Thưa bà Elisa Fernandez Saenz – Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam,
Thưa các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nhân,
Thưa các vị khách quý trong nước và quốc tế!
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là yếu tố gắn liền với mọi khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội và là một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (SDG5). Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội hòa bình và thịnh vượng.
Ngày nay, trong một thế giới hội nhập và toàn cầu hóa, vị thế, năng lực của một quốc gia nói chung hay của một tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nói riêng không chỉ dựa vào những chỉ số, yếu tố kinh tế thuần túy mà cần quan tâm tới các yếu tố khác như thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững. Đặc biệt, việc phát huy vai trò, vị thể của phụ nữ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi thế giới trải qua giai đoạn hết sức khó khăn với đại dịch Covid-19 và tất cả chúng ta đang nỗ lực từng ngày vượt qua để trở lại trạng thái bình thường mới.
Trong những năm qua, với chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, cụ thể là đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” nhằm mục tiêu hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng khắp, thu hút đông đảo sự tham gia của phụ nữ thuộc mọi thành phần, mọi lứa tuổi ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, khẳng định hơn nữa sự đam mê, khát khao khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của phụ nữ Việt Nam ta.
Bất chấp những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, đặc biệt là với những doanh nghiệp khởi nghiệp, nhiều chị em phụ nữ khởi nghiệp đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong giải quyết thách thức xã hội trong thời kỳ đại dịch. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng, phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt hơn nên đã có nhiều cơ hội biến ‘nguy’ thành ‘cơ’ với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thích ứng mới. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lại thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn. Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Nữ giới đóng góp tới 40% của cải cho nền kinh tế Việt Nam. Như vậy, có thể thấy tầm quan trọng và đóng góp to lớn của doanh nghiệp do nữ làm chủ trong nền kinh tế. Cùng với đó, phụ nữ thành công và hạnh phúc cũng thúc đẩy xã hội phát triển bền vững và hạnh phúc.
Trong bối cảnh mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ còn nhiều trăn trở để tìm cách thích ứng với trạng thái bình thường mới, Hội LHPN Việt Nam rất vui mừng và ủng hộ Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan Liên hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) trong khuôn khổ chương trình WeEmpowerAsia tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế ““PHỤ NỮ SÁNG TẠO, KHỞI NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH BÌNH THƯỜNG MỚI”. Hội thảo tập trung vào 3 vấn đề lớn:
– Phụ nữ khởi nghiệp – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh bình thường mới.
– Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và đổi mới sáng tạo.
– Các vấn đề khác về phụ nữ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Tôi hy vọng, qua hội thảo này, những ý tưởng nhằm tăng cường năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, thích ứng, chuyển mình cũng như phát triển mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh bình thường mới, những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho phụ nữ khởi nghiệp sẽ được trao đổi, thảo luận.
Hội thảo cũng góp phần tăng cơ hội tiếp cận khoa học, đề xuất các giải pháp về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số tại Việt Nam, thay đổi và thích ứng nhanh chóng với đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 cho các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ làm chủ. Hội thảo được thực hiện cũng góp phần tìm ra giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tạo thêm việc làm, thu nhập, giải quyết khó khăn, tháo bỏ những rào cản hiện hữu nhằm thúc đẩy cho sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, đồng thời hưởng ứng hành động vì bình đẳng giới.
Tôi vui mừng chào đón sự tham dự, trao đổi của đại diện Các tổ chức Quốc tế, Đại diện các đại sứ quán; Đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị Trung ương Hội LHPN Việt Nam; các tổ chức quốc tế và trong nước về khởi nghiệp; Đại diện một số trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế và trong nước về giới, về phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp, các nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên Học viện.
Xin chúc Hội thảo thành công rực rỡ!