Khóa học được nhà tài trợ Dự án Phát triển mạng lưới TCVM khu vực Đông Dương và Myanmar phối hợp với Trung tâm đào tạo Tài chính vi mô, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Giảng viên của khóa học là chuyên gia đến từ Đức ông Ferdinand Feldgen và chuyên gia từ tổ chức CARD, Philippines, bà Cecille Uy.

Tham gia khóa học là 20 cán bộ giảng viên, trong đó có 15 học viên là cán bộ trụ sở chính và các trưởng chi nhánh/phòng giao dịch thuộc Quỹ TYM và 04 học viên đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam là những giảng viên sẽ giảng chủ đề này cho sinh viên học viện và doanh nhân.

Đối tượng cuối cùng của trò chơi này là những người phụ nữ làm kinh doanh (khách hàng của tổ chức Tài chính vi mô); nữ doanh nhân và sinh viên đang có hoạt động kinh doanh/có mong muốn khởi sự kinh doanh.

Trò chơi kinh doanh nhỏ là một hình thức mô phỏng hoạt động kinh doanh một cửa hàng nước trái cây tại một đất nước được gọi là Culiar, với đồng tiền cùng tên. Trò chơi có 4 vòng tương ứng với 4 năm hoạt động kinh doanh.

Người học sẽ được cung cấp thông tin về các tình huống giả định về các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh nước trái cây này qua các thẻ Sự kiện, trong đó có các phương án lựa chọn khác nhau. Từng đội chơi sẽ bàn bạc để đưa ra quyết định lựa chọn phương án phù hợp. Tiếp theo các đội chơi được phát thẻ Kết quả để biết được quyết định của mình dẫn đến kết quả như thế nào.

Căn cứ vào sự lựa chọn, cùng với dự báo doanh số bán hàng trước đó, trên cơ sở  hướng dẫn của giảng viên, các đội chơi tính toán chi phí, doanh thu và lập báo cáo tài chính cho hoạt động kinh doanh của mình.

 

Qua trò chơi này người chơi rút ra được các kiến thức, kỹ năng để ứng dụng vào hoạt động kinh doanh thực tế của mình.

Học viên Phạm Hồng Hải, Phó Khoa Quản trị kinh doanh cho biết: Đây là lần thứ 2 tôi tham gia khóa tập huấn về trò chơi kinh doanh. Lần đầu năm 2016, khóa học diễn ra 2 ngày chúng tôi chỉ chơi, trao đổi và phản hồi nội dung trò chơi. Lần này không chỉ được chơi, chúng tôi còn được giảng, giảng về trò chơi,  giảng về kinh doanh. Với tôi khoá học này đã mang đến cho tôi cơ hội trau dồi thêm kỹ năng giảng dạy về kinh doanh, quản lý kinh doanh. Cám ơn những người bạn Đức, Philippines đã mang đến cho chúng tôi cơ hội trải nghiệm tuyệt vời này. Thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức những khóa học tương tự cho sinh viên, hội viên phụ nữ và những người mới khởi sự kinh doanh. 

Học viên Vũ Khánh Chi, Trung tâm Đào tạo và nâng cao năng lực Phụ nữ – CetCaw, Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định: Khóa học bổ ích đã đem lại cảm giác phấn khích, hào hứng cho người học thông qua chơi trò chơi mô phỏng; Trò chơi kinh doanh tưởng chừng rất đơn giản, nhưng luôn tiềm ẩn những bất ngờ, dù trò chơi có tới 4 vòng, nhưng vòng nào chúng tôi cũng vẫn gặp vướng mắc hoặc tính toán sai. Và thông qua khóa học, tôi cũng như nhiều học viên trong lớp, rút ra được một số điều quan trọng, cần thiết khi chuẩn bị khởi nghiệp kinh doanh đó là: Phải có DỰ BÁO trong kinh doanh. Dự báo càng chi tiết và sát với điều kiện của doanh nghiệp và thị trường thì khả năng thành công càng cao. Bên cạnh đó, việc ghi chép lại doanh thu, chi phí và lập các báo cáo tài chính (mà người kinh doanh nhỏ hay bỏ qua) sẽ giúp tính toán được kết quả kinh doanh cũng như xác định việc sử dụng tiền trong hóa đơn kinh doanh của mình đã hiệu quả chưa.

Học viên Hồ Xuân Hậu, cán bộ Quỹ TYM, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tôi cảm thấy rất hào hứng, phấn khởi khi được tham gia khóa đào tạo huấn luyện viên về Trò chơi kinh doanh nhỏ này. Thông thường các khóa tập huấn của Trung tâm Đòa tạo Tài chính vi mô, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức người học đều được tiếp cận phương pháp giảng dạy tích cực, tập trung vào người học nhưng ở khóa học này, tính tích cực còn được nâng cao hơn, thực sự mỗi học viên đều được làm chủ các hoạt động của mình. Thông qua việc hướng dẫn thực hành trò chơi kinh doanh, giảng viên ��ã giúp chúng tôi trở thành những doanh nhân thực sự. Tôi đặc biệt ấn tượng với phần tự xây dựng tình huống trong việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh. Bản thân tôi đã thực sự đặt mình ở vị trí của một doanh nhân đang tìm hiểu, tranh luận nhằm lựa chọn những gì tốt nhất cho doanh nghiệp của mình. Tôi thấy khóa học rất bổ ích và sẽ thu thập kiến thức, kinh nghiệm để chia sẻ cho mọi người tại cơ quan.

Học viên Nguyễn Thị Thu, Văn phòng trung ương của Quỹ hỗ trợ Phụ nữ nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cảm nhận: Là học viên của khóa học, tôi thấy mình may mắn khi được tiếp cận các phương pháp giảng dạy đa dạng, thiết thực. Khóa học giúp chúng tôi rèn luyện tư duy phân tích, logic – điều mà hầu hết các chị em phụ nữ nông thôn hầu như chưa hình thành đc. Với phương pháp vừa học vừa chơi, các hoạt động gắn liền với hoạt động kinh doanh thực tiễn của chị em, sẽ là cơ hội để chị em quản lý hoạt động kinh doanh của gia đình, lập kế hoạch kinh doanh của gia đình trong tương lai bên cạnh việc quản lý thu-chi hàng ngày. Ý nghĩa nhân văn hơn cả, khi các chị em – những người mẹ người vợ hình thành cho bản thân tư duy tốt, biết tích lũy và dần ảnh hưởng tư duy này đến con cái.

Khóa học tuy kéo dài 6 ngày và làm việc hết công suất, nhưng càng gần đến ngày kết thúc, học viên càng hào hứng hơn. Bên cạnh việc được trải nghiệm các nội dung do chuyên gia cung cấp, học viên còn có thời gian trực tiếp luyện tập và thực hành giảng ngay trong khóa học này. Từ đó, các học viên có cơ hội nhận được nhiều góp ý hữu ích từ cả chuyên gia lẫn các học viên trong lớp.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, mỗi cặp (2 học viên) có nhiệm vụ tổ chức ít nhất 2 khoá học trong vòng 1 năm. Trong năm 2019, học viên sẽ tham gia khoá ToT nâng cao, và nếu đáp ứng đủ điều kiện thì sẽ được cấp chứng chỉ giảng viên về Trò chơi kinh doanh nhỏ.