Đây là các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cơ bản theo Chương trình bồi dưỡng đã được Thường trực Đoàn Chủ tịch phê duyệt tại Quyết định số 4473/QĐ-ĐCT ngày 28/4/2020 với hình thức học 50% trực tuyến và 50% trực tiếp.
Ngoài các chuyên đề theo quy định về kiến thức chung, kỹ năng làm việc và chuyên đề bắt buộc, các địa phương đều chọn thêm các chuyên đề tự chọn phù hợp với điều kiện, nhu cầu và mong muốn nâng cao năng lực cán bộ Hội
Học viên các lớp đã nghiên cứu 12 chuyên đề trực tuyến về Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về công tác phụ nữ; truyền thống phụ nữ Việt Nam; phương pháp nắm bắt, phản ánh tâm tư nguyện vọng của hội viên phụ nữ; nâng cao năng lực thực hiện chức năng đại diện của Hội; một số vấn đề về giới và bình đẳng giới; hướng dẫn tổ chức hội nghị, cuộc họp; các kỹ năng soạn thảo văn bản, tuyên truyền miệng, vận động thuyết phục, lập kế hoạch hoạt động, giao tiếp.
Sau khi hoàn thành bài kiểm tra kết thúc phần học trực tuyến, học viên tại các địa phương đã học trực tiếp 2 tuần cùng tìm hiểu, trao đổi, chia sẻ thông tin về các chuyên đề chung về chính sách và quy định pháp luật về phụ nữ và bình đẳng giới, vị trí, nhiệm vụ của tổ chức Hội liên hiệp Phụ nữ cơ sở, Điều lệ Hội, phong trào thi đua, các cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm của Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các kỹ năng về kiểm tra, đi cơ sở, viết báo cáo, tiếp xúc, làm việc với cấp ủy, chính quyền, quản lý, sử dụng ngân sách và tài chính của Hội, thu thập, phân tích, tổng hợp và cung cấp thông tin về phụ nữ và bình đẳng giới; phương pháp giải quyết, xử lý các vụ việc xâm hại quyền của phụ nữ, trẻ em, tiếp xúc, làm việc với hội viên; công tác xã hội với nhóm phụ nữ yếu thế.
Bên cạnh đó, tại Thái Nguyên có thêm 03 chuyên đề hướng dẫn đề xuất ý tưởng “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”; quản lý hoạt động nhận ủy thác ngân hàng và các loại quỹ khác; một số giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, nông thôn mới và đô thị văn minh. Tại Hà Nội có thêm 02 chuyên đề về kỹ năng tổ chức công việc và quản lý thời gian; giám sát và phản biện xã hội. Tại Nghệ An có thêm chuyên đề về vai trò của các cấp Hội trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và tại Bắc Kạn có thêm chuyên đề về giám sát và phản biện xã hội…Việc lựa chọn các chuyên đề riêng tại từng tỉnh có thể nằm trong chương trình đã được duyệt hoặc chuyên đề mới phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Trong điều kiện vừa học, vừa phải hoàn thành nhiệm vụ công tác ở địa phương, phương pháp học kết hợp trực tuyến và trực tiếp đã giúp học viên linh hoạt trong giờ học trực tuyến để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, chính trị.
Đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của Học viện, địa phương là những người có kỹ năng, nghiệp vụ và giàu kinh nghiệm trong công tác Hội nên các phương pháp giảng dạy và những kiến thức chia sẻ với học viên rất khoa học, sát với thực tế công việc của cán bộ Hội cấp cơ sở vì vậy được học viên đánh giá cao.
Trong thời gian học trực tiếp, các lớp đều được tham quan thực tế tại các mô hình nông thôn mới, mô hình khởi nghiệp, phát triển kinh tế tại các cơ sở điển hình tại địa phương. Tại các chuyến thực tế, học viên được nghe giới thiệu, chia sẻ về các mô hình hay, cách thức xây dựng và nhân rộng mô hình để các chị em hội viên, phụ nữ cùng nhau học tập và phát triển.
Cuối khóa học, các bài thu hoạch của học viên chủ yếu lựa chọn các chuyên đề gắn liền với thực tế công việc như đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội liên hiệp Phụ nữ cơ sở trong tình hình mới; các kỹ năng về nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, đi cơ sở, viết báo cáo, công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ. Kết thúc các lớp bồi dưỡng, đa phần học viên đều đánh giá các nội dung bồi dưỡng phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của cán bộ Hội cấp cơ sở và yêu cầu thực tế công việc. Kết quả đánh giá các lớp học 100% học viên đạt yêu cầu và được cấp chứng chỉ của Học viện Phụ nữ Việt Nam.
PGS.TS Trần Quang Tiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện và Đ/c Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên trao chứng chỉ cho học viên
Với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng trong quá trình học tập, tại Thái Nguyên có 05 học viên, tại Nghệ An có 08 học viên đạt xuất sắc trong học tập và rèn luyện, được Ban Giám đốc Học viện tặng Giấy khen.
ThS Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện và Đ/c Lê Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An trao giấy khen và phần thưởng cho học viên
Kết quả và những nỗ lực trên cho thấy sự phối hợp chặt chẽ giữa Học viện và các địa phương trong quá trình tổ chức các lớp bồi dưỡng.
Phát biểu tại lễ bế giảng khóa học, đại diện lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố đã đánh giá cao tinh thần nỗ lực, vượt mọi khó khăn của học viên để đảm bảo việc học tập; mong muốn sau khi hoàn thành khóa học, học viên triển khai vận dụng được những kiến thức, kỹ năng đã học một cách linh hoạt, phù hợp với đặc điểm thực tế của từng địa phương để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội tại cơ sở. Đồng thời, cũng hy vọng tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ Ban Giám đốc và các thầy cô từ Học viện Phụ nữ Việt Nam.