Hội thảo là một hoạt động thuộc khuôn khổ của Dự án 8. Đây là dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, được Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm đầu mối chủ trì, quản lý và chỉ đạo thực hiện.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hiền, khẳng định những kết quả đáng ghi nhận từ Dự án 8, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tập huấn, và tổ chức hội thảo khoa học.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thảo luận các nghiên cứu khoa học và tìm ra các giải pháp thực tiễn để nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số miền Bắc. PGS.TS Trần Quang Tiến cũng kỳ vọng hội thảo sẽ trở thành cầu nối cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và những người làm công tác thực tiễn để tìm ra hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8.
Hội thảo nhận được 70 bài viết và trải qua quá trình chọn lọc, phản biện độc lập, ban tổ chức đã chọn lựa được 33 bài viết giới thiệu trong kỷ yếu hội thảo. Nội dung thảo luận tại hội thảo tập trung vào nhiều vấn đề xã hội cấp thiết, chia làm các phiên làm việc chuyên sâu:
Phiên 1: Kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Bắc giai đoạn 2022–2024 được chủ trì bởi PGS. TS. Trần Quang Tiến (Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam)/PGS.TS. Lê Ngọc Thắng (Tổng biên tập Tạp chí Dân tộc và Thời đại); Bà Lò Thị Thu Thuỷ (Trưởng ban DTTG, TW Hội LHPN Việt Nam); PGS.TS. Nguyễn Thị Báo, giảng viên cao cấp (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Các đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm và đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Dự án. Đặc biệt, các đại biểu từ Hội LHPN Bắc Kạn và Quảng Ninh nhấn mạnh khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay, đặc biệt là các khoản vay trên 50 triệu đồng, và sự hạn chế trong việc phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác sản xuất.
Phiên 2: Những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi do PGS.TS. Dương Kim Anh (Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam); Bà Nguyễn Thị Thu Hiền (Phó trưởng Ban DTTG, TW Hội LHPNVN); TS. Nguyễn Đình Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới) điều hành.
Các đại biểu đã nêu bật những vấn đề cấp thiết như tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn cao, cũng như thách thức trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS. Một số ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giáo dục giới tính và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Sau khi lắng nghe các chuyên đề được chia sẻ, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận nhằm xác định các vấn đề khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những vấn đề cấp thiết:
Sinh kế và việc làm: Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay và phát triển các tổ hợp tác, nhóm sinh kế; Áp lực giới truyền thống đối với phụ nữ DTTS, cùng với đó là thách thức khi phụ nữ DTTS tham gia phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa và nông sản OCOP; Thiếu sự hỗ trợ hiệu quả từ các dịch vụ việc làm và khởi nghiệp cho phụ nữ DTTS.
Giáo dục và sức khỏe: Tỷ lệ trẻ em DTTS bỏ học/thôi học sớm đang ở mức cao, và việc định hướng giáo dục nghề nghiệp cho các em còn nhiều hạn chế; Sự tiếp cận các dịch vụ y tế, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe vị thành niên, còn gặp nhiều khó khăn; Tình trạng tử vong của bà mẹ và trẻ em ở các vùng dân tộc thiểu số vẫn ở mức cao, cần có các giải pháp cải thiện.
Hôn nhân và gia đình: Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng; Vấn đề bạo lực gia đình cũng là một mối lo ngại, với sự thiếu can thiệp và hỗ trợ pháp lý kịp thời.
Phụ nữ tham chính và chính sách pháp luật: Sự tham gia của phụ nữ DTTS vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tại địa phương còn thấp, và tiếng nói của họ trong các cuộc họp tại địa phương chưa được lắng nghe đầy đủ; Cần nâng cao nhận thức về pháp luật, đặc biệt trong việc vận dụng các chính sách xóa đói giảm nghèo.
Công nghệ thông tin và hạ tầng: Thực trạng thiếu tiếp cận và khó khăn trong việc sử dụng công nghệ thông tin cũng là một rào cản lớn đối với phụ nữ DTTS, đặc biệt là trong việc tiếp cận thông tin và phát triển kinh tế số.
Hội thảo kết thúc với nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các địa phương, nhằm đưa ra các giải pháp và khuyến nghị cụ thể cho giai đoạn tiếp theo của Dự án 8. Các đề xuất xoay quanh việc tăng cường đào tạo, hỗ trợ sinh kế, cải thiện chính sách, và xây dựng các mô hình phát triển phù hợp với đặc thù của từng vùng miền, nhằm đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi.