Tham dự hội thảo có đại diện của các tổ chức quốc tế UN Women, UNFPA và PLAN tại Việt Nam; lãnh đạo và cán bộ của Vụ Bình đẳng giới, Vụ Pháp chế Bộ LĐ-TB-XH; đại diện của TW Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Học viện Phụ nữ Việt Nam; Các đại biểu đại diện đến từ các Sở, ban ngành của các tỉnh miền Bắc Việt Nam; Và có sự góp mặt của đại diện một số tổ chức NGOs của Việt Nam tại Hà Nội.

Hội thảo tiến hành với hai phương pháp làm việc chính là thuyết trình và chia nhóm thảo luận, được phân đều, đan xen trong hai ngày làm việc. Có ba phần thuyết trình chính được thực hiện trong hội thảo, đó là: Giới thiệu dự thảo Đề án Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 (Đề án); Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới tại địa phương và Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong trường học.

Đề án đưa đến một bức tranh chung rằng, bạo lực trên cơ sở giới là một vấn đề mang tính toàn cầu, xảy ra tại rất nhiều quốc gia, không phân biệt giàu nghèo, trình độ học vấn, giới tính, tôn giáo, dân tộc, màu da, vị trí địa lý. Các hình thức bạo lực trên cơ sở giới chủ yếu là bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế. Nguyên nhân của bạo lực trên cơ sở giới bắt nguồn từ bất bình đẳng giới và thường do vai trò lấn át của nam giới. Phụ nữ thường xuyên phải chịu những tổn thương về tình cảm, tinh thần và thể chất.

Mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cũng như các biện pháp can thiệp ở Việt Nam được đánh giá tương đối tiến bộ, song quá trình thực thi cho thấy vẫn còn tồn tại những khoảng trống trong chính sách và các chương trình can thiệp đang được triển khai. Do vậy, việc xây dựng Đề án Phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm gắn kết và huy động sức mạnh tổng thể của các bên liên quan là rất cần thiết. Việc triển khai Đề án sẽ góp phần giải quyết các bất cập trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật liên quan, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Luật Bình đẳng giới, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới bền vững tại Việt Nam.

 Phương pháp thảo luận trong hội thảo được triển khai hiệu quả với hai hình thức là thảo luận nhóm lớn và thảo luận nhóm nhỏ. Nhóm lớn thảo luận với các vấn đề chung của Đề án, các ý kiến chia sẻ thực tế trong quá trình triển khai vấn đề tại địa phương. Nhóm nhỏ tập trung vào thảo luận các khía cạnh, các phần cụ thể trong Đề án như độ tin cậy, chính xác các tiểu mục, tính khả thi và căn cứ xác đáng của các tiểu dự án triển khai trong Đề án. Các đại biểu đều đã tập trung thảo luận, chia sẻ những ý kiến xác đáng, phong phú và mang tính thực tiễn cao.

Hội thảo kết thúc sau hai ngày làm việc tích cực và hiệu quả. Ban soạn thảo Đề án ghi nhận đã thu được những chia sẻ, phản hồi, những góp ý vừa có tính thực tiễn vừa mang cả giá trị khoa học. Những kết quả này sẽ được tổng hợp, tiếp thu trong quá trình Vụ Bình đẳng giới hoàn thiện Đề án đề trình Chính phủ vào tháng 9 năm nay. Hội thảo cũng cho thấy tầm quan trọng của sự phối kết hợp giữa các đơn vị, ban ngành, đặc biệt là giữa địa phương và trung ương.