“Virus corona” là từ khóa được nhiều người tìm kiếm trên mạng nhất thời gian qua, khi mà mức độ lây lan, tầm ảnh hưởng của đại dịch này đã đạt mức toàn cầu. Tính đến 13h30 ngày 3/2, đã có 17.390 người mắc virus corona (2019-nCov), riêng Trung Quốc, quốc gia bùng phát dịch, chiếm 17.205 người. Trong 362 người tử vong, Trung Quốc chiếm 361 trường hợp, Philippines 1 trường hợp. Tổng số bệnh nhân bên ngoài lục địa Trung Quốc là 185, Việt Nam có 8 trường hợp.

Do đó, thông tin về đại dịch này, từ nguyên nhân, triệu chứng bệnh, cách nhận biết, phương pháp điều trị, tới tác động về mặt chính trị kinh tế, đời sống xã hội đã phủ sóng truyền thông trong nước và quốc tế, từ báo giấy, truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội. Tuy nhiên, dịch viêm phổi lần này không chỉ đem đến virus corona gieo rắc nỗi kinh hoàng, mà còn để lại ba điều đáng suy ngẫm.

Sẵn sàng trước biến động

Thứ nhất, các vấn đề an ninh phi truyền thống, điển hình là dịch viêm phổi virus corona, tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt đời sống chính trị xã hội của khu vực và thế giới. Bùng phát ở Trung Quốc, song hệ lụy đến từ dịch viêm phổi virus corona là toàn cầu, tác động tới quan hệ chính trị, hoạt động kinh tế hay đời sống xã hội của tất cả quốc gia, đặc biệt là láng giềng của cường quốc châu Á, trong đó có Việt Nam.

Năm 2019 chứng kiến sự trỗi dậy của các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố toàn cầu, dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc và Việt Nam, cháy rừng tại Indonesia, Brazil, Australia và các thách thức an ninh từ mạng xã hội, mạng 5G… Năm 2020, tần suất của chúng dự kiến sẽ dày hơn, với mức độ nghiêm trọng hơn. Dịch viêm phổi virus corona là chỉ dấu để thế giới sẵn sàng trước những biến động đó.

Cứu người, cứu mình

Thứ hai, đối phó hệ lụy toàn cầu đòi hỏi giải pháp toàn cầu và bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào, dù là cường quốc như Trung Quốc hay Mỹ, không thể tự giải quyết. Sau giai đoạn đầu bỡ ngỡ, nhiều quốc gia khác đã nhanh chóng phối hợp cùng Trung Quốc, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Hơn ai hết, họ hiểu rằng bên cạnh việc “tối lửa tắt đèn có nhau”, giúp đỡ Trung Quốc là cứu lấy chính mình.

“Ngoại giao virus corona” được triển khai mạnh mẽ: Nhật Bản, Đức, Việt Nam, EU, UNICEF… đã tích cực hỗ trợ Trung Quốc dập dịch viêm phổi virus corona. Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã sớm cung cấp hàng cứu trợ cho Trung Quốc trị giá 11,7 triệu USD. Đức đã chuyển 10.000 bộ trang phục bảo hộ y tế tới thành phố Vũ Hán để hỗ trợ lực lượng chức năng nước này trong quá trình triển khai, ứng phó với dịch. Sau nhiều lần bị từ chối, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã được phía Trung Quốc cho phép tham gia đội điều tra quốc tế về dịch tại Vũ Hán. Ngày 31/1, Đảng và Nhà nước Việt Nam quyết định viện trợ bằng hàng hóa vật dụng y tế trị giá khoảng 0,5 triệu USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc.

Có thể thấy, hợp tác song phương và đa phương nhằm chống lại thách thức an ninh phi truyền thống sẽ là lĩnh vực được các nước chú trọng thời gian tới.

Vượt khó trước mắt, ứng phó tương lai

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế Vũ Đức Đam đã chủ trì nhiều cuộc họp khẩn nhằm đánh giá tình hình, vạch rõ phương hướng chống và dập dịch. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Thứ ba, dịch viêm phổi virus corona là bài kiểm tra thực sự với năng lực điều hành, phản ứng nhanh của chính phủ và nền y tế dự phòng của các quốc gia. Đến thời điểm hiện tại, dịch viêm phổi virus corona tại Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ với liên tục nhiều quyết sách.

Kết quả bước đầu trên có được là nhờ: sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng kiêm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế Vũ Đức Đam, sự chủ động vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, các Bộ/ngành địa phương và người dân: các buổi họp khẩn được duy trì thường xuyên ngay khi virus corona được phát hiện nhằm vạch rõ phương hướng chống, dập dịch, trấn an người dân, bình ổn thị trường nhu yếu phẩm cần thiết; kiên quyết xử lý cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình để trục lợi, gây mất ổn định; thực hiện truyền thông tích cực và chủ động đến tận từng người dân…

Sau dịch Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (SARS) năm 2003, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã chủ động nâng cao chất lượng nền y tế dự phòng khi bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ, y bác sỹ thông qua các chương trình liên thông, đào tạo nước ngoài; xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác phòng, chống và dập dịch.

Sự kết hợp của hai yếu tố này lý giải tại sao Việt Nam đã bước đầu kiểm soát được dịch: 3/8 bệnh nhân dương tính với virus đã được điều trị khỏi. Đáng chú ý, 7/8 trường hợp nhiễm virus do di chuyển từ tâm dịch Vũ Hán, chỉ 1 trường nhiễm virus do tiếp xúc với một trường hợp trên tại Việt Nam. Trong 92 trường hợp nghi nhiễm, 65 trường hợp âm tính, 27 trường hợp đang cách ly, theo dõi chặt chẽ.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Dịch viêm phổi virus corona đang vào giai đoạn cao điểm và tất cả quốc gia, trong đó có Việt Nam, cần chủ động nhanh nhạy nắm bắt tình hình để ứng phó kịp thời.

Tận dụng kinh nghiệm, mở rộng hợp tác đa quốc gia, đi kèm với cải thiện năng lực điều hành, đối phó khẩn cấp sẽ là chìa khóa để Việt Nam cùng thế giới chung tay đẩy lùi dịch viêm phổi virus corona nói riêng và thách thức an ninh phi truyền thống nói chung thời gian tới.