Đúng 8h đoàn có mặt tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò tại phường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Nhiều đảng viên, quần chúng không khỏi bồi hồi khi lần đầu tiên được tới thăm di tích lịch sử ý nghĩa này; các đồng chí khác vẫn còn nguyên cảm giác xúc động khi thăm lại ngôi trường đặc biệt – nơi góp phần đào tạo nên những chiến sỹ cách mạng kiên trung. Đoàn được anh Hoàng Cao Tiến – cán bộ Phòng trưng bày, tuyên truyền hướng dẫn, thuyết minh tận tình. Các đảng viên, quần chúng được biết nhà tù Hỏa Lò vốn có tên gọi là Đề lao Trung ương (Maison Centrale); do được xây dựng trên đất của làng nghề chuyên sản xuất đồ gốm (làng Phụ Khánh, thuộc tổng Vĩnh Xương) nên được gọi là nhà tù Hỏa Lò. Nhà tù được xây dựng vào năm 1896 với mục đích giam giữ những người chống lại chế độ thực dân. Đây là công trình kiên cố, chứa được nhiều tù nhân; đỉnh điểm vào những năm 1950-1953 nhà tù Hỏa Lò giam cầm tới 2.000 tù nhân. Di tích nhà tù Hỏa Lò hiện nay nằm trên diện tích 2.434m2, là một phần của Nhà tù Hỏa Lò trước đây.

        Sau khi làm lễ dâng hương, đoàn được thăm phòng giam tù nhân, khu ngục tối (nơi được gọi là địa ngục của địa ngục), căn phòng giam tập thể dành cho nam tù nhân, nơi giam giữ  nữ tù nhân, nơi trưng bày máy chém, lưu giữ hình ảnh xử tử những chiến sĩ kiên trung trong vụ án Hà thành đầu độc. Tại nơi giam giữ nữ tù nhân, các đảng viên, quần chúng của Chi bộ 2 xúc động nghe kể về cuộc sống khổ cực của những người nữ tù, sống trong điều kiện nước nôi khan hiếm, cực khổ, bị đàn áp dã man. Trong số các nữ tù nhân từng bị giam cầm tại Hỏa Lò có nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam – bà Hoàng Thị Ái, bị giam tại Hỏa Lò vào năm 1940, bà Nguyễn Thị Quang Thái – người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 1944, bà Quang Thái mất do kiệt sức khi chăm sóc bệnh nhân trong nhà lao Hỏa Lò và bị nhiễm phong hàn. Đoàn cũng được nghe kể về cuộc vượt ngục vào tháng 3 năm 1945, trong đó có sự tham gia của đồng chí Đỗ Mười – nguyên Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; cuộc vượt ngục vào Noel năm 1951 của các chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Đảng viên, quần chúng Chi bộ 2 làm lễ dâng hương tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Đoàn thăm nơi giam giữ các tù nhân nam

Xúc động nghe thuyết minh về chiếc máy chém và

các cuộc xử tử nghĩa quân vụ ‘Hà thành đầu độc’

Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước cổng Di tích Nhà tù Hỏa Lò

          Cũng trong sáng ngày 17/2, đoàn tới thăm Đền thờ Hai Bà Trưng tại Phường Đồng Nhân, TP Hà Nội. Tương truyền, sau khi Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị) tử tiết ở sông Hát, hóa thành tượng đá, trôi đến Thăng Long thì rẽ nước nhô lên. Nhân dân xã Đồng Nhân đưa về lập đền thờ, lấy ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm làm ngày mở hội đền để ghi nhớ ngày đón tượng từ sông lên. Trong đền có tượng Hai Bà, hai bên là tượng 12 nữ tướng đã theo Hai Bà khởi nghĩa đánh đuổi Tô Định, thu lại 65 thành trì Lĩnh Nam vào mùa xuân năm 40. Chuyến thăm di tích lịch sử văn hóa – đền Hai Bà Trưng (được công nhận năm 1962) rất ý nghĩa khi Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII khai mạc vào ngày 7/3 và sắp tới ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Một mặt, ghi nhớ công lao của hai vị nữ anh hùng dân tộc, khởi binh dũng cảm chống lại quân xâm lược Đông Hán. Một mặt, đề cao sức mạnh nữ quyền, tiềm lực to lớn của người phụ nữ Việt Nam mọi thế hệ.

Đoàn thăm Đền thờ Hai Bà Trưng tại phường Đồng Nhân, Hà Nội.

          Kết thúc chuyến tham quan, các đảng viên, quần chúng Chi bộ 2, Học viện Phụ nữ Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, nguyện sống và làm việc tốt, sao cho xứng với truyền thống lịch sử hào hùng cũng như sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Không ít đảng viên, quần chúng dự kiến sẽ trở lại tham quan các di tích trên cùng với gia đình nhỏ của mình trong một ngày gần đây…