Không riêng gì ai, tôi cũng có những ngày hè ít ỏi của thời sinh viên, nhưng tôi chọn cho mình một con đường khác, vẫn về quê, vẫn nghỉ hè bên gia đình, nhưng việc đó muộn hơn một chút, tôi dành một phần thời gian nghỉ hè cho mình vào việc làm tình nguyện – là một người “thanh niên tình nguyện”.

Phần 1. Tiếp sức mùa thi

Năm 2015 là một năm có nhiều thay đổi lớn trong quy chế thi. Năm nay các sĩ tử không có một kì thi đại học riêng mà thay vào đó các em lại có một kì thi quốc gia chung. Việc thay đổi quy chế thi khiến không ít thí sinh hoang mang và lo lắng, sát cánh bên các em luôn có người thân, bạn bè, thầy cô hỗ trợ kịp thời đúng lúc giúp cho quá rình ôn thi đạt hiệu quả, các em có tâm lý vũng vàng khi bước vào phòng thi.

Bước vào kì thi, cũng đồng hành các em còn có một lức lượng hùng hậu, mang sức trẻ, sự nhiệt huyết, giúp đỡ các em mọi khó khăn ngoài phòng thi đó chính là lực lượng sinh viên tình nguyện.

Đội Sinh viên Tình nguyện Học viện Phụ nữ Việt Nam, với mong muốn được chung sức, san sẻ với các em nhứng khó khăn trong những ngày thi với cái nắng nóng oi ả của ngày hè. Ngày 29/06/2015 các nhóm sinh viên hoạt động tại địa phương đã cùng với các thầy cô trong đoàn di chuyển về các trường đại học nơi mình làm nhiệm vụ: Đại học Vinh, Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Hải Phòng…

Nhận nhiệm vụ tiếp sức tại Hà Nội, chiều 29/06/2012 tôi cùng các bạn chuyển vào kí túc xá của trường, chuẩn bị cho hoạt động các ngày hôm sau. Kí túc xá mùa này, giống như một ngôi nhà chung cho đàn bồ câu chúng tôi vậy, ngôi nhà chung mà một năm các thành viên chỉ có cơ hội chung sống, sinh hoạt với nhau một lần. Xua tan cái không khí trống vắng của mùa hè tại kí túc, chúng tôi làm nó sôi động hơn, ồn ào hơn.

Ngày 30/06/2015, những cánh chim xanh của Học viện tiến hành ra quân, bay đi cùng các bạn thí sinh, chắp cánh cho các em bước vào kì thi sau 12 năm học tập vất vả miệt mài.

Mới chỉ 5h sáng thôi, nhưng kí túc xá đã rộn rã tiếng hò reo gọi nhau dậy chuẩn bị đồ đạc, vệ sinh cá nhân. Tiếng cười hòa vào tiếng âm nhạc, ai ai cũng nô nức, rạo rực trong lòng.

Đây không phải lần đầu tiên chúng tôi tham gia tiếp sức mùa thi nhưng tâm trạng thì không khác gì lần đầu tiên vậy. Năm nay chúng tôi cũng có một nhiệm vụ mới trong đợt tiếp sức màu thi này, mỗi người chúng tôi sẽ mang về cho mình những phiếu đăng kí xét tuyển có điền thông tin của các em sĩ tử. Khi nhận các phiếu dự tuyển, tôi lo lắng lắm, không biết mình sẽ lấy thông tin như thế nào, liệu các em thí sinh có cho mình thông tin không, sẽ gặp phải những khó khăn gì, mình phải nói như thế nào để có được thông tin hay làm thế nào để tiếp cận với các em thí sinh và người nhà của họ…

Sau khi ăn sáng, chuẩn bị đồ xong, đội tình nguyện bắt đầu di chuyển và đúng 6h30 chúng tôi có mặt đến các địa điểm thi.

Ngày 30/06 là ngày mà các bạn thí sinh tới làm thủ tục dự thi. Tại địa điểm thi, vẫn cái không khí ấy, các bạn thí sinh làm quen với bạn cùng phòng thi của mình, những gương mặt non nớt đang lo lắng chờ đợi ngày thi; những gương mặt của các bậc phụ huynh như hốc hắc, xanh xao hơn, những đôi mắt mệt mỏi vì lo cho con. Nhìn thấy những đôi mắt mòn mỏi trông chờ ấy, tôi lại nhớ về những ngày mà người thân đưa mình đi thi, cũng cái tâm trạng hồi hộp lo lắng mà không ai có thể giúp ấy, tôi ước gì mình có thể làm gì đó để giúp tất cả các em vượt qua kì thi này nhưng việc mà tôi có thể làm cho các em là chỉ đường cho các em tới địa điểm thi và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các em mà thôi.

Quan sát một hồi khung cảnh đang diễn ra, tôi và bạn cùng nhóm của mình tiến hành công việc chính “hoàn thành phiếu tuyển sinh”.

Lo lắm, cũng hơi run nữa, tôi tiến lại gần một em thí sinh nữ: chào em, hỏi thăm em ở đâu, hỏi em có lo lắng hay không… tôi giới thiệu về ngôi trường mà tôi đang theo học và rồi đưa em tới tờ phiếu tuyển sinh mà mình cầm trên tay đã lâu, tôi hỏi em có vui lòng cho tôi xin thông tin vào tờ phiếu đó không… thật may mắn, lá phiếu đầu tiên đã được em điền đầy đủ, cầm lá phiếu ấy, tôi thấy vui làm sao, vui lắm luôn ấy, tâm trạng tôi giống ngư một đứa trẻ vừa được người lớn cho kẹo vậy. Tìm kiếm được lá phiếu đầu tiên cho mình, tôi hiểu một điều rằng mình có thể làm được và mình sẽ làm tốt hơn thế, một khởi đầu tốt đem lại cho tôi cảm hứng trong công việc hơn và tôi tự tin đi tìm cho mình thêm những lá phiếu khác nữa.

Thời gian cứ thế trôi, những lá phiếu có thông tin của các em thí sinh ngày càng nhiều hơn, công việc này dễ dàng hơn tôi nghĩ. Trong khi điền thông tin vào các lá phiếu, chúng tôi có cơ hội được tiếp xúc với sĩ tử và người nhà các em, được trò chuyện nhiều hơn, gần gũi các em hơn, hiểu và cảm thông hơn với những con người khổ cực nhưng vươn lên vì học tập, thêm yêu các bậc cha mẹ đã hi sinh cuộc đời mình cho con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Đến 11h trưa chúng tôi về nghỉ trưa đến 1h chiều lại tiếp tục công việc của mình đến 4h30 chiều. Công việc cứ như vậy vào những ngày tiếp theo khi diễn ra kì thi. Sáng đi – tối về, tối về mệt thật đấy nhưng cả đội ở cùng nhau, cái mệt mỏi bay đi mất chỉ còn lại những tiếng cười sảng khoái, những câu trêu đùa khiến ai cũng phải ôm bụng mà cười.. chỉ có tiếng cười mà thôi, không ai giận ai, không ai ghét ai, mọi người sống trong sự hòa đồng, gắn bó. Vừa thu phiếu, chúng tôi còn kết hợp với các nhóm tình nguyện của khu vực khác tham gia phát nước miễn phí cho thí sinh và người nhà. Những chai nước được ướp đá mát lạnh được đưa đến tận tay mỗi người với nụ cười tươi trên môi. Tôi cảm thấy như mỗi chai nước tôi trao đi không phải là nước uống mà nó là một nguồn năng lượng tươi mát được truyền cho các em thí sinh, các bậc phụ huynh trong ngày hè nóng nực, trong áp lực của phòng thi và trong sự lo lắng của những bậc cha mẹ. Hy vọng rằng những chai nước ấy là nguồn động lực nho nhỏ đến mọi người!

Kết thúc những ngày đồng hành cùng sĩ tử, công việc tình nguyện của chúng tôi không dừng lại tại đó mà chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị cho một cuộc đồng hành mới mang tên “Mùa hè xanh”. Trong khoảng thời gian chờ ngày xuất hành, tôi cùng các bạn đi tới các phòng, khoa của trường xin giấy vụn, thu gom tất cả lại đem bán được hơn 700.000đ. Số tiền ấy được dùng cho đợt tình nguyện sắp tới.

Buổi tối, thay vì chôn chân tại phòng, chúng tôi tham gia vào hướng dẫn cho trẻ em tại khu tập thể bên cạnh trường, dạy các em múa, dạy nhảy, dạy cho các em thông thuộc các tiết mục văn nghệ để tham gia dự thi trại hè với các khu dân phố khác. Nhìn thấy những gương mặt trẻ thơ với đôi mắt đen láy, chơi chung với các em chúng tôi như được trở về tuổi thơ của mình, nhìn các em lại như nhìn thấy tương lai, rằng ngày mai các em sẽ như chúng tôi, tiếp tục cuộc hành trình tình nguyện, các em sẽ lại dạy cho các trẻ em khác hát múa, lại đi giúp các bạn sĩ tử… một tương lai tươi sáng hiện ra trên gương mặt trẻ thơ, trên những giọt mồ hôi nơi trán bạn bè.

Đội Sinh viên tình nguyện còn tham gia dọn dẹp khuôn viên của trường. Với mục đích đem lại khuôn viên sạch đẹp, cả đội đã cùng nhau quét dọn, nhặt rác, thu lá cây trên các mái nhà, nhặt cỏ quanh khuôn viên trường, đổ rác đúng nơi quy định. Vì một môi trường xanh – sạch – đẹp, tất cả mọi người đều nỗ lực dọn cho hết, dọn cho sạch, không ngại bẩn, không ngại ngứa mà hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ngoài ra đội còn tranh thủ lúc rảnh cử người đi đến những gia đình có lòng hảo tâm vận chuyển những nguồn đóng góp ủng hộ cho chiến dịch mùa hè xanh về trường. Cả đội tiến hành lọc, phân loại, làm sạch và đóng thùng tất cả những hiện vật quyên góp làm quà tặng cho chuyến mùa hè xanh. Chỉ có mấy ngày thôi, cả đội đã quyên góp được rất nhiều quần áo đẹp, sách cũ, vở viết…. ủng hộ cho chuyến đi.

Đợt tiếp sức mùa thi này tuy quen thuộc về tên gọi nhưng cách thức hoạt động lại có phần khác lạ. Đối với mỗi tình nguyện viên như tôi thì đây là một thử thách mới. Đợt tiếp sức này không chỉ là cơ hội cho chúng tôi tìm hiểu thêm về các em thí sinh, là cơ hội cho tôi cổ vũ tinh thần các em, động viên các em trong kì thi đánh dấu bước ngoặt sau 12 năm học của mình. Đây còn là cơ hội cho chúng tôi trau dồi các kĩ năng sống cần thiết cho bản thân.

Quá trình thu thập phiếu tuyển sinh là quá trình chúng tôi rèn luyện kĩ năng giao tiếp của mình. Chúng tôi biết làm sao để tiếp cận với mọi người, làm thế nào để tạo niềm tin, làm sao để có thể lấy thông tin của đối tượng và bằng cách nào để đem đến niềm vui nho nhỏ cho mọi người xung quanh. Là môi trường để chúng tôi lắng nghe nhứng tâm tư của sĩ tử, là nơi chia sẻ những khó khăn, là nơi để trao đi sự cảm thông, tình yêu thương đồng bào, sự chung tay chúng sức vì thế hệ trẻ mai sau – chủ nhân tương lai của đất nước.

Hoạt động tiếp sức mùa thi là hoạt động mà chúng tôi có thể thể hiện sức trẻ, sự vươn lên khẳng định vai trò của người thanh niên, là hoạt động giúp chúng tôi khẳng định vị thế của Đoàn Thanh niên Học viện Phụ nữ Việt Nam. “Ở đâu khó – ở đó có thanh niên”, thanh niện Học viện luôn chung tay chúng sức vì cộng đồng, tuy mới được công nhận là trường Đại học chính quy 2 năm nhưng với tiền thân 55 năm xây dựng, chúng tôi tin thanh niên Học viện không hề thua kém những thanh niên của các trường kì cựu khác.

Phần 2. Mùa hè xanh

“Mùa hè xanh” chỉ nghe cái tên thôi là đac thấy rạo rực rồi. Có người từng nói với tôi “Là sinh viên tình nguyện mà không đi mùa hè xanh thì phí cả cuộc đời tình nguyện” – quả thật là đúng như vậy. Chỉ cần khi cất lên ba từ “Mùa hè xanh” là đội tôi lại nhẩy lên vì vui sướng, có thể có những người đi, có những người thì ở lại nhưng tất cả đều háo hức chờ đến ngày khởi hành.

Ngày 14/07, trong kí túc xá những bạn không đi mùa hè xanh cũng đã về quê rồi, chỉ còn lại những người đi mùa hè xanh thì ở lại. Người thì có ít đi nhưng không khí sôi động thì không giảm. Chúng tôi chuẩn bị, kiểm tra lại hành lí lần nữa cho đầy đủ, cứ nhìn thấy mặt nhau là lại cười toe toét vì sắp được đi. Không phải đi chơi mà là đi tình nguyện nhưng nhìn đứa nào đứa nấy cũng như sắp được đi du lịch đến nơi mà mình hằng mơ ước vậy.

Buổi tối, cả lũ không ngủ được chỉ vì nghĩ đến ngày mai được đi mùa hè xanh là đứa nào đứa nấy sướng âm ỉ người, có đứa không kiềm chế được sự sung sướng còn chạy ra cả hành lang hét lên vì thích thú. Những câu chuyện không có hồi kết cứ diễn ra liên tục, rồi những tràng cười thắt ruột vang lên, cứ như vậy từng đứa từng đứa chìm vào giấc ngủ khi nào không biết. Và rồi đúng 5h sáng, khi báo thức rung lên là lúc tất cả cùng bật dậy chuẩn bị cho chuyến hành trình dài. 6h sáng, tất cả chuyển đồ ra xe, lên xe và bắt đầu xuất phát đến nơi tình nguyện. Năm nay chúng tôi thực hiện chương trình “Mùa hè xanh” tại vùng đất vừa xa lạ vừa quen thuộc, vùng đất mà vào ngày này năm ngoái chúng tôi cũng hướng đến trong chuyến mùa hè xanh đầu tiên, vùng đất Hà Giang đằm thắm, hữu tình.

Ngồi trên xe rời thành phố, tâm trạng đan xen thật đấy. Cái cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân chưa gì đã len lên rồi, một đứa con gái cả năm chẳng đi đâu, giờ lại đi xa thế này thật sự không nỡ để đi. Nhưng niềm vui khi mình được tham gia, được cống hiến tuổi trẻ của mình cho những con người nơi xa xôi kia; thật hạnh phúc khi mình có thể làm việc gì đó có ích cho xã hội. Bỏ qua cái cảm giác nhớ nhà kia, bên bạn bè, niềm vui tràn ngập trên chiếc xe, 30 con người – 30 tính cách khác nhau nhưng chung một mục tiêu là hướng về mảnh đất Hoàng Xu Phì.

Trong các ngày 15-18.7, tại thôn Lùng Chin Hạ, xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì, Đoàn Thanh niên Học viện Phụ nữ Việt Nam, trực thuộc Đoàn Thanh niên TƯ Hội LHPN Việt Nam phối hợp nhóm tình nguyện Hà Giang Online (HGO) trực thuộc Hội liên hiệp Thanh niên Hà Giang tổ chức Chương trình tình nguyện với chủ đề “Chung sức cùng cộng đồng”.

Sau 10 tiếng đồng hồ ngồi trên xe với tâm trạng háo hức, cuối cùng chúng tôi đã đặt chân lên mảnh đất Hà Giang thân yêu mà xa lạ. 4h chiều chúng tôi tới và gặp gỡ Hội Liên hiệp Phụ nữ địaphương, được các cô chào đón nồng hậu và thân thiện.

Sau đó cả đó cả được các cô dẫn tới thôn Lùng Chin Hạ, xã Thèn Chu Phìn, huyện Hoàng Su Phì. Trên đường đi, chúng tôi vào thắp hương đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện Hoàng Su Phìn.

 

Đài tưởng niệm của Huyện tuy còn nhỏ bé, đơn sơ thôi, nhưng những con người đã yên nghỉ nơi đậy thì không nhỏ bé chút nào. Đó là những liệt sỹ, anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc, để cho chúng ta cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Bổn phận của chúng em là không bao giờ được quên ơn những thế hệ cha anh đi trước, đã cống hiến xương máu cho đất nước ta, dân tộc ta trường tồn.

Đi qua nơi linh thiêng của mảnh đất núi rừng, chúng tôi đến với xã Thèn Chu Phìn, nơi mà tất cả sẽ gắn bó trong khoảng thời gian sắp tới. Mảnh đất xã xôi với những con người mộc mạc, chân chất. Tuy còn nghèo khó về vật chất nhưng không ngèo khó về tình người. Ở đâu cũng vậy, chúng tôi luôn được chào đón bằng những nụ cười. Đoàn thanh niên tình nguyện của Học viện được sắp xếp ở tại Ủy Ban Nhân dân xã, được chuẩn bị cho nơi ở tốt nhất, tiện nghi nhất. Chúng em thực sự vui và biết ơn khi được chào đón và tạo điều kiện tốt như vậy.

Sau khi làm quen với mọi người nơi đây, chúng tôi di chuyển đồ đạc cá nhân về phòng ở được phân. Chuẩn bị đồ đạc, tắm giặt xong chúng tôi bắt đầu ăn tối cùng các cán bộ, người dân Thèn Chu Phìn. Các món ăn đã được chuẩn bị sẵn, tất cả đều là món ăn dân dã, không có gì là xa hoa nhưng đều rất ngon, rất hấp dẫn. Đoàn vừa ăn vừa giao lưu với tất cả mọi người, nói đủ thứ chuyện về hai miền xuôi – ngược, tiếng cười nói rộn cả một không gian núi rừng. Tuy văn hóa khác nhau, nhưng chúng tôi cùng chung một nguồn gốc là con dân đất Việt. Chính vì vậy mà không hề tồn tại khoảng cách dân tộc hay văn hóa ở đây, chỉ có nụ cười và tình người chan chứa.

Bữa cơm kết thúc cũng đã muộn, dọn dẹp bát đũa xong cả đội trở về phòng nghỉ sau một ngày di chuyển đường dài. Mệt thật đấy, xa nhà thật đấy, nhưng cứ mỗi khi ở cùng nhau như vậy thì mọi nỗi niềm xua tan hết, trong phòng chưa ai có thể ngủ, mọi người lại tiếp tục nói chuyện, cười um trong phòng, rồi cứ từ từ từng người từng người chìm vào giấc ngủ lấy sức cho ngày làm việc tiếp theo. Một giấc ngủ sâu, ngon lành cho đến sáng.

Sang ngày hôm sau.

Buổi sáng đầu tiên trên mảnh đất Thèn Chu Phìn, bước ra khỏi phòng là cái cảm giác se lạnh của sương sớm, cái không khí trong lành dễ chịu lan tỏa khắp cơ thể, cảnh đồi núi xung quanh khiến con người thư giản hơn, cái cảm giác tràn trề năng lượng trong cơ thể.

Buổi sáng, lót dạ bằng mì tôm thôi, bữa sáng không có gì đặc biệt nhưng ai cũng cắm cúi ăn một cách ngon lành. Cuộc đời sinh viên gắn liền với mì tôm, sinh viên tình nguyện chúng tôi cũng thích mì tôm, buổi sáng một bánh mì tôm là đủ năng lượng cho cuộc hành trình lao động vất vả rồi. Thích lắm, yêu lắm. Ăn mì thôi mà cười vui như tết ấy. 

Ngày hôm nay chúng tôi sẽ tham gia lao động san lấp mặt bằng sân chơi cho Trường mần non xã Thèn Chu Phìn. Theo sự phân chia từ trước, sẽ có một đội ở nhà phụ trách công việc hậu cần dưới sự giúp đỡ của người dân, các thành viên còn lại sẽ theo đoàn thanh niên xã và hội Hà Giang Online lên trường mần non làm việc.

 

Cuốc, thuổng, xẻng xúc đất, bao đựng… những vật dụng lao động vô cùng quen thuộc, nhưng không phải ai trong chúng tôi cũng biết đến nó và biết cách sử dụng nó. Thế nhưng, tất cả mọi người ai cũng hăng say lao động, những giọt mồ hôi trên trán, trên áo mỗi người, đó là giọt mồ hôi lao động chân chính, giọt mồ hôi thấm đượm nghĩa tình.

Trong lúc lao động, chúng tôi có một nhóm cùng với thầy Bí thư Đoàn trường đã đi thăm hỏi, tặng quà Đồn Biên phòng Thàng Tìn, đoàn Kinh tế 313.

Đến trưa chúng tôi trở về ủy ban nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi chiều làm tiếp. Ai cũng quần áo lấm lem tất cả, đất dính đầy người nhưng không sao hết, lao động mà không bẩn thì không phải lao động. Về tới nhà, các bạn hậu cần nhìn chúng tôi mà cười, chắc vì trông chúng tôi giống mấy con trâu lầm quá, nhưng nhìn các bạn thì cũng chẳng khác gì – tất tưởi sắp cơm cho chúng tôi, nhìn những món ăn trên bàn mà biết ơn các bạn quá, không có các bạn ở lại làm hậu cần chắc giờ phút này chúng tôi lại phải chui vào bếp mà tự nấu cơm ăn rồi. Bữa cơm đạm bạc do những con người không chuyên nấu ngon lắm, ở Hà Nội thì nấu bếp điện hay ăn hàng, ở đây thì bếp củi lem nhem mà các bạn vẫn nấu được các món ngon cực đỉnh. Thật khâm phục những con chim câu của chúng tôi quá.

Nghỉ ngơi đến 1h chiều, lại tiếp tục cuộc hành trình san lấp, lại có một đội hậu cần thay cho đội hậu cần ban sáng ở nhà nấu nướng, còn đội ban sáng lại cùng đi làm. Với mong muốn cho các em nhỏ một sân chơi mới rộng rãi, sạch đẹp, chúng tôi lao động không biết mệt, chỉ mong sớm hoàn thành việc san lấp để các bác thợ xây hoàn thành việc xây dựng, chiếc sân. Cuốc đất mỏi tay lắm, bê đất nặng lắm, những đứa trẻ được cha mẹ bao bọc từ nhỏ như chúng tôi chưa làm việc nặng như vậy bao giờ. Lần đầu tiên làm thật đấy, nhưng cảm thấy như đây là công việc quen thuộc mà mình làm hàng ngày vậy, không mệt đâu, không thấy khổ đâu.

Vì trường học nằm trên núi cao, vì vậy khi chúng tôi di chuyển đi hay về đều phải leo một con đường dài và dốc. Cái cảm giác leo núi vừa sợ vừa thích thú, chẳng biết nói thế nào nữa. Buổi chiều, ai cũng mệt, nghĩ đến phải trèo xuống núi là nản lắm, nhưng chặng đường còn dài, không phải lao động một ngày, không điểu gì cho phép chúng tôi chùn bước. Vẫn nhìn về phí trước, vẫn những bước chân không ngừng nghỉ, chúng tôi tiếp tục tiến lên.

Chiều nay, tôi được phân công ở lại cùng nhóm hậu cần. Quả thật nấu ăn rất khó, tôi chỉ có thể phụ giúp làm những công việc xung quanh thôi, còn đến việc nấu cơm, tôi và các bạn phải nhờ các chị bên Hội phụ nữ đi cùng đoàn và bạn trai duy nhất trong nhóm. Hàng ngày thì được mẹ nấu cơm cho ăn, bây giờ được vào bếp làm cùng mọi người, vui lắm ấy, nhưng sợ mình làm hỏng món ăn lắm. Tối chúng tôi đón tiếp các đoàn nên bữa cơm này lại là bữa cơm đãi khách nữa, ai cũng tất bật cả, mỗi người một chân một tay mà cứ dúm cả vào với nhau ấy. Dự định là thịt lợn làm món thịt quay mà đến tận 3h chiều rồi mà vẫn chưa có lợn, chúng tôi lo lắm, cuối cùng có lợn thì lại sợ muộn giờ, đành chuyển thành món luộc. Có thể nói rằng thực đơn chiều nay của chúng tôi đã bị phá sản. 

Nhưng không sao, khi bày thức ăn lên, các món ăn đều nóng hổi, hương thơm ngào ngạt kích thích vị giác của từng người, vậy là cả nhóm đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc rồi.

Sau bữa cơm tối ngon lành là chương trình giao lưu văn nghệ. Tối nay Ủy ban nhân dân xã mới đông vui nhộn nhịp làm sao. Mọi người dân cùng với các ban ngày đoàn thể ngồi thành vòng tròng quanh sân khấu. Cái cảm giáo háo hức như đang chờ đợi một điều gì đó đặc biệt hiện lên trong ánh mắt những người con nơi núi rừng thân thương.

Trong đêm giao lưu văn nghệ, rất nhiều các tiết mục được thể hiện, các tiết mục rất đa dạng, trẻ trung, mang đậm màu sắc văn hóa.

Trong đêm văn nghệ, Đoàn Thanh niên Học viện đã gửi tới những con người nơi đây những phần quả nhỏ nhoi với mong muốn giúp đỡ và sẻ chia. Đoàn đã trao 2 triệu đồng ủng hộ Quỹ của Hội LHPN xã; tặng 500 vở viết cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Thèn Chu Phìn và 30 xuất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi… tổng giá trị quà tặng gần 20 triệu đồng.

Những ánh mắt hạnh phúc long lanh khi nhận được những món quà tuy bé về giá trị nhưng to lớn về tinh thần. Tất cả đều hiểu, cái mà chúng tôi đem đến vùng đất này không phải là vật chất mà là sức mạnh tinh thần, cái giá trị lớn lao mà không phải ai cũng có thể cho đi một cách chân thật nhất, cái giá trị mà không thước đo nào có thể đong đếm được.

Trong quá trình biểu diễn văn nghệ đã có sự giao lưu giữa các tiết mục với nhau, tuy không biểu diễn nhưng là những khán giả nhiệt tình, đội sinh viên đã tham gia cổ vũ không ngừng nghỉ, vui tươi, phấn khởi, lôi kéo được người dân bản cùng tham gia văn nghệ với mình.

Các tiết mục văn nghệ cứ liên tục được thể hiện, hết tiết mục này lại đến tiết mục khác. Người hát cứ hát, người nhảy cứ nhảy, người cổ vũ cứ hò reo vui thích. Tất cả diễn ra trong không khí đầm ấm nghĩa tình.

Cuối chương trình có lẽ là phần hấp dẫn nhất, được chúng tôi mong chờ nhất. Đó chính là phần đốt lửa trại. Mọi vật xung quanh chìm trong bóng tối, âm nhạc vang lên và rồi một vùng trời rực sáng bởi ánh lửa, thứ ánh sáng có thể coi là thiêng liêng nhất lúc này. Tất cả mọi người, dù trong ban ngành nào hay chỉ là người dân bình thường, tất cả nắm tay nhau đi vòng quanh ngọn lửa, thứ ánh sáng duy nhất lúc này.

Lúc ngọn lửa tàn cũng là lúc chương trình văn nghệ kết thúc. Mọi người bắt đầu ra về, nhìn ánh mắt của người dân, chúng tôi hiểu rằng họ rất vui và hạnh phúc. Đến với buổi văn nghệ này, có những người đã đi một quãng đường rất xa, từ đỉnh núi xuống chân núi để tham gia cùng mọi người. Gương mặt vui vẻ của họ khi ra về cho tôi và bạn mình biết rằng mình đã không làm họ thất vọng khi đến đây. Ai cũng vui, ai cũng thoải mái và dặc biệt là sự hài lòng của người dân nơi đây với Đoàn tình nguyện chúng tôi.

Ngày thứ 3 trên mảnh đất Thèn Chu Phìn.

Sáng sớm thức dậy vẫn cái không khí trong lành dễ chịu ấy, vẫn những gương mặt xạm đi vì nắng ấy, chúng tôi lại chuẩn bị cho một ngày làm việc của mình.

Buổi sáng chúng tôi sẽ không đi làm sân mà được lên thác chơi, tham quan khung cảnh nơi đây.

Tiếng nước róc rách, tiếng hò reo của các bạn. Chúng tôi như đàn cá mắc cạn gặp lũ về. Mấy con cá năng động quá quậy nước ướt hết nhèm rồi. Để lên được đến thác nước này, có nói chúng tôi đã leo cả quả núi ấy chứ, ai cũng mệt, cũng kiệt sức. Thác nước là cái hy vọng, là cái đích mà chúng tôi hướng đến suốt thời gian đi đường, mệt nhưng vẫn động viên nhau mà đi. Đúng là nghị lực lớn. Kể thì không nói rõ được đâu, nhưng là người trải nghiệm thì mới hiểu cái cảm giác ấy là như thế nào, vừa vui vừa mệt.

Chơi hết buổi sáng với cái thác nước chưa vào mùa, cả đoàn lại hành quân nhau trở về với bữa trưa ngon lành mà đội hậu cần đã chuẩn bị trong suốt thời gian mọi người đi chơi. Những con người ấy đã bỏ cuộc chơi chỉ để nấu bữa cơm ngon cho mọi người, làm no cái bụng của đàn bồ câu tăng bụng, cứ hễ bị đói là đàn chim ấy lại nhao nhao lên, có lẽ vậy mà không thể để chúng đói được.

Ăn uống xong, nghỉ ngơi xong. Buổi chiều lại tiếp tục với công việc san lấp sân trường mẫu giáo. Cứ cuốc, cứ xúc rồi lại bê. Cuối cùng thì công việc cũng đã hoàn thành, các bác thợ xây đã có mặt bằng để hoàn thành cái sân trường mới cho các em nhỏ nơi đây. Thật vui và hạnh phúc.

Ngày cuối cùng tại Hoàng Su Phì.

Sáng tỉnh dậy vẫn cái khung cái ấy nhưng có cảm giác lòng nặng hơn. Hôm nay là ngày cuối cùng chúng tôi sống tại nơi đây, chính xác hơn là chỉ buổi sáng mà thôi, không biết đến bao giờ mới có cơ hội gặp lại nữa.

Sau khi chuẩn bị đồ đạc xong, cả đội tôi được các chị trong Hội phụ nữ dẫn đi thăm các hộ gia đình thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

“5 không” là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật, không tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; “3 sạch” là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Đây là một chương trình thực tế, có ý nghĩa rất lớn đối với các huyện vùng cao, nó đã góp phần rất lướn trong ciệc nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống của người dân miền núi đặc biệt người dân Huyện Hoàng Su Phì.

Kết thúc hành trình thăm các hộ dân, chia sẻ về cuộc sống cũng như trao các xuất quà ý nghĩa đến với từng gia đình. Chúng tôi chia tay con người nơi đây, những con người chân chất, nghĩa tình và hiếu khách.

Tạm biệt mảnh đất mang tên Thèn Chu Phìn, ai cũng buồn, ai cũng không nỡ, nhưng cuộc hội ngộ nào cũng có lúc chia tay… chúng tôi đến và chúng tôi cũng phải đi, quay trở lại với cuộc sống sinh viên của mình.

Tạm biệt tất cả, tạm biệt mọi người. Xin cho một lần gọi mảnh đất nơi đây là “mẹ”. Con đi và một ngày nào đó sẽ quay trở về với đất mẹ nơi đây.

Hành trình hè 2015 của tôi và các bạn đã kết thúc rồi đấy. Một hành trình hoàn toàn mới với những trải nghiệm vô cùng mới. Ai cũng đọng lại trong lòng mình những cảm xúc riêng, buồn có, vui có, lưu luyến có, bâng khuâng cũng có….

Một hành trình đem lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá về tình người, sự chia sẻ cảm thông, lòng yêu thương mảnh đất, con người Việ Nam.

Không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết tâm trạng mỗi người chúng tôi. Chỉ hai từ mà ai cũng có thể cảm nhận được đó là “hạnh phúc”. Hạnh phúc không tự đến với ta mà nó do chính bản thân mỗi người tự tạo dựng, và chúng tôi đã tạo ra được “hạnh phúc” đó.

Hà Giang, lần thứ hai đặt chân đến và cũng lần thứ hai không nỡ rời đi. Biết phải nói thế nào đây?

Trở về Hà Nội đã hai ngày rồi, nhưng cuộc sống với biệt đội siêu nhắng, cuộc sống với con người Thèn Chu Phìn vẫn ẩn dật ở đâu đó. Nhớ lắm những con người, nhớ lắm những ánh mắt, nhớ nụ cười của tất cả… nhớ hết những gì thuộc về mùa hè 2015, một mùa hè mang tên “Hạnh phúc”.

Hỡi những cánh chim câu 69. Cuộc sống vẫn cứ trôi, thời gian vẫn qua đi không quay trở lại. Nhưng tình bạn chúng ta luôn tồn lại và mãi bên nhau trong những năm học sắp tới. Dù sau này có thế nào thì tình thần doàn kết của chúng ta là không thay đổi. Hãy nắm tay nhau cùng trao yêu thương với những con người kém may mắn hơn ở bất kì đâu trên đất nước này. Mục đích của chúng ta là “Chung tay vì cộng đồng” và chúng ta sẽ đạt được điều đó.

Tiến lên hỡi thế hệ trẻ của đất nước. Tiến lên hỡi thế hệ trẻ của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Dù trong gai hay thách thức, dù lên rừng hay xuống biển. Hãy để tinh thần thanh niên của các bạn bay cao và bay xa hơn nữa, hãy xứng đáng làm chủ nhân tương lai của đất nước mình.

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên.”

Chân thành gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất tới Ban Giám đốc Học viện, Đoàn thanh niên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Cảm ơn các thầy cô đã tạo điều kiện cho chúng em có một màu hè thật bổ ích và ý nghĩa. Không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn sâu sắc nhất tới các thầy cô. Cảm ơn các bạn, những cánh chim nhỏ nhưng sức mạnh phi thường đã mang cơn gió mát cho mùa hè oi ả.

Chúc thầy cô và các bạn có những ngày hè bên gia đình thật vui vẻ và hạnh phúc. Hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong năm học mới đầy lí thú và bổ ích.