Tham dự buổi nói chuyện 03 chuyên đề Áp dụng VTOS, chuẩn nghề du lịch của ASEAN và các giá trị văn hoá trong đào tạo về du lịch tại Việt Nam có sự tham gia của TS. Nguyễn Hùng Cường – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh và giảng viên Bộ môn du lịch. Đặc biêt, buổi nói chuyện có sự chia sẻ thực tế của các chuyên gia tại các doanh nghiệp du lịch: Ông ThS. Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Du lịch Nụ Cười Mới, ThS. Hồ Thị Kim Thoa -Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Ông Trần Duy – Khách sạn Capella Hà Nội và sự tham gia của hơn 230 sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Nội dung của buổi nói chuyện chuyên đề xoay quanh ba chủ đề chính:

Chủ đề 1: Áp dụng tiêu chuẩn VTOS trong giáo dục nghề du lịch và lữ hành – Diễn giả Nguyễn Thị Thanh Hương Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch

Chủ đề 2: Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch – Diễn giả PGS.TS. Lại Xuân Thủy – Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh

Chủ đề 3: Khai thác giá trị văn hoá trong phát triển du lịch – Diễn giả ThS. NCS. Phạm Thị Nhạn – Giảng viên Khoa QTKD

Với chủ đề 1: Áp dụng tiêu chuẩn VTOS trong giáo dục nghề du lịch và lữ hành, theo Diễn giả Nguyễn Thị Thanh Hương – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, việc áp dụng tiêu chuẩn VTOS không chỉ cần thiết với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch mà còn quan trọng đối với các doanh nghiệp du lịch, bởi nó sẽ giúp nâng cao dịch vụ du lịch, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế; Xây dựng giáo trình đào tạo đảm bảo kiến thức, kỹ năng, thái độ người học; Doanh nghiệp xác định được nhu cầu đào tạo so với nhu cầu của doanh nghiệp, xác định các kỹ năng, kiến thức cần thiết nhất; Người lao động được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực , có cơ hội việc làm tại các nước ASEAN.

Đến với chủ đề 2: Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch do PGS.TS. Lại Xuân Thủy – Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh chia sẻ: Ngành du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN. Nếu lao động trong ngành du lịch Việt Nam không nhanh chóng chuẩn bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết thì có thể sẽ thua ngay trên sân nhà. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp bách đặt ra cho các cơ sở đào tạo ngành du lịch. Bên cạnh việc áp dụng Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam, các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước nhằm tiếp thu các phương pháp giảng dạy mới, giúp nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên và tăng cường các buổi thực hành tại các đơn vị kinh doanh du lịch giúp sinh viên có cơ hội cọ sát thực tế…

ThS. NCS. Phạm Thị Nhạn đã chia sẻ chủ đề 3 về nội dung Khai thác giá trị văn hoá trong phát triển du lịch. Di sản văn hóa và hoạt động phát triển du lịch có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi du lịch là một ngành kinh tế có hướng khai thác tài nguyên một cách rõ rệt. Thông qua hoạt động du lịch, du khách có những trải nghiệm đặc biệt, sống động, cảm nhận được giá trị của văn hóa trong khung cảnh thực của tự nhiên, của nếp sống truyền thống trong cộng đồng mà không có phương tiện nào có thể truyền tải được. Văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc khác nhau còn là nguồn lực để xây dựng các điểm, tuyến du lịch, như tuyến du lịch vòng cung Tây Bắc nối liền 6 tỉnh Tây Bắc hấp dẫn du khách bởi tính chất kỳ vĩ của thiên nhiên và sự phong phú văn hóa của gần 30 dân tộc; tuyến du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; tuyến du lịch tìm hiểu không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên…

Với những nội dung chia sẻ hết sức thiết thực và gắn với thực tế ngành từ các diễn giả, buổi sinh hoạt chuyên đề thực sự đã để lại rất nhiều ấn tượng và kiến thức bổ ích dành cho sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Học viện Phụ nữ Việt Nam.