hiện trong 6 tháng với nhiều kết quả giá trị.

Hội đồng nghiệm thu nhất trí thông qua đề tài và đánh giá cao các nội dung nghiên cứu: Xác định rõ bản chất, khái niệm KTBĐ, các yếu tố ảnh hưởng; Đánh giá toàn diện thực trạng pháp luật và chính sách điều chỉnh KTBĐ tại Việt Nam; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các thành phố lớn như New York, London, Tokyo, Singapore và rút ra bài học phù hợp; Đề xuất khung chính sách và pháp luật khả thi nhằm phát triển KTBĐ bền vững.

Kinh tế ban đêm đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, và phát triển du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển KTBĐ tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế do khung pháp lý chưa hoàn thiện. Đề tài nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn cung cấp cơ sở thực tiễn giúp các cơ quan quản lý xây dựng chính sách hiệu quả hơn. Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao tính thực tiễn, sự toàn diện và ý nghĩa khoa học của đề tài. Đây là một thành quả quan trọng của Học viện Phụ nữ Việt Nam, góp phần vào việc phát triển bền vững kinh tế ban đêm, nâng cao vị thế quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Lào năm 2024

Sáng ngày 03/12/2024, thực hiện chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Thành ủy Hà Nội và Hội LHPN Thành phố Hà Nội tổ chức bế giảng Lớp bồi dưỡng cán bộ Hội LHPN Lào năm 2024 sau thời gian hai tháng học tập tại Học viện.

Báo cáo tổng kết tình hình học tập, sinh hoạt của lớp trong thời gian 2 tháng nêu rõ  20 học viên đã được tiếp cận, nghiên cứu, trao đổi các kiến thức chung; nghiệp vụ công tác Hội và một số kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng công việc. Ngoài ra, các học viên còn được học thêm môn Tiếng Việt thực hành để phục vụ quá trình giao tiếp, sinh hoạt tại Việt Nam với tinh thần chăm chỉ, kiên trì và sáng tạo, học viên  hăng hái trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm với giảng viên. Kết thúc khóa học, các học viên đã hoàn thành tốt bài luận cuối khóa về các chủ đề đã được học. Sau gần hai tháng học tập tại Hà Nội, 20 học viên là cán bộ Hội LHPN Thủ đô Viêng Chăn đã hoàn thành chương trình đào tạo với 23 chuyên đề kết hợp lý luận và thực tiễn. Nội dung học tập tập trung vào công tác phụ nữ, bình đẳng giới, kỹ năng công tác Hội, cùng các hoạt động thực tế tại mô hình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đoàn cũng tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và làng nghề truyền thống của Hà Nội và Việt Nam. Những kiến thức, kinh nghiệm thu nhận được từ khóa học không chỉ làm phong phú thêm hành trang công tác mà còn để lại những ấn tượng tốt đẹp và kỷ niệm khó quên, trở thành nguồn cảm hứng quý giá cho công việc của các cán bộ Hội khi trở về Thủ đô Viêng Chăn.

Viện Công nghệ thông tin – Học viện Phụ nữ Việt Nam: Hành trình ba năm đầy tự hào và tiếp tục phát triển

Ba năm trước, ngày 01/12/2021, Viện Công nghệ thông tin (CNTT), Học viện Phụ nữ Việt Nam chính thức được thành lập với sứ mệnh trở thành một trong những đơn vị tiên phong đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ. Dẫu khởi đầu với những thách thức, nhưng bằng sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết và khát vọng đổi mới, Viện đã chứng minh sự vươn mình mạnh mẽ, tạo nên những dấu ấn đáng tự hào trong hành trình ba năm qua.

Ngày đầu thành lập, Viện chỉ có 11 nhân sự với 1 Tiến sĩ. Nhưng chính từ nền móng ấy, đội ngũ đã nỗ lực không ngừng để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng. Đến nay, Viện CNTT đã có 23 nhân sự, trong đó có 5 Tiến sĩ – con số thể hiện sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất. Đây không chỉ là kết quả của sự cố gắng từng cá nhân và tập thể Viện mà còn là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược và sự hỗ trợ lớn từ Học viện Phụ nữ Việt Nam.Ba năm là quãng đường tuy không dài nhưng đủ để Viện CNTT định hình khẳng định vị thế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu công nghệ. Với tầm nhìn xa hơn, Viện sẽ tiếp tục thu hút các chuyên gia đầu ngành, các nhà nghiên cứu uy tín để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và thực hành ứng dụng công nghệ số. Mục tiêu của Viện sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và khẳng định giá trị thương hiệu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, không ngừng đổi mới và sáng tạo để đáp ứng những thách thức của thời đại số.

Lễ bàn giao và xuất quân sinh viên khóa 12 học giáo dục Quốc phòng và An ninh

Chiều ngày 01/12/2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh – Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ bàn giao và xuất quân sinh viên khóa 12 học giáo dục Quốc phòng và An ninh. Từ ngày 2/12/2024 đến ngày 27/12/2024, các em sẽ tham gia môi trường học tập theo chuẩn mực quốc phòng, an ninh. Trong suốt khóa học, các sinh viên sẽ tuân thủ nội quy, quy định nghiêm ngặt của Trung tâm. Khoa KHCB và CVHT sẽ giám sát chặt chẽ tình hình học tập nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Mục tiêu là 100% sinh viên tham gia đều được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành chương trình. Hoạt động này không chỉ đảm bảo quyền lợi học tập mà còn đáp ứng yêu cầu cấp chứng chỉ cần thiết cho quá trình đào tạo và tốt nghiệp. Trước đó, Học viện phối hợp với Trung tâm GDQP&AN tổ chức buổi quán triệt nội dung khóa học. Các sinh viên được phổ biến “Những điều cần biết khi học GDQP&AN” và giải đáp các thắc mắc. Hoạt động này giúp 100% sinh viên tham gia nắm vững nội dung, quy định và phương pháp học tập.