Tất cả các bản Hiến pháp đều được xây dựng, sửa đổi, bổ sung thận trọng trên cơ sở nghiên cứu toàn diện, đa chiều, nhiều khía cạnh về lý luận, thực tiễn để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, quan điểm định hướng của Đảng từng thời kỳ và bảo đảm kết cấu, kỹ thuật lập pháp đúng tinh thần và bản chất Hiến pháp là bản Tuyên ngôn chính trị đặc biệt về thể chế quốc gia, hệ thống chính trị, xác lập, vận hành và kiểm soát quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp và ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân cũng như những vấn đề liên quan khác về bộ máy chính quyền địa phương…thể hiện trong các chế định cụ thể.

Hiến pháp 2013 dự kiến sửa đổi, bổ sung năm 2025 chỉ tập trung một số điều để kịp thời thể chế hóa quan điểm định hướng của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị là cần thiết, quan trọng. Trong bối cảnh thời gian gấp rút, việc sử dụng hình thức văn bản là Nghị quyết của Quốc hội để ban hành như cách làm đã từng có tiền lệ trong lịch sử lập Hiến của nước ta năm 2001 là phù hợp. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, quyết định thận trọng dựa trên nền tảng lý luận và thực tiễn để bảo đảm nguyên tắc các quy định mới không tác động, ảnh hưởng bất lợi đến các giá trị đặc biệt của mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân và mối quan hệ biện chứng của các thành tố trong hệ thống chính trị quốc gia vận hành trên nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

  1. Đối với Điều 9, đề nghị Ủy ban sửa đổi một số điều của Hiến pháp 2013 cân nhắc thận trọng về Điều này vì có nội dung sửa đổi, bổ sung thừa, không cần thiết; có nội dung chưa phù hợp với Kết luận của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XIII (Nghị quyết số 60 – NQ/TW ngày 12/4/2025) và các văn bản liên quan khác.

Thứ nhất, dự thảo không cần bổ sung cụm từ “là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” vào đoạn 2 Khoản 1 vì trong các văn bản của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội được xác định là liên minh chính trị thực hiện vai trò đại diện và bảo vệ cho quyền làm chủ của Nhân dân trong mối quan hệ với Nhà nước và đã được Nhà nước thể chế hóa trở thành thành tố thứ 3 trong hệ thống chính trị tại Điều 9 các bản Hiến pháp 1980, 1992 và 2013. Đồng thời, việc bổ sung này có thể tạo ra cách hiểu và nhìn nhận không công bằng về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội, Chính phủ và cơ quan khác, trong khi Điều 4 Hiến pháp hiện hành đã thể hiện rõ vị thế, vai trò của Đảng “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, theo đó, Đảng lãnh đạo toàn diện đối với cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Thứ hai, dự thảo không cần bổ sung cụm từ “phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước” vào Đoạn 2 Khoản 1 vì thực tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khi tiếp nhận ý kiến phản ánh, đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân đều thực hiện trách nhiệm theo pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bản thân quy định hiện hành đang có cụm từ “giám sát, phản biện xã hội”, khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện trách nhiệm này đã bao gồm đầy đủ ý kiến, kiến nghị của Nhân dân thông qua hai hình thức giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề, trong đó đơn thư phản ánh của Nhân dân là một kênh thông tin trong giám sát thường xuyên theo quy định của Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội.

Thứ ba, dự thảo không nên bổ sung cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” trong Khoản 2 vì bổ sung theo hướng này là khẳng định các tổ chức chính trị – xã hội kết thúc vị thế và tư cách pháp nhân độc lập vốn là thành viên liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, thống nhất hành động với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để trở thành các tổ chức phụ thuộc vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hành chính. Tổ chức có vị thế độc lập mới có thể liên minh, khi vị thế đã phụ thuộc thì không những không thể liên minh mà còn phải phục tùng theo nguyên tắc hành chính thứ bậc cấp trên – cấp dưới. Đồng thời, quy định này cũng sẽ kết thúc tính chính trị – xã hội của các tổ chức. Khi đó, cụm từ “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” là thừa và không có nghĩa do các tổ chức chính trị – xã hội chính thức không còn sau khi đã “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Bên cạnh đó, quy định như dự thảo cũng sẽ xác định thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ còn lại các tổ chức xã hội, xã hội – nghề nghiệp, được thành lập và hoạt động trên cơ sở các Nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (hiện đang là Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 8/10/2024) vì chỉ có duy nhất 05 tổ chức chính trị – xã hội là Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và Hội cựu Chiến binh Việt Nam được Đảng công nhận và thể hiện trong văn kiện Đại hội, Nghị quyết Ban Chấp hành và Bộ Chính trị từ năm 1990 cho đến ngày nay. Nếu vẫn thể hiện theo cách tiếp cận của dự thảo là không còn các tổ chức chính trị – xã hội, thì nhất thiết phải sửa đầy đủ Khoản 1 để bỏ các quy định khác cho phù hợp với dự kiến sửa Khoản 2 để không có sự mâu thuẫn giữa các quy định trong Điều này.

Thứ tư, dự thảo cần thể chế hóa đúng chủ trương, định hướng của Đảng tại nội dung Quyết nghị số 5 trong Nghị quyết số 60 – NQ/TW ngày 12/4/2025 về chủ trương sắp xếp, tinh gọn hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, không hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Đây là điểm đặc biệt quan trọng phù hợp với lý luận, lý thuyết về hệ thống chính trị và lý luận về thiết kế tổ chức bộ máy, cũng như chủ trương tinh gọn bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước.

Thực tế dự thảo đang tiếp cận bổ sung các cụm từ vào Điều 9 theo hướng hợp nhất vị thế (giá trị) của các tổ chức chính trị – xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khác hoàn toàn so với với chủ trương của Đảng là hợp nhất tổ chức bộ máy (mô hình vận hành giá trị) của các tổ chức chính trị – xã hội vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều này chưa đúng và không hợp lý.

Quan điểm chỉ đạo chung của Đảng vẫn tồn tại các tổ chức chính trị – xã hội nên việc hợp nhất cơ quan của tổ chức chính trị – xã hội vào cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bản chất là hợp nhất bộ máy giúp việc cho Ban Chấp hành ở mỗi cấp, không ảnh hưởng đến vị thế của tổ chức chính trị – xã hội là thành viên liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện trong khối đại đoàn kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đã có mô hình thí điểm về cơ quan tham mưu giúp việc chung của Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội tỉnh Quảng Ninh, cần tổng kết, đánh giá đầy đủ những điểm được và chưa được để có cơ sở thiết lập và vận hành bộ máy cơ quan này có hiệu lực, hiệu quả và đạt được kỳ vọng tránh chồng chéo, khó hoạt động, khó khăn trong phân bổ tài chính…trong thực tế.

Nội dung Quyết nghị số 8 trong Nghị quyết số 60 – NQ/TW ngày 12/4/2025 đã khẳng định “sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, pháp luật”, theo đó, không nhất thiết phải sửa Điều 9 Hiến pháp để hợp nhất cơ quan tham mưu giúp việc cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội vì không đúng tầm và cần nhiều thời gian để nghiên cứu thấu đáo. Trên cơ sở đánh giá kỹ các khía cạnh tác động, ảnh hưởng và giá trị của các phương án tổ chức bộ máy cơ quan này sẽ bổ sung trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đầy đủ. Cách làm này cũng phù hợp để bảo đảm tính toàn vẹn của quy định trong Hiến pháp về thành tố thứ 3 trong hệ thống chính trị đại diện cho quyền làm chủ của Nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Trường hợp vì lý do đặc biệt, bắt buộc phải thể hiện sửa đổi Điều 9 Hiến pháp thì chỉ nên bổ sung duy nhất đoạn quy định “Cơ quan tham mưu giúp việc cho Ban Chấp hành mỗi cấp của tổ chức chính trị – xã hội được tổ chức và hoạt động thống nhất trong cơ quan tham mưu, giúp việc cùng cấp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” vào Khoản 2 về làm cơ sở cho việc cụ thể hóa trong Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ngoài ra, đề nghị Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 xem lại nhận định “vẫn còn tồn tại tình trạng một người tham gia nhiều tổ chức” trong Bản thuyết minh vì các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, việc tham gia 01 hay nhiều tổ chức là quyền của cá nhân, nếu nhận định này nghiêng theo hướng 01 người chỉ được tham gia 01 tổ chức thì thực chất không còn là tự nguyện nữa. Cách đánh giá này là cơ sở thiết kế quy định dự thảo Điều 9 mâu thuẫn với nguyên tắc người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Nếu muốn người dân chỉ được phép tham gia 01 tổ chức thì phải cấm tham gia từ 2 tổ chức trở lên trong Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật liên quan sẽ  không phù hợp cả về lý luận và thực tiễn về quyền con người, quyền công dân. Cách thức vận hành của các tổ chức chính trị – xã hội trong mối quan hệ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là vấn đề khác, cần thể hiện trong văn bản quy phạm pháp luật khác, không nên đặt ra trong Hiến pháp.

  1. Đối với Điều 110, là điều quan trọng đối với quốc gia, đây chính là điều quy định về phân định địa giới hành chính là gốc, là cơ sở để thiết kế các quy định liên quan đến địa phương, do vậy cần quy định cụ thể, không để tùy nghi.

Thứ nhất, dự thảo nên nhập khoản 1 và 2 cần thành 1 khoản vì cấp nào, mô hình nào cũng đều do Quốc hội thành lập, để tránh hiểu sai tinh thần điều luật

Thứ hai, dự thảo nên bỏ cụm từ “trực thuộc trung ương” vì hiện nay đơn vị hành chính đang quy định 04 cấp nên phải sử dụng cụm từ này để phân biệt với thành phố thuộc tỉnh. Theo định hướng, chỉ đạo của Đảng về xây dựng mô hình đơn vị hành chính 02 cấp nên không cần phải phân biệt. Nếu vẫn để là thừa, không cần thiết.

Thứ ba, dự thảo cần quy định đầy đủ các cấp đơn vị hành chính tại Khoản 1 Điều này theo đúng định hướng của Đảng về đơn vị hành chính 02 cấp đã thể hiện trong nhiều văn bản. Khoản 1 Điều 110 nên được quy định là “1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố và xã, phường hình thành phù hợp với chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và vùng đặc biệt” để bảo đảm gộp cả Khoản 1, 2 dự thảo vì lịch sử lập Hiến của Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 đều quy định rất rõ ràng sự phân định địa giới 04 cấp hành chính: trung ương, tỉnh, huyện, xã với cách thiết kế điều luật khác nhau phù hợp với kỹ thuật lập hiến, lập pháp từng giai đoạn: Hiến pháp 1946 quy định tại Điều thứ 57, Hiến pháp 1959 quy định tại Điều 78, Hiến pháp 1980 quy định tại Điều 113, Hiến pháp 1992 quy định tại Điều 118, Hiến pháp 2013 quy định tại Điều 110. Số lượng, tên gọi giao Quốc hội quyết định.

Hiện nay khi đất nước bước vào kỷ nguyên số, các tiện tích công nghệ thông tin phổ biến đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Nhân dân đã xuất hiện khái niệm công vụ xuyên địa giới hành chính và trở thành nhu cầu cần thiết, quan trọng của mỗi người dân, cùng với sự thay đổi và đòi hỏi của các khía cạnh trong quản trị nhà nước, quản trị xã hội, cũng như kinh nghiệm hoạt động công vụ trên thế giới, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo quan điểm định hướng 2 cấp hành chính của Đảng là hợp lý, giảm bớt cấp trung gian tăng cường cấp thực thi, làm cho cấp trung ương ít nhưng tinh, cấp tỉnh sát dân…theo đó, phải thể hiện rõ cấp hành chính trong Điều này.

Tham khảo một số quốc gia cho thấy, dù mục tiêu xây dựng đất nước theo mô hình tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa; là thể chế chính trị cộng hòa, cộng hòa tổng thống, quân chủ lập hiến hay dân chủ và sự lựa chọn mô hình nhà nước đơn nhất hay liên bang…các nước (trừ một số nước theo chế độ quân chủ do đã quy định trong văn bản của Hoàng gia, ví dụ Nhật Bản) đều quy định rõ cấp hành chính trong Hiến pháp với ít nhất là 01 điều như Cộng hòa Pháp (01 điều), Cộng hòa Ba Lan (01 điều), Vương quốc Tây Ban Nha (01 điều)…, một số nước quy định từ 02 điều trở lên như Liên bang Nga (02 điều), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (02 điều), Cộng hòa Italia (02 điều), Cộng hòa Nam Phi (04 điều). Quy định trong Hiến pháp các nước đều thể hiện rõ địa giới hành chính quốc gia được phân chia như thế nào và trao quyền quy định cụ thể cho cơ quan có thẩm quyền ban hành luật, bao gồm cả chế độ tự quản địa phương cũng được quy định rõ.

Thứ tư, dự thảo cần giữ lại quy định tại khoản 2 Điều 110 “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định” vì đây là vấn đề quan trọng có tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến người dân và cũng là cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân đối với vấn đề lớn của quốc gia.

Thứ năm, dự  thảo nên bổ sung thêm 01 khoản hoặc đoạn vào khoản 1 quy định về thẩm quyền của Quốc hội quy định số lượng, tên gọi của đơn vị hành chính trên cơ sở cấp hành chính quy định tại khoản 1 cho đầy đủ và hợp lý hơn.

  1. Đối với các Điều khác trong dự thảo

Thứ nhất, Điều 10 và Khoản 1 Điều 84 có liên quan đến Điều 9 nên việc sửa đổi phải theo quyết định cuối cùng của việc sửa đổi Điều 9

Đối với Điều 10, Công đoàn cũng đã được khẳng định là 1 tổ chức chính trị – xã hội trong khoản 2 Điều 9 nên cách thiết kế nên tính lại để tránh sự khẳng định trùng 2 lần, đồng thời cần xem lại việc bổ sung cụm từ “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” như đã lý giải ở Điều 9. Do vị thế của tổ chức Công đoàn đã được thể hiện chung trong Điều 9 với tư cách là một tổ chức chính trị – xã hội nên thay cụm từ “là tổ chức chính trị – xã hội” bằng cụm từ “là tổ chức đại diện của” sẽ hợp lý hơn.

Đối với Khoản 1 Điều 84, theo quan điểm, chủ trương của Đảng, chỉ hợp nhất cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, nghĩa là các tổ chức chính trị – xã hội vẫn tồn với tư cách là một tổ chức thành viên liên minh chính trị với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn nhiều thành viên khác nên cần thiết phải có quy định. Sáng kiến làm luật nên được mở rộng cho nhiều chủ thể, kể cả công dân nếu xác đáng, việc tiếp nhận, quyết định là công việc của cơ quan có thẩm quyền, theo đó không nên bó hẹp. Theo đó, đề nghị bổ sung lại quy định hiện hành, bỏ cụm từ “cơ quan trung ương” chỉ sử dụng cụm từ “tổ chức thành viên” để phù hợp với thực tế mỗi thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều là một thể thống nhất, khi có đề xuất cũng là của cả tổ chức. Lịch sử phát triển hệ thống pháp luật Việt Nam đã ghi nhận sự đóng góp sáng kiến và tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của một số tổ chức chính trị – xã hội như Luật Hôn nhân và Gia đình 1986, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Bình đẳng giới…

Thứ hai, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, khoản 1 Điều 114 và khoản 2 Điều 115 có liên quan đến Điều 110, do đó khi Điều 110 xác định rõ đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố, các quy định này cần được sửa phù hợp.

Dự thảo dự kiến sử dụng cụm từ “và của chính quyền địa phương từng cấp” để thay cụm từ “và của mỗi cấp chính quyền địa phương” trong khoản 2 Điều 112 về bản chất không khác nhau nên không cần thiết phải sửa.

Dự thảo dự kiến bỏ đoạn quy định “Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân” trong Khoản 2 Điều 115 quy định hiện hành là không hợp lý. Việc đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn các chức danh này thực chất là thể hiện cách thức vận hành nguyên tắc kiểm soát quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đề nghị giữ nguyên Khoản 2 Điều 15 như Hiến pháp hiện hành để bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Trong phạm vi thời gian nghiên cứu của cá nhân hạn hẹp có thể không tránh khỏi sai sót, chưa đầy đủ và thấu đáo, hy vọng, một số ý kiến trên góp thêm thông tin để Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 nghiên cứu hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội.