Hội thảo nhằm chia sẻ, công bố các kết quả nghiên cứu khoa học và bài học kinh nghiệm; tạo diễn đàn trao đổi thực tiễn và học thuật để thảo luận các vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thực tiễn và bài học triển khai Dự án 8 cũng như đề xuất nội dung và giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ trong giai đoạn tiếp theo.

Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam; PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS. Dương Kim Anh- Phó GĐ Học viện; Bà Hà Thị Oanh – Phó Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo TW Hội LHPN Việt Nam; Bà Trần Thị Kim Loan – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng hơn 100 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, quản lý, đầu mối chuyên trách Dự án 8 – Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Sở LĐTB&XH, Ban dân tộc của 13 tỉnh thành tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, đại diện các cán bộ quản lý, chuyên trách Dự án 8 tại Huế, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng cùng sự tham gia của quý đại biểu quan tâm tới chủ đề hội thảo.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ tại 2 phiên của hội thảo tập trung và 2 nội dung chính.

Phiên 1: Kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2024, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị, đề xuất.

Phiên 1 đã thu thập nhiều lượt ý kiến từ các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo, quản lý đến từ các cơ quan,  trường đại học, viện nghiên cứu. Kết quả thảo luận cho thấy Dự án 8 đã mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, tuy nhiên cần bổ sung các nội dung, phương pháp, công cụ, hướng dẫn, cập nhật chính sách, nâng cao năng lực quản lý, vận hành, giải ngân hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động Dự án 8.

Phiên 2: Những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Mục tiêu chính của hội thảo là rà soát, xác định các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi, từ đó làm căn cứ để đề xuất giải pháp và định hướng cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8.

Tại phiên 2, các đại biểu cũng thống nhất các nội dung cần tiếp tục triển khai và mở rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững, tập trung vào việc nâng cao năng lực số cho phụ nữ và xây dựng các chương trình giáo dục chuyên biệt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện một cách linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Hội thảo khoa học quốc gia: “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo” đã cung cấp cái nhìn toàn diện về các vấn đề xã hội cấp thiết và mở ra những hướng đi mới để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số góp phần đẩy mạnh sự phát triển bình đẳng, toàn diện của cộng đồng xã hội.