Đề án 1893 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/12/2018, triển khai trong bối cảnh hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện Nghị quyết 18- NQ/TW, đất nước đổi mới mạnh mẽ về tổ chức bộ máy. Các cấp, ngành đẩy mạnh nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội, thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt cả nước tiếp tục đồng lòng bước vào giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng. Đề án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu cụ thể theo giai đoạn đến năm 2025:
– Đạt 100% mục tiêu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội, kỹ năng chuyên sâu theo vị trí, việc làm, lĩnh vực công tác cho cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện với 108.402 lượt học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp xã và được tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức ngắn ngày đảm bảo 100% mục tiêu Đề án;
6.097 Chủ tịch, Phó Chủ tịch và nguồn Chủ tịch Hội LHPN cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội và cấp chứng chỉ.
595.858 lượt học viên Chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng, tổ phó Phụ nữ được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội đã đạt 100% mục tiêu của Đề án.
1.437 cán bộ tham gia và được cấp chứng chỉ lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, 23.232 lượt cán bộ được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội.
Đổi mới không ngừng – đáp ứng yêu cầu thời đại
Ngay từ những ngày đầu triển khai Đề án 1893, Học viện Phụ nữ Việt Nam – đơn vị đào tạo, bồi dưỡng trực thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam – đã chủ động đi đầu trong việc xây dựng các bộ tài liệu chuẩn hóa cho cán bộ Hội theo từng vị trí việc làm. Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, cán bộ giảng dạy giàu kinh nghiệm và đội ngũ nghiên cứu am hiểu thực tiễn, Học viện đã phát triển 5 chương trình bồi dưỡng theo khung năng lực, bổ sung 10 chuyên đề trọng điểm về quản lý, lãnh đạo, vận động hội viên và ứng dụng công nghệ số trong công tác Hội.
Trước yêu cầu đổi mới của thời đại số và công tác chuyển đổi số quốc gia, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tiên phong tích hợp các nền tảng số trong hoạt động giảng dạy và quản lý học tập. Điểm nhấn đặc biệt là việc xây dựng 80 bài giảng điện tử sinh động, cho phép cán bộ Hội học tập linh hoạt mọi lúc, mọi nơi. Đây là bước chuyển quan trọng từ phương pháp đào tạo truyền thống sang mô hình kết hợp (blended learning), vừa tiết kiệm chi phí, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận kiến thức cho cán bộ ở vùng sâu, vùng xa. Việc đưa vào các lớp học trực tuyến kết hợp bài giảng động, tài liệu điện tử đã giúp cán bộ Hội dù ở những địa bàn xa xôi vẫn có thể tiếp cận nội dung bồi dưỡng một cách thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí. Song song với đó, một bộ công cụ đánh giá chất lượng các khóa bồi dưỡng cũng được phát triển và đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo công tác đào tạo đạt được hiệu quả thực chất và sát với nhu cầu thực tiễn của cán bộ Hội.
Ngoài ra, Học viện còn tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng giảng viên nguồn, trang bị cho đội ngũ giảng viên Hội các tỉnh khả năng chủ động triển khai chương trình, đồng thời cập nhật những xu hướng mới trong truyền thông, vận động và công tác tổ chức Hội trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng.
Hạt nhân triển khai đào tạo trên toàn quốc
Không chỉ dừng lại ở vai trò học thuật, Học viện còn trực tiếp tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng cho cán bộ Hội các cấp, từ trung ương đến cơ sở. Những lớp học được tổ chức tại trụ sở Học viện hoặc kết nối trực tuyến tới các địa phương đã trở thành “trường học thực hành”, nơi cán bộ Hội không chỉ học lý thuyết mà còn trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, xử lý tình huống, thảo luận nhóm và cùng nhau sáng tạo giải pháp.
Trong khuôn khổ Đề án 1893, Học viện đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ trọng tâm: tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý và cập nhật kiến thức hàng năm dành cho cán bộ Hội các cấp, đặc biệt là các lớp tập trung tại Trung ương theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời, Học viện chủ động kết nối với Hội LHPN các tỉnh, phối hợp với hệ thống các trường chính trị địa phương để triển khai các lớp bồi dưỡng tại chỗ, giúp mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả đào tạo tại các vùng miền trên toàn quốc.
Trong giai đoạn 2019–2025, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Học viện đã cùng các cơ sở đào tạo chính trị tại các tỉnh/ thành tổ chức hơn 3.300 lớp bồi dưỡng, với hơn 734.000 lượt cán bộ Hội tham gia. Trong đó, riêng cấp Trung ương đã triển khai 132 lớp dài hạn và 274 lớp cập nhật ngắn ngày với nội dung sâu sát, thiết thực, được hơn 90% học viên đánh giá là sát thực tiễn công tác.Nghiên cứu, khảo sát – nền tảng cho chiến lược dài hạn
Với sứ mệnh là trung tâm quốc gia hàng đầu trong nghiên cứu về phụ nữ, giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều cuộc khảo sát chuyên sâu, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ Hội, từ đó kiến tạo nền tảng khoa học cho việc điều chỉnh nội dung, phương pháp và chiến lược bồi dưỡng. Các khảo sát tập trung vào việc nhận diện những hạn chế trong quy hoạch cán bộ nữ, thách thức trong triển khai công tác Hội ở vùng sâu, vùng xa, khu vực có đông phụ nữ dân tộc thiểu số và cán bộ Hội kiêm nhiệm.
Bên cạnh khảo sát thực tế, Học viện còn chủ trì và phối hợp tổ chức hàng loạt hội thảo, tọa đàm khoa học có ý nghĩa định hướng chiến lược dài hạn cho hoạt động Hội và công tác phụ nữ trong thời kỳ mới, tiêu biểu như: Hội thảo “40 năm đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam”, nhìn lại chặng đường chuyển mình của tổ chức Hội trong bối cảnh phát triển đất nước, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và khuyến nghị đổi mới sâu sắc, bền vững hơn; Tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực nữ trong thời đại mới”, nơi các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giáo dục, đại diện các ngành và địa phương cùng chia sẻ các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ vươn lên làm chủ tri thức, công nghệ và vị trí lãnh đạo; Hội thảo “Cơ hội và thách thức trong công tác phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022–2027”, tập trung phân tích tác động của bối cảnh mới đến công tác Hội, đồng thời đề xuất các mô hình hoạt động hiệu quả, sáng tạo, có khả năng thích ứng linh hoạt với xu thế chuyển đổi số và hội nhập quốc tế…
Các hoạt động nghiên cứu, hội thảo và tọa đàm này không chỉ góp phần xây dựng cơ sở lý luận cho các chương trình đào tạo, mà còn là kênh kết nối tri thức đa ngành, tạo tiếng nói phản biện chính sách và góp phần nâng cao vị thế của Hội LHPN Việt Nam trong hệ thống chính trị – xã hội quốc gia. Quan trọng hơn, đó là minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc kết hợp giữa đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đội ngũ cán bộ Hội trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Ghi nhận những đóng góp của Học viện Phụ nữ Việt Nam và cac trong quá trình thực hiện thành công đề án 1893, tại Hội nghị tổng kết Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 15/5/2025, đồng chí Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện và đồng chí Trương Thu Trà – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ đã vinh dự được tặng bằng khen cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án.
Từ trái qua: đồng chí Hà Thị Thanh Vân, đồng chí Trương Thu Trà nhận bằng khen do có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án
Hành trang bước vào tương lai
Đề án 1893 là một chương trình mang tính chiến lược, nhưng sự thành công của nó được hiện thực hóa nhờ sự vào cuộc tích cực, chuyên nghiệp và sáng tạo của các đơn vị như Học viện Phụ nữ Việt Nam. Với triết lý đào tạo “lấy người học làm trung tâm”, kết hợp nền tảng học thuật vững chắc và đổi mới công nghệ, Học viện đã tạo nên một hệ sinh thái bồi dưỡng mở, đa dạng và linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng cán bộ Hội trên cả nước.
Hơn cả những con số thống kê ấn tượng, thành công lớn nhất mà Học viện cùng Đề án 1893 đạt được là đã góp phần hình thành một đội ngũ cán bộ Hội bản lĩnh, tri thức, hiện đại – những người phụ nữ sẵn sàng dẫn dắt phong trào, truyền cảm hứng, thúc đẩy bình đẳng giới và khẳng định vai trò của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới.