Ngay sau khi nhận Quyết định số 1558/QĐ-TTg của Thủ tưởng Chính phủ về việc thành lập Học viện Phụ nữ Việt Nam trên cơ sở nâng cấp Trường Cán bộ Phụ nữ TW, Học viện đã nhanh chóng rà soát, bổ sung đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu của hai ngành đào tạo trình độ đại học để phục vụ cho công tác thẩm định của các cấp.
Được Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ định, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Lao động – Xã hội là hai Trường đại học có trách nhiệm thẩm định Đề án xin mở hai mã ngành của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Việc thẩm định, kiểm tra thực tế hồ sơ gồm các hợp đồng tuyển dụng, văn bằng chứng chỉ, danh sách cán bộ, viên chức theo bảng lương, danh sách đóng bảo hiểm y tế, kiểm tra quy hoạch thiết kế, xây dựng, hệ thống trang thiết bị và điều kiện vật chất khác của Nhà trường, đoàn kiểm tra đã xác nhận và kết luận: các số liệu chứng minh đúng theo hồ sơ, đảm bảo số lượng và đạt chất lượng tốt, các điều kiện về đội ngũ cán bộ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy hiện đại, đạt chuẩn, thư viện, giáo trình đào tạo, các công trình phụ trợ phục vụ tốt cho việc đào tạo đã được Sở Giáo dục Đào tạo Thành phố Hà Nội và sau đó là Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Đại học Lao động Xã hội thẩm định một cách nghiêm túc, đảm bảo chất lượng đào tạo sau này của Học viện. Các đoàn kiểm tra đã có tờ trình lên Bộ Giáo dục Đào tạo xem xét và sớm có quyết định để Học viện Phụ nữ Việt Nam được phép mở hai mã ngành đào tạo đại học về Quản trị Kinh doanh và Công tác Xã hội từ năm 2013.
Phó GĐ Học Viện Trần Quang Tiến trình bày Đề án mở mã ngành QTKD và CTXH tại buổi Thẩm định của Sở GDĐT Tp Hà Nội
Việc thẩm định đã được tiến hành đúng thủ tục pháp lý, hồ sơ đề xuất mở hai mã ngành của Học viện Phụ nữ Việt Nam đến nay đã được gửi lên Bộ Giáo dục Đào tạo thẩm định khâu cuối cùng.
Phó GĐ Sở GDĐT Tp Hà Nội Phạm Văn Đại phát biểu kết luận của đoàn Thẩm định
Mặc dù mới thành lập, nhưng Học viện Phụ nữ Việt Nam đã mạnh dạn khẳng định hướng đi đúng đắn của mình trong xu thế lấy chất lượng đào tạo làm khâu then chốt và mở rộng hợp tác đào tạo trong nước cũng như hội nhập quốc tế.