Để thực hiện thành công, Điều tra cơ bản “Nhận thức, dự định khởi nghiệp của phụ nữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế- giai đoạn I Khu vực miền Bắc” hướng tới các mục tiêu cụ thể là: xác định, phân tích, tổng hợp những khía cạnh liên quan đến nhận thức của phụ nữ Việt Nam về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; phân tích thực trạng mong muốn, dự định khởi nghiệp của phụ nữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay; phân tích các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng đến dự định khởi nghiệp của phụ nữ; đánh giá sơ bộ mức độ đáp ứng của các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp hiện nay của Chính phủ, địa phương, của các tổ chức đoàn thể trong đó có Hội LHPN Việt Nam; đề xuất các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành công, bền vững.

Với tổng số mẫu là 2000 người, cuộc điều tra được tiến hành trên đối tượng phụ nữ trong độ tuổi lao động (18 đến 55 tuổi) tham gia hoạt động kinh tế tại 5 tỉnh miền Bắc là Lạng Sơn, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa đại diện cho các khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung bộ, trong đó, tập trung vào nhóm lao động nữ nông thôn, lao động nữ chưa có việc làm ổn định, lao động nữ trẻ mới ra trường hoặc mới tham gia lực lượng lao động. Khái niệm “phụ nữ khởi nghiệp” được Dự án xác định bao gồm: phụ nữ có ý tưởng sản xuất/kinh doanh nhỏ; phụ nữ có ý tưởng thành lập doanh nghiệp trên nền tảng là cơ sở sản xuất/kinh doanh hiện có của gia đình; phụ nữ có sáng kiến cải tạo, nâng cấp, phát triển doanh nghiệp, tạo ra những thành quả mới cho doanh nghiệp.

Tại mỗi tỉnh, dự án điều tra 50 nữ chủ doanh nghiệp (trên địa bàn toàn tỉnh) và 350 phụ nữ trong độ tuổi lao động, tập trung tại 01 phường (thành phố/thị xã) và 4 xã thuộc 2 huyện. Mẫu được chọn ngẫu nhiên hệ thống, có tính đại diện cho địa bàn thành phố/thị xã; huyện/xã khảo sát.

 Viện Nghiên cứu Phụ nữ được Học viện Phụ nữ Việt Nam phân công là đơn vị thường trực tổ chức điều tra, có trách nhiệm xây dựng phương án điều tra, xây dựng và phổ biến chương trình phần mềm nhập tin, xử lý kết quả điều tra; trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát điều tra ở các tỉnh/thành phố được chọn; tổng hợp và phân tích kết quả cuộc điều tra. Viện Nghiên cứu Phụ nữ cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin & Thư viện của Học viện xây dựng cơ sở dữ liệu của điều tra để lưu trữ và công bố rộng rãi sau khi nghiệm thu.

Theo Kế hoạch đã xây dựng, năm 2018, Điều tra sẽ tiếp tục được mở rộng trên địa bàn 5 tỉnh miền Nam nâng tổng số địa bàn khảo sát của Dự án lên 10 tỉnh/thành với tổng số mẫu là 4.000 người (bao gồm cả doanh nghiệp nữ và lao động nữ trong độ tuổi lao động). Với bộ số liệu của Điều tra “Nhận thức, dự định khởi nghiệp của phụ nữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, hi vọng đây sẽ là nguồn số liệu có độ tin cậy cao, có yếu tố giới, gợi mở thêm các hướng nghiên cứu chuyên sâu cho các nhà nghiên cứu, cũng như là cơ sở cho Hội LHPN Việt Nam xây dựng những giải pháp thực hiện Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 được Thủ tướng phê duyệt tháng 3 năm 2017.