Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ-HVPNVN của Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và hoạt động theo Giấy phép xuất bản số 561/GP-BTTTT ngày 13/11/2017. Tạp chí ra đời có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Học viện và nâng tầm công tác nghiên cứu, thúc đẩy việc hiện thực hoá Kế hoạch chiến lược của Học viện đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Tạp chí là diễn đàn trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học và liên kết đội ngũ các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Ngày 05 tháng 7 năm 2024, Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã công bố quyết định mới nhất về việc nâng mức tính điểm cho các bài báo khoa học đăng tải trên Tạp chí Nghiên cứu Khoa học của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Theo quyết định này, các bài báo khoa học đăng trên tạp chí sẽ được tính 0,75 điểm nếu thuộc Liên ngành Triết học – Chính trị học – Xã hội học và 0,5 điểm nếu thuộc ngành Kinh tế. Đây là một bước phát triển đáng kể của Tạp chí sau 6 năm hoạt động kể từ khi ra mắt số đầu tiên.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS. Dương Kim Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học HVPNVN, nhấn mạnh: “Tạp chí đã không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và gia tăng uy tín trong cộng đồng khoa học. Từ năm 2018 đến nay, số lượng bài viết gửi về Tạp chí ngày càng tăng. Năm 2024, Tạp chí đã nhận được hơn 90 bài viết, trong đó 46 bài của tác giả ngoài Học viện. Đây là minh chứng cho sự phát triển và sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước.”
Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, như gia tăng điểm đánh giá cho hai ngành liên ngành triết học và kinh tế, phát triển website mới, và đảm bảo xuất bản đúng hạn. Tuy nhiên, Tạp chí vẫn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc thu hút các bài viết chất lượng cao về lĩnh vực Tâm lý và Luật.
Tại tọa đàm, CVCC. ThS. Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện, đã chia sẻ những định hướng quan trọng cho Tạp chí trong thời gian tới. Phó Giám đốc Hà Thị Thanh Vân nhấn mạnh: “Tạp chí không chỉ cần tập trung vào các bài viết có hàm lượng khoa học cao mà còn phải chú trọng đến tính thực tiễn. Những bài viết không chỉ mang tính hàn lâm mà cần có giải pháp thực tế, hữu ích cho cộng đồng. Để mở rộng đối tượng độc giả, Tạp chí cần tạo thêm các mục như Nghiên cứu trao đổi để thu hút những người làm thực tiễn giàu kinh nghiệm, đồng thời tăng cường chia sẻ quan điểm đa chiều liên quan đến các vấn đề về giới và phụ nữ.”
Phó Giám đốc Hà Thị Thanh Vân cũng lưu ý về chất lượng phản biện, đặc biệt với các bài viết về Luật, cần chọn những phản biện có chuyên môn sâu và phù hợp để đảm bảo góc nhìn sắc bén. Thêm vào đó, việc xây dựng danh mục các bài viết xuất bản hàng năm sẽ giúp giảng viên, sinh viên và độc giả dễ dàng tra cứu và tận dụng.
Phiên thảo luận đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc từ các chuyên gia. PGS.TS. Vũ Mạnh Lợi – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đánh giá cao việc Tạp chí có độc giả quốc tế quan tâm, đồng thời đề xuất đổi tên Tạp chí để phản ánh rõ hơn hồn cốt và đặc trưng của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ông cũng khuyến nghị Tạp chí nên khai thác tối đa tính liên ngành và xây dựng các chuyên mục về nghiên cứu thực địa, lý thuyết và trao đổi khoa học.
GS.TS. Nguyễn Tuấn Anh – TBT Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Khoa học xã hội nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội khuyến nghị Tạp chí nên chuẩn hóa các tiêu chuẩn như trích dẫn theo phong cách APA 7 và nâng cao tính nhất quán trong biên tập. Ông cũng gợi ý nên phân chia bài viết theo chủ đề để tạo sự mạch lạc và dễ tiếp cận.
PGS.TS. Từ Thúy Anh – Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế quốc tế và Quản lý nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế báo chí cho Tạp chí, như thu phí đăng bài, bán bản in và bản điện tử. Bà cũng đề xuất đẩy mạnh truyền thông để quảng bá Tạp chí rộng rãi hơn trong cộng đồng nghiên cứu.
Một trong những nội dung trọng tâm của tọa đàm là thảo luận về hướng đi chiến lược của Tạp chí.
GS.TS. Nguyễn Hữu Minh – Chủ tịch Hội Xã hội học Việt Nam đề xuất Tạp chí cần xây dựng diễn đàn trao đổi ý tưởng mới để gợi mở các nghiên cứu tiếp nối, đồng thời giới thiệu tổng mục lục các bài viết để hỗ trợ giảng viên, sinh viên và các nhà nghiên cứu dễ dàng tiếp cận thông tin.
GS.TS. Lê Ngọc Hùng đánh giá cao tính chuyên nghiệp của Tạp chí Khoa học HVPNVN và khuyến nghị cải tiến cấu trúc bài báo rõ ràng, ổn định hơn, đặc biệt ở phần giới thiệu và kết luận đồng thời tăng cường tính kế thừa trong tài liệu tham khảo, tập trung vào các bài viết phù hợp với học viện và chính sách bình đẳng giới, thay vì chạy theo tiêu chí quốc tế như ISI hay Scopus để tránh lãng phí nguồn lực.
Một số đại biểu tham dự khuyến nghị nên phát triển Tạp chí thành một kênh nghiên cứu đặc thù về giới, phục vụ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời mở rộng đối tượng độc giả ra quốc tế. Ngoài ra, các nhà khoa học, đại biểu tham dự trong và ngoài Học viện cũng đóng góp thêm nhiều ý kiến nhằm xây dựng tạp chí ngày càng hoàn thiện và khẳng định được uy tín với những giá trị đặc thù.
Kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS. Dương Kim Anh khẳng định: “Những ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia sẽ được tiếp thu và áp dụng ngay từ các số tiếp theo của Tạp chí. Đây là cơ sở để Tạp chí Khoa học HVPNVN tiếp tục khẳng định vị thế, trở thành diễn đàn học thuật uy tín trong nước và quốc tế.”
Tọa đàm đã mở ra nhiều triển vọng cho Tạp chí, từ việc đổi mới nội dung, cải thiện hình thức đến việc xác định chiến lược dài hạn. Với sự đồng hành của các nhà khoa học, Tạp chí Khoa học Học viện Phụ nữ Việt Nam hứa hẹn sẽ không ngừng vươn xa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng học thuật và thực tiễn.