Ngay từ sáng sớm, 30 đảng viên, đoàn viên đã có mặt tại học viện để tham gia hành trình về nguồn. Chuyến xe rộn rã lời ca tiếng hát suốt chặng đường dài, những bài ca đi cùng năm tháng như: Bác Hồ một tình yêu bao la, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng; Bác đang cùng chúng cháu hành quân…như tiếp thêm niềm tin yêu đối với thủ đô gió ngàn – Thủ phủ của chiến khu Việt Bắc.

Về với ATK Định Hóa là về với một khu di tích rộng lớn, là vùng lõi của chiến khu Việt Bắc, nằm ở cực Bắc của tỉnh Thái Nguyên, thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Đây là vùng rừng núi điệp trùng, hiểm trở và cũng rất kín đáo, có lợi thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (Tiến có thể đánh, lui có thể giữ), có đầy đủ yếu tố địa lợi, nhân hoà.  Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống và làm việc từ năm 1947-1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và ATK là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến hành trình là Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Đèo De, xã Phú Đình. Nhà tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng vào dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Người, nằm trên quả đồi hình mai rùa, tựa lưng vào dãy núi Hồng hùng vĩ với kiến trúc truyền thống, mái ngói đỏ, đầu đao vút cong tựa rồng bay. Tại đây, đoàn đã thành kính làm lễ dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả đoàn thực sự xúc động trong phút lặng yên thành kính tưởng niệm vị lãnh tụ của dân tộc qua lời bài hát Lãnh tụ ca: Sao vàng phấp phới, ánh hồng sáng tươi/ Toàn Việt Nam đón chào ngày mới/ Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta/ Vững bền tranh đấu cho đời chúng ta…Bác đã ra đi nhưng những gì Người để lại không chỉ là giang sơn hòa bình, hạnh phúc hôm nay mà còn có cả vô vàn tình yêu thương của Người dành cho lớp lớp các thế hệ người Việt và niềm tin tha thiết mà thế hệ sau hướng về Người.

Đoàn tiếp tục tham quan nhà trưng bày Bảo tàng ATK Định Hoá là tổ hợp các hiện vật và ảnh tư liệu, sa bàn, tái hiện không gian “Thủ đô Kháng chiến”. Những hiện vật tuy giản dị thô sơ nhưng đã đánh thắng vũ khí tối tân của thực dân Pháp. Ngắm nhìn không gian Nhà trưng bày, được nghe hướng dẫn viên kể lại những mốc lịch sử gắn liền với từng hiện vật, mỗi thành viên trong đoàn như thấy lại hào khí cách mạng, hào khí Việt Bắc trong cuộc chiến chống thực dân Pháp của dân tộc vốn đã đi vào thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Ở đâu u ám quân thù.Nhìn lên Việt Bắc cụ Hồ sáng soi. Ở đâu đau đớn giống nòi Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền. Mười lăm năm ấy ai quên. Quê hương Cách mạng dựng nên cộng hòa”.

 

Tạm biệt ATK, vượt đèo De sang Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương ở và làm việc trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Thăm Đình Tân Trào, Lán Nà Nưa, di tích Cây đa Tân trào, …

Đình Tân Trào là một ngôi đình thờ Thành Hoàng và các vị thần sông, thần núi của làng Tân Lập. Đình được dựng vào năm Quý Hợi (1923) theo kiểu nhà sàn, cột gỗ 3 gian 2 chài, mái lợp lá cọ. Dưới mái đình này, ngày 16/8/1945, các Đại biểu trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về họp Quốc dân Đại hội. Tại đây, các Đại biểu đã tán thành chủ trương tiến hành Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng, quốc ca là bài Tiến quân ca và cử ra Uỷ ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sáng ngày 17/8/1945 thay mặt Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ đã đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt Quốc dân tại nơi đây.

Lán Nà Nưa là nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến 22/8/1945 để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Lán được dựng bằng tre theo kiểu nhà sàn. Ngày 04/06/1945, tại nơi đây, Bác Hồ đã triệu tập Hội nghị cán bộ để chuẩn bị thành lập “Khu giải phóng, Quân giải phóng”, tiến tới Quốc dân Đại Hội, Tổng khởi nghĩa. Cũng tại nơi đây đã chứng kiến những tháng ngày khó khăn nhất về sức khỏe của Người. Qua những câu chuyện về Bác, hướng dẫn viên đã cho người nghe sự cảm nhận Bác đang ở nơi đây bởi dáng hình quen thuộc của Người đã in đậm trên từng phiến đá, sàn nhà, gốc cây, ngọn cỏ.

 

Chiều ngày 16/8/1945, dưới gốc đa Tân Trào, quân Giải phóng Việt Nam làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội và nhân dân Tân Trào. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó quân Giải phóng đã lên đường vượt qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Hà Nội.

Tìm về cội nguồn, tham quan những khu di tích, các địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam và cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ tiền khời nghĩa và trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, chuyến đi tuy chỉ một ngày nhưng đã để lại trong mỗi Đảng viên, Đoàn viên thanh niên Học viện Phụ nữ Việt Nam thật nhiều cảm xúc. Mỗi hình ảnh, hiện vật nơi đây càng khiến mỗi thành viên thêm khâm phục các chiến sỹ cách mạng, những đảng viên cộng sản kiên trung, những người đã viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc ngay cả lúc khó khăn, gian khổ nhất để thế hệ hôm nay được sống trong hoà bình, hạnh phúc, ấm no. Chuyến đi không chỉ để lại trong lòng mỗi đảng viên, đoàn viên sự biết ơn sâu sắc, niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở mỗi chúng ta cần sống, học tập và phấn đấu sao cho xứng đáng với nền độc lập dân tộc được đánh đổi bằng biết bao máu xương thấm đất của thế hệ ông cha đi trước.