Hội thảo có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam; PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; PGS.TS. Dương Kim Anh- Phó GĐ Học viện; Bà Hà Thị Oanh – Phó Trưởng Ban Dân tộc – Tôn giáo TW Hội LHPN Việt Nam; Bà Trần Thị Kim Loan – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng hơn 100 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo, quản lý, đầu mối chuyên trách Dự án 8 – Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Sở LĐTB&XH, Ban dân tộc của 13 tỉnh thành tại khu vực miền Trung- Tây Nguyên, đại diện các cán bộ quản lý, chuyên trách Dự án 8 tại Huế, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng cùng sự tham gia của quý đại biểu quan tâm tới chủ đề hội thảo.   

Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và đại diện các tổ chức xã hội cùng trao đổi, đánh giá tình hình thực tế, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những giải pháp thiết thực.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: Sau gần 3 năm triển khai, Dự án đã đạt được nhiều kết quả nổi bật[1]. Báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của TW Hội LHPN Việt Nam đã khẳng định nhiều chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra cho giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như hạn chế trong tiếp cận giáo dục, y tế, việc làm và các dịch vụ công cộng. Hội thảo lần này hướng đến việc xác định rõ các vấn đề cấp thiết và đưa ra giải pháp hiệu quả cho giai đoạn tiếp theo, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em tại các vùng khó khăn này.

Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS.Trần Quang Tiến chia sẻ: Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 70 bài viết, trải qua quá trình chọn lọc và phản biện độc lập, Ban tổ chức đã chọn lựa được 39 bài viết học thuật và bài viết thực tiễn chia sẻ kinh nghiệm để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Qua đó các bài viết toàn văn đã phát hiện những vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên tại nhiều lĩnh vực như kinh tế, xóa đói giảm nghèo, y tế sức khoẻ, hôn nhân gia đình, giáo dục văn hoá, kinh tế, phụ nữ tham gia lãnh đạo quản lý. Một số các vấn đề cấp thiết được kết luận như các hủ tục, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, trẻ em bỏ học sớm, bạo lực và định kiến giới đối với phụ nữ và trẻ em, chất lượng cuộc sống, tiếp cận chuyển đổi số. Hội thảo được tổ chức nhằm xác định rõ hơn những vấn đề cấp thiết vẫn còn tồn tại, là rào cản cho sự phát triển của phụ nữ và trẻ em; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp can thiệp hiệu quả của Dự án 8 trong thời gian còn lại để phấn đấu thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 1; đồng thời, tiếp tục rà soát, xác định các vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần được giải quyết trong thời gian tới để đề xuất cho giai đoạn tiếp theo (2026-2030), góp phần thúc đẩy hơn nữa vấn đề bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại phiên 1 của hội thảo với chủ đề: Kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên giai đoạn 2022-2024, bài học kinh nghiệm và khuyến nghị, đề xuất, các đại biểu tập trung vào việc đánh giá kết quả triển khai Dự án 8 tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên từ năm 2022 đến 2024. Đây là giai đoạn đầu tiên của dự án với nhiều hoạt động trọng điểm nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, sinh kế và quyền lợi xã hội.

Ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng Ban Dân tộc Tỉnh Thừa Thiên Huế, đã trình bày tổng quan về Chương trình Mục tiêu Quốc gia và kết quả thực hiện giai đoạn 2021-2025. Bài trình bày của ông nhấn mạnh vào các thành tựu đã đạt được như cải thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng các mô hình sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và tăng cường giáo dục giới tính cho trẻ em gái tại các vùng sâu, vùng xa.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Trị, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tiếp cận, vận động và hỗ trợ thay đổi nếp nghĩ của phụ nữ dân tộc thiểu số. Bà nhấn mạnh rằng, để thực sự thay đổi cuộc sống của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, cần có sự kết hợp giữa hỗ trợ tài chính, đào tạo kỹ năng sống và phát triển sinh kế bền vững. Mô hình nhóm sinh kế với sự tham gia tích cực của phụ nữ đã mang lại kết quả tích cực, giúp chị em tăng thu nhập và tự tin hơn trong cuộc sống.

Bà Lê Thị Nguyệt, Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An chia sẻ về những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em trong các hộ nghèo, cận nghèo tại các huyện miền núi. Trẻ em tại các khu vực này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu dinh dưỡng, điều kiện học tập kém, và thiếu cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi, giáo dục phát triển toàn diện. Bà đề xuất cần có những chương trình đặc biệt nhằm cải thiện chất lượng giáo dục và dinh dưỡng cho trẻ em vùng khó khăn.

Phiên 1 đã thu thập nhiều lượt ý kiến từ các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo, quản lý đến từ các cơ quan,  trường đại học, viện nghiên cứu. Kết quả thảo luận cho thấy Dự án 8 đã mang lại những thay đổi tích cực trong đời sống phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số, tuy nhiên cần bổ sung các nội dung, phương pháp, công cụ, hướng dẫn, cập nhật chính sách, nâng cao năng lực quản lý, vận hành, giải ngân hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động Dự án 8.

Tại phiên 2 với chủ đề: Những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi khu vực miền Trung – Tây Nguyên, các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số miền núi khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đề xuất giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. NCS. Nguyễn Hoàng Anh và TS. Phan Thị Thu Hà từ Học viện Phụ nữ Việt Nam đã trình bày kết quả khảo sát về những vấn đề nổi cộm tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt là việc thiếu tiếp cận với các dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng cao.

PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh, Đại học Khoa học Huế, đã đưa ra những vấn đề đặt ra với phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số Trung Trung Bộ hiện nay, nhấn mạnh vào sự cần thiết của việc cải thiện hạ tầng và nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Bà Bế Thị Hồng Vân, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc, Uỷ ban Dân tộc đã trình bày về những cơ hội và thách thức trong việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Bà Vân khẳng định rằng, phụ nữ dân tộc thiểu số có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực kinh tế như sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, và du lịch cộng đồng, nhưng lại thiếu sự hỗ trợ cần thiết về tài chính và kỹ thuật.

PGS.TS. Vũ Hùng Cường – Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao đổi về vấn đề: Phát triển kinh tế dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi khu vực miền Trung – Tây Nguyên: ngành kinh tế mũi nhọn tiềm năng. Từ đó mở ra những cơ hội phát triển kinh tế, mở rộng cơ hội việc làm tại khu vực này.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê – Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ về nội dung: Nâng cao năng lực số cho cán bộ nữ: Nghiên cứu trường hợp một số tỉnh Tây Nguyên và miền Trung Việt Nam.

Sau khi nghe tham luận từ các chuyên gia, các đại biểu đã chia nhóm để trao đổi, chia sẻ thêm về kết quả triển khai dự án cùng những đặc điểm thực tế tại từng địa phương và rút ra những nội dung cần tiếp tục tập trung giải quyết: tỷ lệ phụ nữ, trẻ em mù chữ, bị bạo lực gia đình còn cao; nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết dù không là vấn đề mới nhưng vẫn tồn tại, gây những hệ lụy không tốt cho thế hệ sau; cũng như vẫn còn tồn tại 1 số hủ tục, lệ làng trong ma chay, phòng, chữa bệnh, thách cưới, tục cướp vợ, hay như tỷ lệ sinh con tại nhà còn cao… Lực lượng lao động nữ khu vực này trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu công việc, đa phần lao động phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện các công việc dễ tổn thương, thu nhập không ổn định. Đội ngũ cán bộ nữ, lãnh đạo nữ là người dân tộc thiểu số còn mỏng, năng lực số của cán bộ nữ khu vực công còn chưa đáp ứng yêu cầu của bối cảnh chuyển đổi số.

Hội thảo cũng thống nhất các nội dung cần tiếp tục triển khai và mở rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững, tập trung vào việc nâng cao năng lực số cho phụ nữ và xây dựng các chương trình giáo dục chuyên biệt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện một cách linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo khoa học quốc gia: “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo” đã cung cấp cái nhìn toàn diện về các vấn đề xã hội cấp thiết và mở ra những hướng đi mới để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số góp phần đẩy mạnh sự phát triển bình đẳng, toàn diện của cộng đồng xã hội.

[1] Tính đến ngày 10/05/2024, Dự án đã xây dựng và duy trì 8.624/9000 tổ truyền thông cộng đồng, thu hút 368.302 thành viên là nam giới, nữ giới những người có uy tín tại cộng đồng tham gia làm tuyên truyền viên; 1.809/1000 Địa chỉ tin cậy hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đồng thời tư vấn cho khoảng 49.339 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn DTTS & MN về các vấn đề, kỹ năng phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; 1.556/1800 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, với sự tham gia của 113.610 trẻ em từ 10 – 16 tuổi; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thực hiện lồng ghép giới với 271/480 cuộc cho 13.179 cán bộ cấp huyện, 750/1600 cuộc tập huấn cho 41.614 trưởng thôn/bản, người có uy tín tại cộng đồng.