Trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo, Gs, Ts. Grace Javier Alfonso – Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu phụ nữ Châu Á nhấn mạnh rằng, thông qua Dự án KACP, Hiệp hội cam kết hướng tới giải quyết một trong những vấn đề ưu tiên trong lộ trình gia nhập Cộng đồng chung ASEAN năm 2015 là giảm khoảng cách phát triển giữa phụ nữ và nam giới trong khu vực.
Hội thảo KACP 2014 đã diễn ra tại Đại học Sains Malaysia, Thành phố Penang, Malaysia từ 29-31/10/2014. Hội thảo do Hiệp hội Nghiên cứu Phụ nữ Châu Á (AAWS), Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ Châu Á (ACWS) và Đại học Sains Malaysia (University Sains Malaysia – USM) phối hợp tổ chức.
Hội thảo KACP 2014 đặc biệt hướng tới đối tượng là các học giả trẻ (young scholars) trong lĩnh vực phụ nữ học thuộc 10 nước ASEAN (Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philipines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam). Có 22 học giả trẻ được lựa chọn từ hơn 140 ứng cử viên trong khu vực. Các ứng cử viên được lựa chọn phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Dự án về tiếng Anh, kinh nghiệm nghiên cứu, viết học thuật và khả năng lập luận. Phần lớn các học giả trẻ đến từ các trường Đại học, Viện Nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế. Chủ đề chính của Hội thảo là Tìm hiểu cuộc sống thực tế của phụ nữ ASEAN và Hàn Quốc thông qua các nghiên cứu về phụ nữ. Tại Hội thảo, các giáo sư và học giả có kinh nghiệm đề cao sự cố gắng của các học giả trẻ và nhấn mạnh rằng các học giả trẻ hôm nay đóng vai trò quan trọng trong việc học tập, nghiên cứu các vấn đề liên quan đến phụ nữ Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung trong tương lại; họ xứng đáng là tài sản trí tuệ quý giá của cộng đồng ASEAN, đặc biệt là trong quá trình toàn cầu hóa.
2. Nội dung hoạt động chính của Hội thảo
Các hoạt động của Hội thảo được phân bổ trong 3 ngày chính của Hội thảo, mỗi ngày 3 buổi bao gồm các buổi trao đổi, thảo luận, hỏi đáp và giao lưu mạng lưới học tập nghiên cứu, giao lưu văn hóa vào các buổi tối.
Ngày thứ nhất của Hội thảo
Trong ngày Hội thảo thứ nhất các học giả trẻ thuộc 10 quốc gia ASEAN và Hàn Quốc trình bày các tham luận, các nghiên cứu của mình. Các tham luận được trình bày và thảo luận theo 3 chủ đề chính:
– Giáo dục đào tạo và nâng cao quyền năng phụ nữ;
– Nghiên cứu về phụ nữ và các vấn đề đạo đức nghiên cứu;
– Hoạt động hỗ trợ phụ nữ và công tác học thuật.
Tham luận của các học giả trẻ được các giáo sư, học giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu phụ nữ và giới của các nước Châu Á thảo luận và góp ý tích cực. Mối quan tâm của các học giả trẻ rất đa dạng, từ vấn đề giáo dục, công nghệ thông tin, an toàn thực phẩm đối với phụ nữ, phụ nữ làm nghiên cứu sinh, vấn đề buôn bán người, quấy rối tình dục đến các vấn đề bảo vệ trẻ em, vấn đề sức khỏe sinh sản, v.v.
Ngày thứ hai của Hội thảo
Ngày Hội thảo thứ hai tập trung vào phần trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các giáo sư, học giả đi trước (senior scholars) của ASEAN và Hàn Quốc, xoay quanh 3 chủ đề chính, bao gồm:
– Phương pháp và đạo đức nghiên cứu trong nghiên cứu phụ nữ;
– Giảng dạy phụ nữ học, lý thuyết và thực tiễn;
– Vấn đề lãnh đạo trong nghiên cứu phụ nữ.
Tham gia chia sẻ kinh nghiệm có các học giả giàu kinh nghiệm, các giáo sư nổi tiếng của Châu Á như Gs, Ts. Sylvia Estrada Claudio, ĐH Philippines; Gs, Ts. Rashidah Shuib, ĐH Sains Malaysia; Gs, Ts. Chang Pilwha, ĐH phụ nữ Ewha, Hàn Quốc; Gs, Ts. Siti Hawa Ali, ĐH Sains Malaysia, v.v.
Đây là cơ hội quý giá để các học giả trẻ tăng cường cơ hội phát triển mạnh lưới nghiên cứu, chia sẻ, lắng nghe và trao đổi trực tiếp với các giáo sư, học giả nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu phụ nữ và giới, đồng thời chia sẻ các khó khăn trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy trên thực tế.
Ngày thứ ba của Hội thảo
Trong ngày thứ ba của Hội thảo, các học giả trẻ được đến thăm Làng Mengkuang Titi Homestay. Mengkuang Titi là một trong những làng quê du lịch, thuộc Chương trình Homestay của TP Penang. Hiện Mengkuang Titi có dân số hơn 800 người. Mengkuang – trong tiếng Malaysia có nghĩa là cây dứa dại, một loại cây có lá răng cưa, dùng để dệt thảm. Tại làng Mengkuang Titi, các học giả trẻ có cơ hội được tìm hiểu về sinh kế của phụ nữ và nam giới, liên quan việc trồng và lấy nhựa cao su, trồng và khai thác dầu cọ, dừa, làm các loại bánh truyền thống như kuih bahulu – loại bánh xốp mịn có hương vị đặc biệt, thịt xiên nướng chấm nước sốt đậu phộng cay, cách chơi các trò chơi dân gian, và cách nuôi, lấy mật ong. Vào những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 thời tiết ở Penang khá oi bức, tuy nhiên các thành viên của Hội thảo thực sự ấn tượng với sự hiểu khách của người dân làng Mangkuang Titi, sự thật thà, chất phác, duyên dáng và hiếu khách của người dân nơi đây, đặc biệt là vẻ duyên dáng tần tảo, khéo léo của phụ nữ và trẻ em Malaysia trong các điệu múa truyền thống.
Đoàn học giả trẻ ASEAN thăm làng Mengkuang Titi ở Penang, Malaysia
Buổi chiều ngày thứ ba của Hội thảo, các học giả trẻ được tới thăm Tổ chức phi chính phủ có tên là Trung tâm thúc đẩy sự thay đổi đối với phụ nữ (Women’s Centre for Change – WCC). WCC là tổ chức phi chính phủ thành công ở TP Penang, Malaysia. Phát biểu tại buổi làm việc, bà Loh Cheng Kooi – Giám đốc điều hành của WCC cho biết mục tiêu hoạt động chính của WCC là loại trừ bạo lực đối với phụ nữ, tăng quyền cho phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới và công bằng xã hội. Thành lập từ năm 1985 (tiền thân là Trung tâm hỗ trợ phụ nữ gặp khủng hoảng – Women’s Crisis Centre), với 30 năm kinh nghiệm, cho đến này WCC đã thực hiện thành công nhiều chương trình, hoạt động có nhạy cảm giới liên quan đến các vấn đề bạo lực gia đình, hiếp dâm, quấy rối tình dục, lạm dụng tình dục, hôn nhân gia đình, và ly hôn, v.v. Tại buổi làm việc với WCC, các học giả trẻ được nghe chia sẻ về các hoạt động, chương trình của WCC trong đó có các hoạt động nghiên cứu. Các học giả trẻ đều nhận thấy ở lãnh đạo và nhân viên của WCC niềm say mê với công việc, tự tin và quyết tâm vì sự tiến bộ của phụ nữ trong cộng đồng. Được biết, WCC có mối quan hệ hợp tác tốt và được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền Penang cũng như các đơn vị liên quan như bệnh viện, cảnh sát và các tổ chức chính phủ, phi chính phủ khác.
3. Đóng góp của cán bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam tại Hội thảo
Là một nghiên cứu viên, giảng viên Học viện Phụ nữ Việt Nam, tôi tự hào được đề xuất và được lựa chọn là một trong 22 học giả trẻ của các quốc gia ASEAN và Hàn Quốc trình bày và tích cực thảo luận tại Hội thảo. Tôi cũng đã được công nhận là thành viên của Hiệp hội Nghiên cứu phụ nữ Châu Á.
Tham luận của tôi về Những thách thức về vấn đề đạo đức trong nghiên cứu về buôn bán người chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu ở nước phát triển (New Zealand) trong khi thu thập số liệu và nghiên cứu về Việt Nam. Tham luận của tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề tuân thủ đạo đức nghiên cứu, cho rằng vấn đề đạo đức nghiên cứu chưa được quan tâm đúng mực tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, và đưa ra các chuẩn mực nghiên cứu cần thiết cho nghiên cứu về con người nói chung và nghiên cứu về buôn bán người nói riêng. Tham luận của tôi cũng khẳng định rằng vấn đề đạo đức nghiên cứu cần được xem xét và thực hiện linh hoạt, phù hợp với bối cảnh văn hóa, kinh tế, chính trị-xã hội của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó, ngoài việc bảo vệ sự an toàn, an ninh và bảo mật cho người tham gia cung cấp thông tin, cần phải quan tâm đến chính bản thân người thực hiện nghiên cứu.
Tham luận của cán bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam được các học giả trẻ cũng như các giáo sư, học giả có kinh nghiệm của ASEAN tại Hội thảo đánh giá cao vì đã nhấn mạnh vào vấn đề hết sức cần thiết nhưng còn thiếu hụt trong lĩnh vực học thuật ở các quốc gia Đông Nam Á đó là vấn đề đạo đức nghiên cứu.
Cán bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam tích cực trình bày, thảo luận tại Hội thảo
Ngoài việc trình bày tham luận, tôi cũng đã tích cực đưa ra câu hỏi thảo luận trong các phần trình bày khác, trong các buổi làm việc tại cộng đồng và tham quan tổ chức phi chính phủ WCC. Các phần trình bày, thảo luận đều được đánh giá là có chất lượng và thể hiện tiềm năng nghiên cứu, giảng dạy các vấn đề liên quan đến phụ nữ và con người. Qua Hội thảo tôi cũng mở rộng được mối quan hệ mạng lưới với các giáo sư, học giả có kinh nghiệm, bạn bè thuộc các Viện nghiên cứu, các trường Đại học của ASEAN tham gia Hội thảo.
Hội thảo KACP 2014 đã để lại trong tôi và bạn bè ASEAN nhiều ấn tượng tốt đẹp. Hơn bao giờ hết tôi thêm yêu công việc nghiên cứu, giảng dạy của mình và sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn, đóng góp được nhiều hơn cho Học viện Phụ nữ và Hiệp hội Nghiên cứu phụ nữ Châu Á thông qua các bài viết, các nghiên cứu, các ý kiến trao đổi cho các diễn đàn và các hội thảo liên quan.