Tới tham dự Hội thảo, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có bà Tôn Ngọc Hạnh – Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Phó chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Về phía tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), có sự tham dự của ngài Hasan Kleib – Phó tổng giám đốc phụ trách hợp tác phát triển quốc gia và khu vực cùng các chuyên gia của WIPO.
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ có Tiến sĩ Trần Lê Hồng – Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
Về phía Hội nữ tri thức Việt Nam có bà Lê Mai Hương – Phó chủ tịch Hội.
Đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam có sự tham dự của PGS.TS. Trần Quang Tiến – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham dự của các đại biểu đến từ Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, Hiệp hội hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam, Hội nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cùng các lãnh đạo các đơn vị thuộc TW Hội LHPN Việt Nam và Học viện Phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, sự kiện cũng nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Tôn Ngọc Hạnh đánh giá cao chuyến thăm và hoạt động tham dự hội thảo của ngài Hasan Kleib – Phó Tổng giám đốc WIPO. Bà khẳng định hội thảo sẽ là diễn đàn khoa học để trao đổi, chia sẻ các thông tin, quan điểm khoa học và đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với doanh nhân nữ, nhà đổi mới, sáng tạo là nữ giới trong việc sử dụng sở hữu trí tuệ trong hoạt động của mình, thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bà Tôn Ngọc Hạnh cam kết Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam – cơ quan hiện đang chủ trì thực hiện Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp – sẽ luôn là đơn vị đi đầu, tiên phong và khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới của phụ nữ Việt Nam. Bà cũng kỳ vọng trong tương lai gần, WIPO sẽ có nhiều chương trình, hoạt động hướng đến đối tượng là phụ nữ Việt Nam nhằm đẩy mạnh sự sáng tạo, tạo ra nhiều tài sản sở hữu trí tuệ cũng như bảo vệ các quyền đối với loại tài sản này.
Ngài Hasan Kleib bày tỏ sự vui mừng khi được đến thăm, làm việc tại Việt Nam nói chung và Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng. Ngài đánh giá cao tiềm năng sáng tạo, đổi mới của người phụ nữ Việt Nam. Thông qua các số liệu cho thấy, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, đóng góp của mình không chỉ trong hoạt động sáng tạo, đổi mới trong nền kinh tế – xã hội nói chung. Ngài Hasan Kleib rất hi vọng tại buổi Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu sẽ chia sẻ và đóng góp nhiều ý tưởng trong việc sử dụng sở hữu trí tuệ đối với hoạt động của doanh nhân nữ, nhà sáng tạo, đổi mới là nữ giới.
Tại Hội thảo, những diễn giả thuộc các cơ quan nghiên cứu cũng như các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã chia sẻ các chuyên đề về bình đẳng giới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; các chính sách, chương trình hỗ trợ của WIPO dành cho nhà sáng tạo, doanh nhân nữ; các nội dung liên quan đến kết quả hoạt động về quyền sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học nữ tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam; các kiến nghị đối với phụ nữ sáng tạo Việt Nam, giải pháp tăng cường hỗ trợ các nhà sáng tạo, doanh nhân nữ thông qua hoạt động sở hữu trí tuệ tại Việt Nam của các.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều câu hỏi cho các chuyên gia, đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp hoàn thiện để thúc đẩy việc sáng tạo, sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ đối với doanh nhân nữ cũng như các nhà sáng tạo, đổi mới là nữ giới.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS.Trần Quang Tiến chân thành cảm ơn sự quan tâm của WIPO tới các hoạt động của phụ nữ Việt Nam nói chung và hoạt động giảng dạy, nghiên cứu tại Học viện Phụ nữ Việt Nam nói riêng; sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, đại biểu trong việc trao đổi, chia sẻ các quan điểm học thuật cũng như thực tiễn liên quan chủ đề hội thảo. PGS.TS.Trần Quang Tiến hi vọng những chia sẻ, trao đổi này sẽ góp phần đưa ra các giải pháp phù hợp thúc đẩy sự phát triển sở hữu trí tuệ của các doanh nhân nữ, nhà sáng tạo, đổi mới là nữ giới trong giai đoạn tiếp thep. Đồng thời, Giám đốc Trần Quang Tiến khẳng định Học viện Phụ nữ Việt Nam luôn đồng hành cùng với WIPO, Bộ Khoa học và Công nghệ trong hoạt động đẩy mạnh sáng tạo và sử dụng sở hữu trí tuệ là công cụ hữu hiệu để phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt cho phụ nữ Việt Nam./.