Trong bối cảnh ngày nay, hệ thống kiểm tra đánh giá giáo dục tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức và cơ hội. Rõ ràng rằng sự đa dạng trong phương pháp đánh giá, cùng với việc áp dụng công nghệ mới, phát triển nguồn nhân lực, và hợp tác quốc tế, là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng tốt hơn với sự biến động của thế giới hiện đại.
Tận dụng tối đa thời gian, các chuyên gia và đại biểu tham dự đã trao đổi, làm rõ các vấn đề liên quan đến chuẩn đầu ra chương trình đào tạo từ kết quả kiểm định chất lượng và giới thiệu các xu thế mới trong kiểm tra đánh giá.
Đánh giá thực chất là quá trình người đánh giá đưa ra nhận xét, phán quyết mang tính chuyên môn. Đánh giá cần dựa trên hai thao tác độc lập nhưng lại liên quan đến nhau: đo lường và lượng giá trị. Mỗi quyết định liên quan đến kiểm tra đánh giá đều chịu tác động bởi nhiều vấn đề mà người đánh giá cần cân nhắc. kiểm tra đánh giá ảnh hưởng đến động lực và hoạt động học của người học. Kiểm tra đánh giá có chất lượng sẽ góp phần làm tăng chất lượng giảng dạy. Hoạt động đánh giá cần đảm bảo tính giá trị. Hoạt động đánh giá cần đảm bảo công bằng và nhân văn. Sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khi tiến hành KTĐG. Mỗi hoạt động đánh giá cần được tính toán về tính hiệu quả và khả thi. Cần khai thác sử dụng công nghệ một cách hợp lý trong đánh giá.
Các chuyên gia tham dự hội thảo và cán bộ, giảng viên của Học viện cũng thống nhất quan điểm, để đảm bảo chất lượng các hoạt động Kiểm tra đánh giá, mỗi người dạy cũng như nhà quản lý giáo dục cần có hiểu biết về các nguyên tắc đánh giá, tầm quan trọng của chúng đối với việc thúc đẩy học tập và hiệu quả giảng dạy của người dạy. Để đạt được điều này, người dạy và nhà quản lý giáo dục cần có kiến thức về các khái niệm cơ bản, các phương pháp, quy trình đánh giá, không chỉ đối với đánh giá trong lớp học mà cả với các kỳ đánh giá trên diện rộng, và có khả năng vận dụng những kiến thức cơ bản này vào quá trình dạy học.
TS.Tạ Thị Thu Hiền – Giám đốc TT Kiểm định chất lượng – ĐH Quốc gia Hà Nội trao đổi tại hội thảo
Đặc biệt, việc thích ứng với các xu thế mới trong kiểm tra đánh giá giáo dục không chỉ là một nhiệm vụ, mà còn là một cơ hội. Nó là chìa khóa để xây dựng một hệ thống giáo dục linh hoạt, công bằng, và đáp ứng được với nhu cầu đa dạng của người học và xã hội ngày nay. Qua đó, Việt Nam có thể định hình tương lai giáo dục với sự hiện đại và tiến bộ.
Đại diện các khoa, phòng, ngành học cũng chia sẻ những ý kiến về phương pháp giảng dạy, hoạt động kiểm tra đánh giá các học phần chuyên ngành, thực trạng tổ chức thi, kiểm tra hết học phần tại Học viện…
Những trao đổi, chia sẻ của các đại biểu giảng viên, sinh viên tại hội thảo đã được các chuyên gia đánh giá và cán bộ phòng Khảo thí và bảo đảm chất lượng của Học viện giải đáp cụ thể, đề xuất những phương án phù hợp đối với từng đối tượng: người dạy, người học, quản lý nhằm đem lại hiệu quả cao nhất đối với công tác kiểm tra đánh giá tại Học viện.
Hội thảo “Phương pháp kiểm tra đánh giá kết thúc học phần” được tổ chức thành công tốt đẹp và gợi mở thêm hướng nghiên cứu ứng dụng chuyên sâu, thiết thực về đo lường, đánh giá trong GDĐH tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.