Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Về hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam xếp hạng 59/100 quốc gia. Hệ sinh thái khởi nghiệp của TP. HCM tăng 46 bậc, xếp vị trí 179; Hà Nội tăng 5 bậc lên vị trí 191. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá xếp thứ 3 trong nhóm 3 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, năng động nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Singapore. Điều này cho thấy nỗ lực tái cấu trúc và thích ứng của khu vực doanh nghiệp trong nền kinh tế, cũng như tinh thần khởi nghiệp kinh doanh của người dân, doanh nghiệp Việt Nam vô cùng manh mẽ. Với sự năng động, sáng tạo, khát vọng làm giàu chính đáng, dám nghĩ dám làm, dám vươn lên, phát huy nội lực, ứng dụng khoa học công nghệ, phụ nữ Việt Nam trong những năm qua, đã lan tỏa rộng khắp tinh thần khởi nghiệp ở nhiều lĩnh vực ngành nghề. Trên thực tế đã có nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công, đổi mới sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh, hùng cường.

         Chủ đề Ngày Quốc tế phụ nữ năm 2022 được Liên Hợp Quốc thông qua là “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững”. Có thể thấy, bình đẳng giới là giá trị trọng tâm, gắn kết chặt chẽ với các giá trị phát triển khác, là tiền đề của nhiều nền tảng quan trọng. Một trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) – Mục tiêu SDG5: Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái toàn cầu, là mục tiêu không thể thiếu trong tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế – xã hội. Bình đẳng giới không chỉ là quyền cơ bản của con người, mà còn là nền tảng cần thiết cho một xã hội hòa bình và thịnh vượng. Trong một thế giới hội nhập sâu rộng và toàn cầu hóa, vị thế, năng lực của một quốc gia nói chung hay một tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nói riêng không chỉ dựa vào những chỉ báo về tăng trưởng kinh tế thuần túy mà thay vào đó là tổng hòa các yếu tố như: bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, thực hiện trách nhiệm xã hội và bình đẳng giới, … đang ngày càng được chú trọng trong phát triển bền vững. Chính vì vậy, phát huy vai trò của phụ nữ trong đó thúc đẩy bình đẳng giới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.

         Thời gian qua đã ghi dấu ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ của những người phụ nữ tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phong phú, tích cực và đa chiều. Theo số liệu thống kê, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 26,5% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, cứ 4 doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có 1 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo. Nữ giới đóng góp tới 40% của cải của nền kinh tế Việt Nam.

         Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, thách thức trong phát triển bản thân, nhưng lại rất có lợi thế trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Phụ nữ có năng lực đặc biệt trong việc phát hiện vấn đề,  tinh tế, mềm mỏng trong giao tiếp, tỷ mỉ, chỉn chu trong từng việc nhỏ và linh hoạt, nhạy bén trong giải quyết vấn đề. Ngoài ra, với bản tính ân cần, chu đáo, phụ nữ cũng quan tâm hơn tới các vấn đề xã hội, phụ nữ thường đóng vai trò vừa đổi mới sáng tạo xã hội, vừa cân bằng các yếu tố nhân văn, giải quyết các thách thức xã hội…

         Đại dịch Covid-19 bùng nổ đã làm cả thế giới phải gánh chịu tổn thất nặng nề không chỉ về kinh tế, tài chính mà hàng triệu sinh mạng đã bị cướp đi. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, sự phát triển của toàn nhân loại bị chững lại, những thách thức đối với các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp khởi nghiệp ập đến vô cùng nghiệt ngã. Các doanh nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, làm chủ gặp nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 đặc biệt gây bất lợi cho phụ nữ, bộc lộ rõ những vấn đề giới trong nền kinh tế và cấu trúc xã hội. Điều này đòi hỏi phải tìm ra giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ vượt qua “cú sốc COVID-19”, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tạo thêm việc làm, thu nhập, giải quyết khó khăn, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và bình đẳng giới. Ở khía cạnh khác, chúng ta cũng nhìn nhận vai trò của các lãnh đạo nữ trong chèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình đương đầu với đại dịch, duy trì đà tăng trưởng hoặc khởi nghiệp trong giai đoạn thách thức này. Không chỉ kinh doanh thành công, các doanh nghiệp và start-up do phụ nữ lãnh đạo còn rất quan tâm đến việc chung tay giải quyết các thách thức xã hội do Covid-19 gây ra. Thực tế cũng cho thấy các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thể hiện nhiều ưu điểm hơn như sử dụng nhiều lao động nữ hơn, chi trả bảo hiểm xã hội cao hơn, chi phí tạo ra một việc làm thấp hơn và có rất nhiều tấm gương tiêu biểu thực hiện trách nhiệm xã hội, cùng cộng đồng vượt qua đại dịch. Phụ nữ lãnh đạo có khả năng thích ứng, chịu áp lực và linh hoạt nên đã có nhiều cơ hội biến ‘nguy’ thành ‘cơ’ với các chiến lược ứng phó hiệu quả, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh bình thường mới. Các chuyên gia cho rằng, còn rất nhiều tiềm năng, cơ hội để thúc đẩy phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp trong bối cảnh bình thường mới. Các doanh nghiệp nữ đều cần tự tin vào bản thân mình, khẳng định quyền được lựa chọn, theo đuổi ước mơ, sáng tạo và đóng góp vào tiến trình phát triển xã hội. Phụ nữ thành công và hạnh phúc sẽ tạo dựng nên xã hội hạnh phúc và phát triển bền vững.

         Kính thưa các nhà khoa học,

         Kính thưa các quý vị đại biểu,

          Là hoạt động khoa học thường niên, hàng năm Học viện Phụ nữ Việt Nam đều phối hợp với các cơ quan, tổ chức, trong nước, quốc tế, các trường Đại học trên thế giới để tổ chức các diễn đàn học thuật. Năm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Phụ nữ khởi nghiệp trong bối cảnh bình thường mới trong khuôn khổ chương trình WeEmpowerAsia hợp tác với Liên minh Châu Âu. Hội thảo càng thêm ý nghĩa vì được tổ chức vào tháng 3, chào mừng thành công rực rỡ của Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 vừa được tổ chức đúng dịp Ngày quốc tế phụ nữ, là thời điểm có ý nghĩa đặc biệt, nhằm tôn vinh những người phụ nữ đã dệt gấm thêu hoa, miệt mài cống hiến cho đất nước, cho xã hội.

          Hội thảo hôm nay tập trung vào ba nội dung chính sau đây:

          1. Phụ nữ khởi nghiệp – Cơ hội và thách thức trong bối cảnh bình thường mới.

          2. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và đổi mới sáng tạo.

          3. Các vấn đề khác về phụ nữ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

  1. 1..

Trong bối cảnh thực hiện 5K, Hội thảo được đón tiếp hơn 60 đại biểu tham dự trực tiếp là đại diện nhà tài trợ UN Women, một số đại sứ quán, một số tổ chức quốc tế, đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức trong nước về khởi nghiệp, chuyên gia giới, chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực phụ nữ khởi nghiệp, quản lý kinh tế và kinh doanh; các nhà khoa học uy tín đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước, nhiều học giả từ các nước Philipin, Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan, Romania,….. ; đại diện các trường đại học, các tổ chức đối tác trong và ngoài nước; các nhà nghiên cứu và giảng viên của VWA. Hội thảo cũng đón chào sự tham gia trực tuyến của hơn 100 đại biểu trong nước và quốc tế.

Qua quá trình chọn lọc từ trên 50 bài viết gửi đến cho hội thảo và quá trình phản biện độc lập, 25 báo cáo khoa học có chất lượng tốt của các học giả, các nhà khoa học trong nước và quốc tế được chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo có chỉ số ISBN, 7 bài được chọn trình bày tại hội thảo. Các bài viết được chọn đăng bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu, các nhà khoa học,

Để hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn nhận được sự tham gia thảo luận nhiệt tình, tâm huyết của các quý vị trong suốt thời gian diễn ra Hội thảo. Bên cạnh việc lắng nghe các kết quả nghiên cứu , rất mong các nhà khoa học và quý vị đại biểu chia sẻ thêm thông tin, tri thức liên quan đến các chủ đề của Hội thảo. Ban Tổ chức xin đề xuất các nội dung tập trung thảo luận sau:

          1. Các vấn đề đặt ra với phụ nữ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (các vấn đề lý luận, thực tiễn, vấn đề chính sách, luật pháp, vấn đề giới…);

          2. Kinh nghiệm hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên thế giới và ở Việt Nam;

3. Giải pháp thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

          4. Giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp để tạo thêm việc làm, thu nhập, giải quyết khó khăn, tháo bỏ những rào cản cho sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp, bình đẳng giới và phát triển bền vững.

          Thay mặt Ban tổ chức Hội thảo, xin trân trọng cảm ơn nhà tài trợ, các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại diện các cơ quan, tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã dành thời gian và tâm huyết cho Hội thảo hôm nay. Học viện Phụ nữ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sực cộng tác, hỗ trợ của các quý vị trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học thời gian tới.

Xin chúc sức khỏe các đồng chí. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Trân trọng cảm ơn!