Nằm trong chuỗi hoạt động thường niên của nhà trường, năm nay Phân hiệu Học viện phụ nữ Việt Nam tổ chức cho toàn thể cán bộ viên chức, người lao động cùng thân nhân chuyến tham quan Hành trình về Côn Đảo nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong đơn vị, đồng thời kết hợp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực tế của giảng viên, chuyên viên trong Phân hiệu. Thông qua hoạt động này, cũng là để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho cán bộ, viên chức Phân hiệu nói chung, cho thế hệ trẻ nói riêng.
Đặc biệt, trong chuyến đi ý nghĩa này, đoàn còn vinh dự đón cô Đặng Hồng Nhật (Út Nhựt) – nguyên hiệu trưởng trường Cán bộ phụ nữ TW 2 (nay là Phân hiệu Học viện PNVN), nguyên là Cựu tù chính trị tại Côn Đảo cùng tham gia. Cô chính là nhân chứng sống của những cuộc tra tấn dã man mà bọn thực dân, đế quốc đã thực hiện trong hệ thống nhà tù Côn Đảo, đặc biệt là đối với những nữ tù chính trị.
Cô Đặng Hồng Nhựt (đứng giữa) đang kể về chuỗi ngày bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo
Trong hành trình về Côn Đảo, đoàn được đến tham quan trại giam Phú Hải (trại giam đầu tiên được xây dựng tại Côn Đảo), nơi có truyền thuyết về hầm xay lúa gắn bó với tên tuổi của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Sau đó, đoàn đến thăm trại Phú Tường hay còn gọi chuồng cọp Pháp, trại giam Phú Bình hay còn gọi chuồng cọp Mỹ, khu biệt lập chuồng bò…
Chứng kiến tận mắt các hình thức tra tấn dã man như thời Trung cổ của bọn Thực dân và Đế quốc, nhiều thành viên trong đoàn đã không cầm được nước mắt. Chắc không ai có thể quên câu chuyện về hơn 50 ngày đêm, các nữ tù không được phát các nhu yếu phẩm để vệ sinh, họ phải tự xé quần, áo của mình để dùng, để giúp nhau trong hoàn cảnh gian khổ ấy. Rất nhiều nữ tù sau khi ra khỏi nhà tù thì mất luôn khả năng thiên chức của mình cũng do bệnh tật trong hệ thống nhà tù này gây ra. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều trào nghẹn sự căm phẫn, sự xót xa, đau đớn nhưng cũng đầy cảm phục trước sự gan dạ, quả cảm của các nữ chiến sĩ.
Đến Côn Đảo không thể không ghé thăm Nghĩa trang Hàng Dương – nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày, hy sinh bởi sự tàn ác của thực dân và đế quốc. Nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương luôn có tiếng rì rào, vi vu, du dương của những hàng cây dương được trồng rất nhiều trong khu vực với khoảng gần 900 ngôi mộ có tên và vô danh. Đoàn đã tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa lên tượng đài liệt sĩ và thắp hương cho từng phần mộ, thể hiện lòng kính trọng và sự biết ơn trước sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ để thế hệ chúng ta có được hòa bình như ngày hôm nay.
Một hoạt động không kém phần thiêng liêng, trang trọng của đoàn là sự kiện tham dự đám giỗ của cô Võ Thị Sáu – nữ liệt sĩ, anh hùng LLVT đã anh dũng hi sinh khi tròn 19 tuổi với câu nói đã đi vào lịch sử: “Yêu nước chống bọn thực dân không phải là tội”; “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho đôi mắt tôi được nhìn đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng và tôi có đủ can đảm để nhìn thẳng vào họng súng của các người!” Cô Sáu hy sinh ngày 23-1-1952 và ngày này đã trở thành ngày hội của người dân Côn Đảo…Gia đình nào cũng làm giỗ cô. Nhà nhà mang hoa, mang lễ ra thắp hương kín mộ cô từ sáng tới khuya. Từ một liệt sỹ anh hùng hy sinh vì dân, vì nước, để rồi trở thành một vị thần hộ mệnh của nhân dân Côn Đảo, đó là điều mà chỉ có cô – người cộng sản kiên trung bất khuất hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ mới làm được!
Trong chuyến đến đến Côn Đảo này, đoàn cũng được tiếp xúc và làm việc với BCH Hội LHPN huyện Côn Đảo và các chị chi hội trưởng của địa bàn. Hội LHPN huyện được thành lập từ năm 1975. Quá trình hình thành và phát triển tổ chức Hội LHPN huyện đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thường uyên đổi mới về nội dung và hình thức tổ chức các phong trào phụ nữ, từ đó kết quả của năm sau cao hơn nhưng năm trước. Huyện Côn Đảo không có cấp xã mà chỉ có khu dân cư. Hội LHPN huyện thành lập 10 chi hội phụ nư ở 10 khu dân cư với tổng số hội viên là 744 chị và 01 chi hội phụ nữ lực lượng vũ trang, nữ CCVC – CNLĐ là 844 chị. Có 29 cán bộ Hội ở cơ sở (trong đó có 9 đảng viên), đa số cán bộ Hội đều đạt trình độ THCS trở lên. Chị em rất nhiệt tình và tâm huyết với công tác Hội nên có nhiều chị tham gia vào Ban cán sự các chi hội nhiều nhiệm kì. Các nhiệm vụ trọng tâm và phong trào thi đua được Hội phụ nữ cơ sở thực hiện tốt, mang lại nhiều hữu ích cho hội viên, từ đó thu hút nhiều phụ nữ tham gia vào Hội.
Hành trình về Côn Đảo là bài học lịch sử hết sức quý báu, đây chính là nơi giáo dục truyền thống yêu nước một cách thiết thực, không giáo điều, không sách vở. Chúng tôi – những cán bộ, viên chức của Phân hiệu nguyện giữ mãi và phát huy ngọn lửa của sự trân quí đối với những tên tuổi của các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh cho tổ quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp nối truyền thống của cha ông bằng sự quyết tâm, đoàn kết thể hiện hành động thiết thực để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong năm mới Bính Thân 2016.