Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với điểm cầu trung tâm đặt tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội, kết nối đến các điểm cầu tại các bộ, ngành, địa phương và đơn vị trên toàn quốc. Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, bộ ngành Trung ương, các địa phương,…Hội nghị lần này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân quán triệt sâu sắc những nội dung cốt lõi của hai nghị quyết mang tính chiến lược trong tiến trình phát triển đất nước. Tham dự Hội nghị, Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam đã thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trong việc học tập, lĩnh hội đầy đủ nội dung của Nghị quyết, với quyết tâm đưa nghị quyết vào thực tiễn công việc, đặc biệt là trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Mở đầu chương trình hội nghị, các đại biểu tham dự đã theo dõi triển lãm “Những thành tựu trong xây dựng và thực thi pháp luật” và “Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân và các gian hàng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân” thông qua chương trình truyền hình trực tiếp tại Tòa nhà Quốc hội.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW” nhấn mạnh vai trò tiên phong của kinh tế tư nhân trong chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW” làm rõ các nội dung trọng tâm của Nghị quyết 66, hướng tới xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả.
Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng, định hướng tư duy và hành động của toàn hệ thống chính trị trong việc đổi mới tư duy pháp luật và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.Kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và hướng dẫn việc quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đối với Học viện Phụ nữ Việt Nam, việc tiếp thu các nội dung của Hội nghị không chỉ là yêu cầu chính trị mà còn là động lực quan trọng để đổi mới mô hình hoạt động đào tạo, nghiên cứu và thực hành xã hội. Là cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Học viện xác định rõ vai trò và trách nhiệm trong việc truyền tải tinh thần nghị quyết vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, giảng dạy sinh viên và tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong kỷ nguyên số.
Đảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam tham dự hội nghị
Nghị quyết số 66-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, minh bạch, là nền tảng pháp lý vững chắc cho quá trình phát triển. Tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng một hệ thống pháp luật hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Từ đó, Học viện sẽ chủ động lồng ghép các nội dung pháp lý hiện đại, tư duy pháp quyền vào chương trình giảng dạy; đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành liên quan đến chính sách, pháp luật, nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực có tư duy đổi mới, năng lực thực thi pháp luật, sẵn sàng tham gia quản trị quốc gia trong bối cảnh mới.
Song song đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Với mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và đến năm 2045 đóng góp trên 60% GDP, nghị quyết đặt ra yêu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng, có khả năng đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ và hội nhập quốc tế. Trên tinh thần đó, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường năng lực khởi nghiệp, chuyển đổi số và thích ứng với nền kinh tế tri thức cho sinh viên, đặc biệt là nữ sinh – lực lượng nòng cốt trong chiến lược phát triển toàn diện, bình đẳng và tiến bộ.
Tham dự Hội nghị, Đảng bộ Học viện cũng nhận thức sâu sắc rằng việc triển khai hiệu quả các nghị quyết này không chỉ nằm ở lời nói, khẩu hiệu mà cần được cụ thể hóa bằng hành động thiết thực. Trong thời gian tới, Học viện sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể nhằm phổ biến rộng rãi nội dung nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên, giảng viên, sinh viên và viên chức. Đồng thời, tăng cường các hoạt động đối thoại, hội thảo, nghiên cứu để hiểu rõ hơn các nội dung mang tính đổi mới trong công tác pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân.