Một số hành vi học sinh, sinh viên thường vi phạm như điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe; chở quá số người qui định; không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; sử dụng điện thoại, thiết bị âm thanh khi điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp…; đi xe dàn hàng ngang; sử dụng ô khi điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy…; đi bộ qua đường không đúng nơi qui định, không chấp hành tín hiệu đèn.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an Thành phố Hà Nội còn tổ chức bố trí lực lượng ghi hình học sinh vi phạm trật tự an tan giao thông xung quanh khu vực các cổng trường và sao gửi đĩa hình đến các trường để nhận diện học sinh, sinh viên vi phạm và đề nghị nhà trường có hình thức kỉ luật đối với những học sinh vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Trên địa bàn Hà Nội những năm qua vẫn thường xảy ra tình trạng thanh thiếu niên, trong đó có cả học sinh, sinh viên tụ tập nhau tổ chức đua xe trái phép tại một số tuyến phố ở trung tâm thành phố. Những hoạt động này thường diễn ra vào các dịp lễ hội, tết, các giải bóng đá… Việc đua xe trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, gây rối trật tự công cộng, vi phạm luật giao thông đường bộ, làm mất đi sự bình yên của thành phố.
Để nghiêm túc thực hiện qui định về Luật an toàn giao thông đường bộ, học sinh sinh viên, gia đình, nhà trường cùng phải có chung trách nhiệm.
Thứ nhất, trách nhiệm của học sinh, sinh viên là phải học tập, tìm hiểu, nắm vững pháp luật đồng thời tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành các qui định của pháp luật. Không điều khiển phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) khi chưa có đủ điều kiện qui định của pháp luật: chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe. Không tham gia đua xe và cổ vũ đua xe trái phép, không đi chơi khuya và tụ tập ở những địa điểm thường xuyên có đối tượng đua xe và cổ vũ đua xe. Kịp thời phát hiện và thông báo cho nhà trường, gia đình những trường hợp tham gia đua xe và cổ vũ đua xe. Tuyên truyền cho người khác biết về hành vi đua xe và cổ vũ đua xe là vi phạm pháp luật. Tham gia đua xe và cổ vũ đua xe là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự Thủ đô, làm mất hình ảnh thành phố vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội
Thứ hai, trách nhiệm của gia đình là phải thường xuyên theo dõi, quản lý con em mình, không cho đi chơi khuya. Quản lý con không để tụ tập với những đối tượng hư hỏng, tụ tập ban đêm. Giáo dục con theo qui định của pháp luật. Phối hợp với nhà trường để theo dõi quản lý con.
Thứ ba, trách nhiệm của nhà trường là các thầy cô giáo hướng dẫn cho học sinh, sinh viên về đạo đức, lối sống, hướng dẫn các qui định của pháp luật đối với học sinh, sinh viên. Thường xuyên theo dõi nắm bắt các biểu hiện của học sinh, sinh viên do mình quản lý để giáo dục, uốn nắn kịp thời những biểu hiện lệch lạc. Phối hợp với cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời về hành vi vi phạm pháp luật của sinh viên.