Một trong những đề tài tiêu biểu là Nghiên cứu xây dựng hệ thống nhúng IoT đo lường chất lượng không khí theo thời gian thực của nhóm sinh viên Phùng Ngọc Diệp và Nguyễn Văn Bảo Long. Không chỉ đơn thuần là nghiên cứu lý thuyết, đề tài này còn được triển khai thử nghiệm ngay tại Học viện, mở ra hướng đi mới cho việc ứng dụng công nghệ thông minh vào kiểm soát môi trường sống.

Cũng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, đề tài Xây dựng website quản lý tiến trình học tập của sinh viên Học viện do nhóm sinh viên K9 CNTT thực hiện đã góp phần đưa công nghệ đến gần hơn với hoạt động đào tạo, thúc đẩy tinh thần học tập chủ động, tự quản của sinh viên.

Lĩnh vực truyền thông ghi dấu ấn với nhiều nghiên cứu gần gũi nhưng không kém phần sâu sắc. Tiêu biểu như đề tài Tác động từ trào lưu trên TikTok đối với sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam của nhóm sinh viên K10TTPTA, hay Truyền thông phòng chống bạo hành trẻ em qua video trên báo điện tử” – những công trình khai thác hiệu quả ảnh hưởng của truyền thông số trong đời sống giới trẻ, góp phần nâng cao nhận thức xã hội.

Với sự nhạy cảm về các vấn đề xã hội, sinh viên ngành Giới và Phát triển thực hiện nhiều đề tài giàu tính nhân văn như: Khác biệt giới trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của công nhân điện tử tại khu công nghiệp Bắc Giang, Nhận thức của học sinh THPT về bạo lực trên cơ sở giới trên Facebook”. Những công trình này phản ánh góc nhìn đa chiều, sâu sắc về thực trạng giới và quyền con người hiện nay.

Trong lĩnh vực Tâm lý học, đề tài Phòng ngừa rối loạn lo âu cho học sinh THPT, Ảnh hưởng phong cách giáo dục của cha mẹ đến kết quả học tập của học sinh tiểu học hay Thực trạng căng thẳng trong học tập của sinh viên đều cho thấy khả năng vận dụng kiến thức tâm lý học vào giải quyết các vấn đề tâm lý học đường – một lĩnh vực đang được quan tâm sâu sắc.

Khối ngành Luật có nhiều nghiên cứu mang tính thực tiễn cao như Thực tiễn xét xử các tội phạm xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi trên địa bàn thành phố Hà Nội”, Pháp luật về giải quyết tranh chấp quyền tác giả trên nền tảng số tại Việt Nam, hay Pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam – cho thấy sinh viên không ngại tiếp cận những lĩnh vực “khó”, đòi hỏi tư duy hệ thống và lập luận chặt chẽ.

Ở khối Kinh tế – Quản trị kinh doanh – Du lịch, các đề tài như Nghiên cứu ứng dụng mô hình IDIC vào quản trị quan hệ giữa trường đại học và sinh viên, Tác động của chất lượng dịch vụ lưu trú đến sự hài lòng và lòng trung thành của khách hàng hay Nghiên cứu năng lực số của sinh viên ngành Kinh tế là minh chứng cho tư duy đổi mới, định hướng thực hành và khả năng ứng dụng mô hình kinh doanh hiện đại vào thực tế.

Có thể thấy, hành trình nghiên cứu của sinh viên không đơn thuần là thực hiện một báo cáo học thuật, mà là quá trình rèn luyện tư duy phản biện, khả năng phân tích, kỹ năng thu thập và xử lý dữ liệu, làm việc nhóm và trình bày chuyên nghiệp. Mỗi đề tài là một câu chuyện về sự trưởng thành, về niềm đam mê khám phá và không ngừng nỗ lực vượt qua giới hạn bản thân.

Ở tuổi đôi mươi, khi bạn bè bận rộn với lịch học, làm thêm, thi cử, những sinh viên chọn dấn thân vào nghiên cứu khoa học đã dành hàng trăm giờ đọc tài liệu, đi thực địa, xử lý số liệu, viết báo cáo – một hành trình không dễ dàng nhưng đầy giá trị. Đổi lại, họ không chỉ tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng, mà còn có thêm niềm tin, sự tự tin và khát vọng đóng góp cho cộng đồng từ chính những hiểu biết chuyên môn của mình.

Là một điểm hẹn thường niên được mong đợi, Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học là cơ hội để các nhóm tác nghiên cứu trình bày kết quả, thảo luận chuyên sâu, phản biện học thuật và nhận sự vinh danh của Học viện. Hội nghị Sinh viên NCKH năm 2025 hứa hẹn sẽ là một bản hòa ca trí tuệ, nơi tinh thần học thuật tỏa sáng và những ý tưởng trẻ được chắp cánh vươn xa.

Mời bạn đọc quan tâm tham dự Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025.

Thời gian: Thứ Ba, ngày 27/5/2025

Địa điểm: Phòng 305, nhà A2, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Một số thành quả nghiên cứu của các bạn sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam năm 2025: