Hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên từ các viện, các trường Đại học, Cao đẳng trong việc đánh giá chương trình theo các chuẩn và phát triển mô hình Đại học.

Hội thảo được tổ chức xoay quanh hai chủ đề chính:

Chủ đề 1: Đánh giá chương trình theo các chuẩn so sánh với đánh giá chương trình theo chuẩn của Việt Nam.

Chủ đề 2: Xây dựng mô hình Đại học chia sẻ.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và nhiều bài tham luận đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật. Các đại biểu đã chia sẻ tham luận xoay quanh những vấn đề trọng tâm như: MOOC – Xu hướng phát triển và Ứng dụng trong Giáo dục Đại học; Kinh nghiệm phát triển MOOCs tại một số trường đại học; Thực trạng đánh giá chương trình theo chuẩn của Việt Nam; Các định hướng đóng góp xây dựng, phát triển mô hình Đại học chia sẻ, từ đó tăng cường chất lượng và môi trường giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

Ngoài việc chia sẻ tại hội thảo về nội dung: “Thực trạng đánh giá chương trình đào tạo theo các chuẩn của Việt Nam – Giải pháp bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo” với nguồn dữ liệu chi tiết về thực trạng đánh giá và các giải pháp đề xuất cải thiện theo yêu cầu, ThS. Tạ Văn Thành – Phó Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng, Học viện Phụ nữ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến mô hình Đại học chia sẻ.  ThS. Tạ Văn Thành cho rằng: Mô hình đại học chia sẻ là một xu hướng tất yếu trên nền tảng công nghệ phát triển như vũ bão thời đại 4.0. Đại học chia sẻ là điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng chung nguồn học liệu, nội dung đào tạo, hạ tầng công nghệ, thậm chí cả nguồn nhân sự tham gia giảng dạy.

Minh chứng rõ nét cho mô hình này chính là bản ký kết công nhận tín chỉ và chia sẻ nguồn lực giữa Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM với hai trường Đại học Kinh tế TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được ký vào tháng 12/2018.

Xu hướng trong tương lai, trên cơ sở sử dụng chung nguồn tài nguyên theo mô hình đại học chia sẻ, thay vì dừng lại ở mức công nhận tương đương, các cở sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể thí điểm mô hình thi – kiểm tra – đánh giá – công nhận năng lực của người học mà không quá chú trọng đến việc người học có tham gia vào quá trình đào tạo. Lúc đó, nhà trường trở thành môi trường hỗ trợ người học đạt chuẩn nhanh hơn, hiệu quả hơn cùng với các kỳ sát hạch công nhận năng lực thay vì cố hữu mô hình trường học truyền thống: cung cấp tri thức – sát hạch – công nhận tốt nghiệp. Xu hướng này, trên thực tế đã triển khai rất hiệu quả như mô hình sát hạch hay công nhận năng lực của các tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ThS. Tạ Văn Thành chia sẻ.

Học viện Phụ nữ Việt Nam là cơ sở giáo dục đại học công lập với triết lý Giáo dục Toàn diện, Chất lượng và Bình đẳng. Sau 10 năm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam hiện đang đào tạo 10 ngành đại học, 3 ngành thạc sĩ và 2 ngành Tiến sĩ.

Xác định tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng giáo dục, trong nhiều năm, Học viện nghiêm túc thực hiện quy định, quy trình đánh giá chất lượng. Năm 2020, Học viện Phụ nữ Việt Nam được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục (CSGD) của Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đây là bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục (CSGD) của Việt Nam theo hướng tiếp cận Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA – tương thích với bộ tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu – đã được các nước ASEAN chấp nhận để sử dụng thống nhất trong Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).

Tháng 11/2023, 3 ngành Công tác xã hội, Quản trị kinh doanh và Luật được nhận Quyết định về việc đạt tiêu chuẩn chất lượng chương trình đào tạo và Giấy kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học.