Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM: ‘Hậu quả của việc 75% học sinh phổ thông thiếu hiểu biết về ngành chọn ở đại học’
Sinh viên ‘rơi rụng’ sau mỗi khóa tuyển sinh là một hiện tượng khách quan trong đào tạo.
Nguyên nhân thì có nhiều, từ việc các em chọn ngành học sai, khi vào học không có cảm hứng, kết quả không đạt nên phải nghỉ học. Một số em chọn đúng ngành nhưng lại vào bằng được đại học mà trình độ chỉ ở mức cao đẳng và trung cấp. Có em chịu sức ép từ mức học phí tăng cao nên phải đi làm thêm, kiếm tiền, sao nhãng việc học…
Ông Trần Anh Tuấn |
Tôi đi hướng nghiệp thấy rằng học sinh ở nông thôn rất thiếu thông tin. Khi mà các em vẫn hỏi những chuyện rất sơ đẳng như học ngành nào, trường gì, việc làm như thế nào… thì việc sinh viên chuyển ngành học, bỏ học hoặc bị đuổi khi vào đại học là đương nhiên.
Hướng nghiệp hiện nay mới tập trung ở các thành phố lớn. Nhiều cuộc khảo sát của tôi cho thấy tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%. Chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học.
Đã đến lúc hệ thống giáo dục nên xác định trong trường phổ thông có hướng nghiệp chuyên nghiệp, kết nối với phụ huynh, để họ hiểu rõ và giúp con em chọn ngành, chọn nghề mới.
Bà Phạm Thị Ly, Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục Đại học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: ‘Các thầy cần làm cho người học nhận ra không ai có thể học thay cho họ’
Một giảng viên đại học kể, buổi học đầu tiên nào anh cũng nói với sinh viên rằng: “Các bạn không cần đến lớp nghe giảng để làm bài lấy điểm. Tôi hứa với các bạn nếu các bạn để bài thi giấy trắng tôi sẽ vẫn cho các bạn 5 điểm thi hết môn.
Bà Phạm Thị Ly |
Vì thế, nếu các bạn thấy bài giảng của tôi không có gì cần thiết hay đáng nghe, cứ việc ở nhà ngủ. Tôi sẽ không kỷ luật ai. Nhưng cuộc đời sẽ trừng phạt các bạn”.
Chúng ta trách các trường đào tạo kém chất lượng, nhưng quên rằng đào tạo là một dịch vụ đặc biệt mà chất lượng của nó nhiều phần nằm trong tay người mua.
Đã đến lúc người học phải nhận ra rằng không ai có thể học thay cho họ. Nếu vào trường đại học chỉ mong lấy tấm bằng, thì tất yếu là họ sẽ ra trường với một mảnh giấy vô dụng ghi tên mình mà thôi.
‘Tiên trách kỷ, hậu trách nhân’ – khi nào các thầy làm cho sinh viên của mình thấm thía được điều này, thì con đường học vấn của họ mới thực sự bắt đầu.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT): ‘Trường đại học mải lo tuyển sinh và gánh nặng tài chính’
Trong bối cảnh tài chính rất khó khăn với các trường đại học, đặc biệt là với các trường top giữa và dưới, bản thân các trường phải tăng cường tuyển sinh. Chất lượng đầu vào cũng là một yếu tố dẫn đến việc nhiều sinh viên bị buộc thôi học do điểm tích lũy quá thấp.
Thực trạng này phản ánh được vào học đại học, nhưng học được là một vấn đề khác.
Ông Hoàng Ngọc Vinh |
Với các trường ‘tốp cao’, số lượng bị buộc thôi học cũng không ít, dù chất lượng đầu vào và năng lực của các em là có.
Nguyên nhân có thể là do việc thay đổi môi trường từ quê ra thành thị, từ môi trường gia đình quản lý đến tự do của sinh viên, rồi cách học độc lập là chính thay vì thầy cô kèm cặp thường xuyên,…
Cùng với đó là sau khi trải qua một giai đoạn ôn luyện, bản thân các em phải rất chăm chỉ, cắm đầu cắm cổ để học, nên tâm lý đỗ đại học rồi thì muốn xả hơi theo qui luật chung của não bộ…
Một vài trường ‘tốp dưới’ có hiện tượng gọi vống quá chỉ tiêu đã xác định, sau khi thu được học phí, rồi lần lượt đẩy sinh viên (mà năng lực các em kém hơn khả năng có thể học được) ngay sau năm thứ nhất và năm thứ hai để đến năm thứ 4 đảm bảo vừa đủ chỉ tiêu đã xác định và đủ số phôi bằng.
Rất ít trường khi buộc sinh viên thôi học có thống kê cặn kẽ và nghiên cứu phân tích theo tiêu chí chất lượng – hiệu quả.
Nếu thống kê khoa học, chúng ta sẽ có bức tranh đầy đủ về hiện trạng này như: điểm đầu vào sinh viên, kết quả học tập 3 năm cuối THPT, tổng quan kinh tế xã hội; ngành học, giới tính, dân tộc, khả năng chu cấp tài chính của gia đình, năm thứ mấy hay bị “tăng ca” hoặc bị cho thôi học, chất lượng giảng viên dạy chương trình đào tạo, sự hỗ trợ học tập cho sinh viên của trường…
Ở nhiều nước, năm thứ nhất năm đầu tiên bao giờ thường bố trí những giáo sư giỏi để giúp cho các em tình yêu với khoa học, có động cơ học tập đúng, cách dạy thì họ rất quan tâm theo dõi sinh viên có cả một bộ phận trợ giúp sinh viên gặp khó khăn về tâm lý, phương pháp học hoặc thiếu kỹ năng sống môi trường đại học.
Tuy nhiên, hiện ít trường đại học của chúng ta làm được việc trợ giúp người học (như cách làm bài tập lớn, cách viết khóa luận, những vấn đề về tâm lý, hay học theo tín chỉ thì có cố vấn học tập nhưng ta không có nên đôi khi các em chọn môn học cũng không chuẩn mà đôi khi chọn môn chỉ vì giảng viên dễ tính,…) do các trường quá mải lo tuyển sinh và lo gánh nặng tài chính.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM: ‘Sinh viên phải gánh chịu nhiều chính sách bất hợp lý’
Có nhiều chính sách mà sinh viên đang phải gánh chịu đã ảnh hưởng trực tiếp tới việc việc ‘rơi’, ‘rụng’ ở đại học.
Đầu tiên là chính sách học phí. Hiện nay, học phí được thu theo lộ trình của Nghị định 86 cũng như tự chủ đại học, nên ngày càng tăng. Không đảm đương được tài chính, các em phải đi làm thêm, nên không đủ thời gian để học.
Ông Đỗ Văn Dũng |
Thứ hai, Nhà nước không có chính sách về kiểm soát vấn đề đa cấp. Nhiều sinh viên khi vào thành phố thấy dễ nên đã lao vào kiếm tiền mà quên đi việc học, đặc biệt là “dính” tới bán hàng đa cấp.
Thứ ba, chính sách cho sinh viên vay vốn học tập quá thấp và nhỏ giọt so với mức học phí rất cao.
Thứ tư, quy định của Quy chế Tuyển sinh và Quy chế Đào tạo theo tín chỉ chỉ cho phép sinh viên học thêm văn bằng thứ 2 chứ không cho đổi ngành trong lúc học đại học, nên sinh viên thi vào ngành nào phải học ngành đó tới lúc tốt nghiệp. Chính sách này không phù hợp với hiện nay khi đại đa số học sinh phổ thông chưa có khái niệm về ngành nghề, công tác hướng nghiệp kém, hay vì điểm thấp, muốn đỗ nên chọn ngành không thích… Những điều này khiến các em không có động lực khi đã vào được đại học.
Thứ năm, trong cuộc cách mạng 4.0, một số ngành nghề trong tương lai sẽ không cần nhiều lao động như công nghệ may, dệt may… Vì vậy, các quy chế phải ‘mở’ để tránh tình trạng thất nghiệp sau này.
Ở đây, tôi lưu ý thêm, trong các tiêu chí đánh giá kiểm định chất lượng của AUN-QA có một tiêu chí là tỷ lệ ‘rơi rụng’ với sinh viên. Phía cơ quan đánh giá và nhiều quốc gia khuyến khích không nên để sinh viên “rụng” vì ảnh hưởng tới kinh tế.
Trên thực tế, rất nhiều trường tư đã khuyến cáo giáo viên cho điểm cao, không cho rớt vì ảnh hưởng tới nguồn thu.
Bài viết liên quan
- 21/11/2024
- 20/11/2024
- 20/11/2024