Buổi khảo sát sơ bộ được tổ chức nhằm chuẩn bị cho đợt đánh giá ngoài dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 21/11 đến ngày 25/11/2024. Đây là bước quan trọng trong quá trình tự đánh giá kéo dài gần hai năm của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Suốt thời gian này, Học viện đã nỗ lực không ngừng để cải tiến và hoàn thiện các chương trình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và khẳng định uy tín của mình. Quá trình khảo sát sơ bộ sẽ giúp đoàn chuyên gia đánh giá ngoài hiểu rõ hơn về kết quả tự đánh giá của Học viện. Tại đây, đoàn đánh giá sẽ xem xét kỹ lưỡng hồ sơ, trao đổi với lãnh đạo Học viện và các khoa có chương trình đào tạo được đánh giá, đồng thời bàn thảo về kế hoạch cho đợt khảo sát chính thức. Quá trình này đảm bảo tất cả các bên đều chuẩn bị kỹ lưỡng, từ hồ sơ tự đánh giá đến các tiêu chuẩn, nhằm đáp ứng tốt yêu cầu kiểm định.
Tham dự buổi khảo sát, về phía Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục Thăng Long có sự hiện diện của TS. Phí Thị Nguyệt Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm; cùng với đoàn đánh giá ngoài bao gồm PGS.TS Bùi Duy Cam, TS. Phạm Minh Đàm, và TS. Nguyễn Thị Phương Hoa. Về phía Học viện Phụ nữ Việt Nam, có PGS.TS Trần Quang Tiến – Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện, và PGS.TS Dương Kim Anh – Phó Giám đốc Học viện kiêm Trưởng khoa Giới và Phát triển, cùng lãnh đạo, giảng viên các đơn vị thuộc Học viện.
Phát biểu tại sự kiện, PGS.TS Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của kiểm định chất lượng trong việc nâng cao uy tín và vị thế của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Giám đốc Trần Quang Tiến cũng chia sẻ về hành trình tự đánh giá của Học viện không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng yêu cầu kiểm định mà còn tập trung vào phát hiện các điểm mạnh và những mặt cần cải tiến để nâng cao chất lượng. Đối với ba chương trình đào tạo được đánh giá lần này, quá trình tự đánh giá đã giúp Học viện nhìn nhận toàn diện và xác định rõ những điểm cần phát huy và cải thiện.
Với bề dày hơn 60 năm phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện đang đào tạo 12 chương trình trình độ đại học, 4 chương trình thạc sĩ và 2 chương trình tiến sĩ. Trong đó, Khoa Quản trị Kinh doanh là đơn vị quản lý chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành – một ngành học có số lượng sinh viên tăng mạnh và đã đào tạo gần 500 sinh viên tốt nghiệp chỉ trong vòng 5 năm.
Khoa Giới và Phát triển cũng ghi dấu ấn là khoa duy nhất tại Việt Nam đào tạo cử nhân ngành Giới và Phát triển, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn về bình đẳng giới và phát triển bền vững. Với các chương trình hợp tác quốc tế, cùng đội ngũ giảng viên có nhiều công bố khoa học uy tín, khoa đã khẳng định vai trò trong các dự án lớn cùng UNDP, UN Women, ActionAid và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Khoa Truyền thông đa phương tiện, được thành lập vào năm 2019, cũng là một minh chứng rõ rệt cho những nỗ lực phát triển của Học viện. Với phương châm “Hiện đại – Thực tiễn – Năng động – Sáng tạo“, khoa đã khẳng định vị thế trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo kết quả tự đánh giá, cả ba chương trình đào tạo đều đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Cụ thể:
- Ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành đạt điểm trung bình 4,78/7 điểm.
- Ngành Giới và Phát triển đạt điểm trung bình 4,66/7 điểm.
- Ngành Truyền thông đa phương tiện đạt điểm trung bình 4,4/7 điểm.
Những con số này phản ánh sự nỗ lực không ngừng của các khoa và Học viện trong tiến trình nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu đào tạo thực tiễn và hội nhập quốc tế.
Đại diện Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục Thăng Long, TS. Phí Thị Nguyệt Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm ghi nhận những nỗ lực của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc cải tiến chất lượng đào tạo. TS. Phí Thị Nguyệt Thanh khẳng định: nhấn mạnh rằng buổi khảo sát sơ bộ này không chỉ đơn thuần là một thủ tục mà là một bước đệm quan trọng để đảm bảo sự thống nhất trong cách tiếp cận và yêu cầu của kỳ đánh giá chính thức. Bà Thanh khẳng định, quá trình này là cơ hội để các bên làm rõ và đồng thuận về các yếu tố đánh giá, đảm bảo các tiêu chuẩn về nội dung, phương pháp giảng dạy, và môi trường học tập đều được đáp ứng. Kỳ khảo sát chính thức sắp tới là một thử thách cho cả đội ngũ giảng viên và các cán bộ học viện, nhưng cũng là cơ hội để chứng minh và khẳng định chất lượng giáo dục của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Đối với các sinh viên, kỳ kiểm định không chỉ là sự đảm bảo về chất lượng mà còn là niềm tự hào khi được học tập trong một môi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Sau khi thảo luận về kết quả nghiên cứu/kiểm tra hồ sơ tự đánh giá chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Giới và Phát triển, Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành và Truyền thông đa phương tiện và các điều kiện chuẩn bị cho khảo sát chính thức, hai bên đã thông qua nội dung Biên bản ghi nhớ sau buổi khảo sát sơ bộ. Đại diện Đoàn đánh giá ngoài, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục Thăng Long đã ký kết biên bản ghi nhớ.
Học viện Phụ nữ Việt Nam tin tưởng rằng kiểm định là một công cụ giúp phát huy tiềm năng và cải thiện những mặt hạn chế, qua đó tạo động lực cho giảng viên, sinh viên, và viên chức Học viện hướng đến một nền giáo dục tiên tiến. Học viện cam kết tiếp tục phát huy các thành tựu đạt được, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng, để luôn xứng đáng với niềm tin của sinh viên và cộng đồng xã hội.