GS. TS. Rene Wadlow là Chủ tịch Hiệp hội Công dân toàn cầu, ông từng là Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển tại Geneva, Thụy Sĩ; là Thư ký của Hiệp hội các Học viện Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển Châu Âu. Trong khoảng thời gian từ 1992-1998 GS.TS Rene là Chủ tịch Tổ chức Phúc lợi Trẻ em Partage của Pháp, xây dựng và triển khai nhiều dự án phát triển ở Việt Nam, Cam-pu-chia, Thái Lan, Bangladesh và Ấn Độ. Là người có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy các vấn đề về quan hệ quốc tế, các vấn đề chính trị, xã hội, ông tham gia Hội đồng Cố vấn và Hội đồng Biên tập của nhiều tạp chí uy tín trên thế giới như Tạp chí Phát triển Quốc tế ở Rome, Italy; Tạp chí Hòa bình ở New Delhi, Ấn Độ. Hiện ông là chủ biên của Tạp chí online về các vấn đề chính trị xã hội thế giới có tên Transnational Perspectives (các quan điểm xuyên quốc gia). Trong buổi làm việc, Học viện cũng thảo luận với TS.Justin Wadlow – con trai GS.TS.ReneWadlow- vốn là một nhà kinh tế, hiện đang giảng dạy trong lĩnh vực nghệ thuật tại một trường ĐH của Pháp.

 

GS. TS. Rene Wadlow (áo đỏ) và TS.Justin Wadlow làm việc với

Giám đốc Học viện và đại diện một số khoa, phòng.

          Qua trao đổi, hai bên đã bàn luận về khả năng hợp tác trong việc thực hiện các buổi tọa đàm, hội thảo với sinh viên, giảng viên các ngành học có liên quan, đặc biệt là ngành Giới và Phát triển; mời giáo sư tham gia Hội đồng cố vấn, biên tập Tạp chí Khoa học sắp ấn hành của Học viện.

          Chiều cùng ngày, GS.TS. Rene đã có buổi Hội thảo về Phụ nữ với các mục tiêu phát triển bền vững 2015-2030 với gần 100 giảng viên, sinh viên thuộc các ngành Giới và Phát triển, công tác xã hội và đại diện giảng viên, sinh viên các ngành khác của Học viện. Với lớp sinh viên K3 Giới A, đây là buổi học thực hành, giúp các em thu thập các thông tin liên quan đến đói nghèo, an ninh lương thực, chuẩn bị cho bài tập phân tích giới.

 

GS. Rene Wadlow trao đổi với các giảng viên, sinh viên

          Tại buổi hội thảo, GS.TS. Rene nhấn mạnh rằng để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên Hợp Quốc đề ra vào năm 2015, các nước đang tích cực đề xuất các chính sách liên quan. Như vậy, nhân loại đang phấn đấu vì một thế giới công bằng và toàn diện; các nước cần phải chung tay thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường một cách bền vững, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, mục tiêu thứ 2 là Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, khuyến khích nông nghiệp bền vững. Mục tiêu SDG2 chính là một lời kêu gọi, với mục đích đến năm 2030 có thể ‘tăng gấp đôi năng suất nông nghiệp và thu nhập của các cơ sở sản xuất lương thực quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ, người dân bản địa, gia đình làm nghề nông, người chăn nuôi, ngư dân, bao gồm việc thông qua quyền bình đẳng và tiếp cận an toàn với đất đai, các nguồn lực, kiến thức, dịch vụ tài chính, thị trường và các cơ hội tiếp cận các nguồn lực phi nông nghiệp’  An ninh lương thực cũng gắn liền với Mục tiêu SDG15 là Bảo vệ, khôi phục và thúc đẩy việc sử dụng bền vững hệ sinh thái, quản lý bền vững tài nguyên rừng, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.

 

GS. Rene Wadlow rất vui khi các giảng viên, sinh viên quan tâm tới

các mục tiêu phát triển bền vững

          Với bề dày kinh nghiệm làm việc với Liên Hợp Quốc, kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy các vấn đề bình đẳng, phát triển, GS.TS. Rene đã chỉ ra một số bất bình đẳng giới trong quá trình đáp ứng nhu cầu lương thực của thế giới; vai trò của phụ nữ trong chuyển đổi thế giới thông qua đóng góp của họ vào an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo. Ông nhấn mạnh rằng, phụ nữ khắp thế giới đóng vai trò quan trọng trong vấn đề lương thực: từ sản xuất, lưu trữ cho tới chuẩn bị thức ăn cho gia đình. Vì vậy, cần lưu ý giảm thiểu các trở ngạicó ảnh hưởng tới năng suất lao động và việc thay đổi vai trò truyền thống của phụ nữ trong nông nghiệp. Trên thực tế, phụ nữ đối mặt với nhiều vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử ở nhiều cấp độ khác nhau trong trường học, sở hữu đất đai, tài sản cho tới quyền thừa kế, quyền tiếp cận các nguồn lực. Thúc đẩy bình đẳng giới là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển nhằm giúp mọi người – phụ nữ và nam giới thoát khỏi đói nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.

          GS. TS. Rene cũng chỉ ra các vấn đề giới khác liên quan đến đói nghèo và an ninh lương thực như phân công lao động trong gia đình, sinh kế hộ gia đình, việc tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực. Để phụ nữ được hưởng lợi công bằng với vai trò, đóng góp thực tế của họ trong sản xuất lương thựcluôn cần sự tiếp cận có nhạy cảm giới trong hoạch định các chương trình phát triển kinh tế xã hội, tăng khả năng tham gia của phụ nữ vào quá trình ra quyết định những vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.

          Trong buổi tọa đàm, sinh viên ngành Giới và Phát triển đã đưa ra các câu hỏi về vai trò của xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ (NGOs), tiếng nói của họ đối với các vấn đề liên quan, vấn đề biến đổi khí hậu và các giải pháp ứng phó, v.v. Kết thúc buổi tọa đàm, GS. TS. Rene đã chụp ảnh lưu niệm cùng các giảng viên, sinh viên.

Chụp ảnh lưu niệm cùng GS.TS. Rene Wadlow sau Hội thảo

          GS. TS. Rene Wadlow cho biết, ông luôn sẵn sàng kết nối, chia sẻ hiểu biết của mình với các bạn trẻ. Ông mong muốn được tiếp tục truyền đạt kiến thức về giới, về phát triển với sinh viên, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam trong những chuyến thăm Việt Nam tiếp theo.

Ảnh: Thanh Tuyền, (TT CNTT&TV), Thảo Vy (sinh viên K4 Giới)