Kết quả vòng chung kết cấp Học viện cuộc thi: “Genesis – Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dành cho nữ sinh viên 2024”
Sáng ngày 20/09/2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Vòng chung kết cấp học viện cuộc thi “Genesis – Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dành cho nữ sinh viên 2024”. Cuộc thi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần khích lệ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên, tạo ra sân chơi thực hành cho nữ sinh viên Học viện cũng như các trường đại học, cao đẳng khác. Thông qua cuộc thi, các em sẽ có cơ hội rèn luyện kiến thức, kỹ năng, từng bước hình thành và hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp của mình. Trong thời đại toàn cầu hoá và chuyển đổi số, thời đại của kinh tế tri thức, kinh tế số, đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo chính là chìa khoá để các bạn sinh viên tự tin, sẵn sàng bước ra thị trường lao động với những đòi hỏi ngày càng cao.
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, ban giám khảo đã lựa chọn ra ba ý tưởng xuất sắc nhất đạt giải Nhất, Nhì, Ba để tiến vào Vòng chung kết toàn quốc. Các đội thi đã có những màn tranh tài kịch tính, đầy sáng tạo, mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả. Giải Nhất thuộc về đội Inseparable Bonds: Ứng dụng kết nối giữa chủ hàng và nhà xe, tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa; Giải Nhì được trao cho đội Oh MindGuard: Ứng dụng chăm sóc sức khỏe tâm thần với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo; Giải Ba thuộc về đội Continuous – Brago: Bộ kit sáng tạo dành cho trẻ em, giúp phát triển tư duy và khả năng kể chuyện thông qua hình ảnh; Ba đội còn lại: CNS – App Connect Students: Diễn đàn kết nối sinh viên, tạo ra môi trường giao lưu, chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho sinh viên; Dưỡng Tâm An: Dịch vụ cung cấp suất ăn dinh dưỡng phù hợp với tình trạng bệnh, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng; Travel Map – Phượt Liên Hoa: Ứng dụng cung cấp thông tin du lịch, kết nối cộng đồng phượt thủ đạt giả Khuyến khích.
Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực tiếng Anh cho viên chức, người lao động Học viện
Với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, Học viện Phụ nữ Việt Nam thường xuyên tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho viên chức, người lao động. Chiều ngày 18/9, Học viện đã tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng tiếng Anh dành riêng cho 20 viên chức, người lao động thuộc nhiều đơn vị khác nhau trong Học viện. Khóa học kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12 với sự tham gia giảng dạy của chuyên gia người nước ngoài, hứa hẹn mang lại những kỹ năng cần thiết giúp các cán bộ viên chức không chỉ tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh mà còn có thể ứng dụng ngôn ngữ này trong các hoạt động nghiên cứu và giảng dạy.
Chương trình bồi dưỡng tiếng Anh lần này được thiết kế đặc biệt, tập trung vào việc nâng cao kỹ năng giao tiếp. Khóa học không chỉ trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về tiếng Anh mà còn chú trọng đến các kỹ năng thực hành, giúp người học có thể giao tiếp một cách tự tin và hiệu quả trong môi trường quốc tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam, những người thường xuyên phải làm việc với các đối tác quốc tế, tham gia hội thảo, viết bài báo khoa học và nghiên cứu chuyên sâu bằng tiếng Anh. Việc tổ chức lớp bồi dưỡng này là một phần trong chiến lược dài hạn của Học viện nhằm nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính trong nhiều hoạt động nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Do đó, việc có được kỹ năng giao tiếp tiếng Anh tốt không chỉ giúp cán bộ, giảng viên tự tin hơn trong công việc mà còn mở ra cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế, nâng cao uy tín của Học viện trên trường quốc tế.
Học viện Phụ nữ Việt Nam trao quà hỗ trợ viên chức, người lao động và sinh viên khắc phục hậu quả cơn bão số 3
Sau khi cơn bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương miền Bắc, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng phát động phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào và các thành viên trong học viện. Chỉ trong vòng một ngày, tổng số tiền quyên góp được đã lên đến hơn 200 triệu đồng. Trong đó số tiền quyên góp từ viên chức, người lao động là hơn 160 triệu đồng và số tiền quyên góp từ sinh viên là 50 triệu đồng. Đây là kết quả của sự đồng lòng từ viên chức, người lao động và sinh viên Học viện, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia với cộng đồng trước khó khăn.
Hoạt động quyên góp này không chỉ hướng đến cộng đồng mà còn thể hiện sự quan tâm đên các thành viên chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão của Học viện. Một phần số tiền quyên góp, cụ thể là 72.701.369 đồng được trích từ một ngày lương của viên chức và người lao động được nộp vào Quỹ Mặt trận Tổ quốc thông qua Công đoàn cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Phần còn lại của số tiền được sử dụng để hỗ trợ trực tiếp cho viên chức, người lao động và 20 sinh viên đồng thời hỗ trợ bà con chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Hội thảo Khoa học Quốc gia Dự án 8 khu vực phía Nam hướng đến giải quyết vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Ngày 12 tháng 9 năm 2024, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo”. Hội thảo là một trong những hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ Dự án 8 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt.
Trong phiên 1, nhiều thực trạng xoay quanh chủ đề Hội thảo đã được nêu ra. Ông Ngô Vân, đại biểu tỉnh Sóc Trăng cho biết công tác phối hợp các ngành liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kiến thức về: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường vẫn còn hạn chế về nhân lực và cách thức nên chưa đạt hiệu quả. Phiên 2 (buổi chiều) của Hội thảo với chủ đề “Những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi khu vực phía Nam”. Rà soát bộ công cụ đánh giá giám sát Dự án 8, tổng hợp và phân loại các vấn đề cấp thiết của đồng bào DTTS tại từng địa phương, tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá mức độ giải quyết hiện tại. Một số vấn đề mới được nhận diện như: bảo vệ phụ nữ trong vấn đề tiêu dùng, tiếp cận thông tin, cần tăng cường phối hợp với các ban ngành liên quan để tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết không quên bám sát vào việc dựa trên phong tục tập quán và văn hóa của từng dân tộc, cần đưa ra các giải pháp cụ thể và thiết thực, theo tiêu chí “mưa dầm thấm lâu” là những yêu cầu mà bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị trong phát biểu bế mạc hội thảo.