Tham dự và nghe báo cáo chuyên đề có Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa, các đồng chí Phó chủ tịch và gần 300 cán bộ đảng viên, quần chúng đến từ các ban đơn vị thuộc cơ quan TW Hội. Báo cáo viên là GS.TS Hoàng Chí Bảo là Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, người đã có nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Được nghe kể những câu chuyện về Bác – người học trò của Lê Nin trong một ngày đặc biệt 22/4 – ngày sinh của Lê Nin, mỗi người đều thấy ngưỡng mộ, thấm thía ý nghĩa từng lời nói, hành động của Bác và lấy đó làm bài học quý giá cho cuộc đời mình.

Với vốn hiểu biết sâu sắc và giọng nói truyền cảm, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã đem đến cho người nghe những câu chuyện thật sự thuyết phục, xúc động và thu hút về thân thế, sự nghiệp cách mạng về văn hóa đạo đức và tấm lòng bao dung, cách ứng nhân xử thế của Bác.  

Cuộc đời vị lãnh tụ kính yêu được GS.TS Hoàng Chí Bảo sắp xếp lần lượt qua từng câu chuyện với sự kết nối logic và xúc động. Từ thuở thiếu thời vất vả, thiệt thòi phải gánh chịu nỗi đau mồ côi mẹ, mất em khi mới 10 tuổi; đến khi trưởng thành một mình bôn ba khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước. Trở về đất nước, nặng gánh non sông, vì sự nghiệp giải phóng nước nhà Bác chẳng có phút giây nào dành cho riêng mình. Với Bác, được lo cho dân cho nước là trách nhiệm, là lẽ sống và là niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Mỗi câu chuyện như tái hiện lại hình ảnh và tầm tư tưởng cao cả của Người ngay cả trong những sinh hoạt đời thường. Cả một đời quên mình vì nhân dân, đất nước, Bác luôn đau đáu nỗi thương dân, yêu và trọng dân trong từng suy nghĩ, hành động, lời nói của mình. Với phong cách quần chúng giản dị, Bác Hồ luôn dạy chúng ta “Dân là gốc”, cái gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm; Cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh.

Thấu hiểu đời sống trăm ngàn cơ cực của nông dân, trăn trở với từng trang luận án Sử học về: “Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương” khi mới tròn 30 tuổi tại xứ người, cùng xắn quần lội ruộng, tát nước tưới mát đồng lúa với nông dân, sự quan tâm của Bác dành cho nông dân, nông nghiệp mãi mãi là bài học mà mỗi chúng ta càng suy ngẫm càng cần nhận thức và thực hiện cho đúng bổn phận làm “người công bộc”, “người đầy tớ” của nhân dân, làm theo tấm gương của Bác để xứng với lòng tin của dân.

Đặc biệt, với trẻ em, phụ nữ Bác luôn dành trọn sự yêu thương, trân trọng. Xuất phát từ tình yêu thương, trân trọng với người Mẹ hiền từ, tảo tần; thương người chị gái quên hạnh phúc riêng tư để lo cho các em, Người cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ nói chung phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, nhất là dưới xã hội của chế độ phong kiến và chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Chính vì vậy, Người đặc biệt chăm lo cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, Người cho rằng làm cách mạng mà không giải phóng phụ nữ thì mới giải phóng một nửa thế giới. Trong các hội nghị, họp hành hoặc có công việc liên quan, Người thường quan tâm đến phụ nữ, cán bộ nữ… đi đến đâu, Người cũng yêu cầu Đảng và Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề tạo cơ hội cho phụ nữ như: giáo dục, chăm lo sức khoẻ, công tác cán bộ nữ, làm thế nào để giúp phụ nữ bình đẳng, phát triển tiến bộ.

Những năm tháng dài tìm đường cứu nước, với hai bàn tay và khối óc, Bác đã tự mình vượt trăm ngàn gian khổ để sống và tiếp cận lý tưởng cách mạng. Người không ngừng tự học hỏi và thông thạo 29 ngoại ngữ (chưa kể một số tiếng dân tộc thiểu số). Bác là một trong những nhà lãnh đạo có thể trực tiếp làm việc với các nguyên thủ quốc gia mà không cần phiên dịch. Bác làm thơ bằng chữ hán với niêm luật thơ Đường hay hơn cả người Trung Hoa. Luôn tâm niệm: “Đường đời là chiếc thang không nấc cuối, học tập là cuốn vở không có trang cuối cùng”, nên ngay cả trên giường bệnh, Bác vẫn đọc và học. Cho đến khi Bác mất, mọi người vẫn còn thấy một cuốn từ điển Tiếng Việt – Tây Ban Nha và cuốn sách Ba lần chiến thắng Nguyên Mông dưới giường của Người. Không ngừng tự học để mở rộng kiến thức và học tập từng kế sách của cha ông để áp dụng vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước- Bác chính tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.

“Miền Nam luôn trong trái tim tôi”, đó là tình cảm da diết, thiêng liêng được Bác thể hiện từ việc trồng quanh nhà sàn những cây dừa, cây vú sữa; đêm đêm lắng nghe tin tức miền Nam từ chiếc đài nhỏ…, ân cần, thương mến đón tiếp các anh hùng, dũng sỹ diệt Mỹ từ miền Nam ra thăm Bác; Tết Mậu thân 1968, tuy Bác đã ốm mệt nhưng Bác vẫn cố luyện giọng để đọc thơ chúc Tết cho đồng bào cả nước, trong đó có đồng bào miền Nam: “Tiến lên, chiến sỹ đồng bào; Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.  Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà” bởi miền Nam đang chịu sự chia cắt, đồng bào miền Nam còn chịu đau thương do chiến tranh xâm lược của bè lũ đế quốc Mỹ và tay sai.  

Ước nguyện cuối cùng đau đáu trong tim Bác là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, để một ngày Bác được thăm lại miền Nam. Nhưng chúng ta không kịp thực hiện mong ước đó của Người.

Trong Di chúc chỉ có 79 từ Bác viết dành bản thân, còn hơn cả ngàn từ Bác đã trăn trở suy tư, viết và sửa đi sửa lại cẩn trọng từng từ là Bác dành muôn vàn tình yêu thương cho mọi tầng lớp nhân dân, từ các cháu thiêu niên nhi đồng đến thanh niên, phụ lão; trong đó Bác cũng dành riêng những tình cảm thân thương cho phụ nữ Việt Nam. Trước lúc sang thế giới của “người hiền”, Bác chỉ muốn nghe những làn điệu dân ca của quê hương đất nước; Bác ra đi nhẹ nhàng bởi “Cuộc đời thanh bạch chẳng vàng son” vẫn chỉ đôi dép lốp, vài tấm áo cũ sờn… nhưng để lại sự tiếc thương vô hạn của nhân dân Việt Nam và thế giới. Cuộc đời của Người là tấm gương vô cùng trong sáng về phong cách quần chúng, lối sống, lối ứng xử vô cùng giản dị, nhân ái, nhân văn của một bậc vĩ nhân – danh nhân văn hoá thế giới.

Qua báo cáo chuyên đề của GS.TS Hoàng Chí Bảo, tấm gương Hồ Chí Minh đã được tái hiện sống động và in đậm trong tâm trí của mỗi người qua từng câu chuyện kể. Cuộc đời Bác dẫu nghe cả trăm ngàn lần qua trăm ngàn câu chuyện trong công việc, trong cuộc sống hay chỉ đơn giản là những ứng xử hàng ngày đều toát lên ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ người Việt chúng ta hiện tại và mãi mãi mai sau.

Hội nghị chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương” không chỉ mang ý nghĩa tuyên truyền giáo dục mà còn mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mỗi chúng ta đều thấy kính yêu hơn vị lãnh tụ dân tộc, thấm thía hơn mỗi bài học đạo đức, tác phong từ Người –  tấm gương để mỗi cá nhân tự soi vào để sửa đổi, để tiến bộ hơn trong công việc, đời sống bởi: “Nhận vào ta phẩm chất của Người; Ngỡ như cả tâm hồn ta đổi khác” – Chế Lan Viên.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Khung cảnh hội nghị

GS.TS. Hoàng Chí Bảo kể chuyện về Bác Hồ

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa tặng hoa và cảm ơn GS.TS. Hoàng Chí Bảo