Đồng chí Bùi Gia Huân (khoa Quản trị Kinh Doanh)đã có những cảm xúc đặc biệt sau khi tham quan Hoàng Thành Thăng Long:

“…Các khu khảo cổ không sơn

Vẫn bằng đá cũ sáng trơn, phẳng lì

Cột cờ năm thước uy nghi

Cạnh đường Biên Phủ đi vào tháng năm

Đoan Môn là của cuốn vòm

Đi vào chính Điện vẫn còn vẹn nguyên

Nhà D67 Hành Dinh

Đưa ra quyết định thông minh đó là

Mậu thân 68 bước đà

Tấn công nổi dậy mãi là đỉnh cao

Mưa bom bão đạn tuôn trào

Chiến dịch Điện biên phủ tự hào Việt Nam

Mùa xuân chiến dịch 75

Nở hoa độc lập, tô hồng tự do…”

Nhà D67 – Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương

Đồng chí Nguyễn Thị Phương (Phòng Tổ chức Hành chính): Có tận mắt chứng kiến sự dã man, hà khắc của nhà tù Hỏa Lò tôi mới thấy cuộc sống tự do ngày hôm nay đáng quý hơn bao giờ hết. Chiến tranh đã đi qua vậy mà nghe thuyết minh và chứng kiến những vật dụng tại đây tôi cảm thấy mình như đang sống lại thời khắc lịch sử đó. Đau đớn, tổn thương nghiệt ngã nhưng vẫn sáng ngời ý chí cách mạng, đó chính là hình ảnh những tù nhân chính trị tại đây. Sau chuyến đi này tôi hiểu rằng: Mỗi chúng ta cần phải sống xứng đáng hơn với những gì chúng ta nhận được từ các thế hệ đi trước.

  Đồng chí Phạm Xuân Linh (Khoa Khoa học cơ bản): Nhà tù Hỏa Lò, cái tên tôi đã nghe hơn 10 năm trước nhưng hôm nay mới có dịp được đặt chân đến. Ngay từ khi bước vào cánh cổng nhà tù tôi đã ấn tượng bởi không gian u tối, tù túng nơi đây. Bao phủ lên nhà tù là một màu đen tối tăm, lạnh lẽo. Qua lời người thuyết minh trẻ, tôi được biết thực dân Pháp đã cố tình sơn các bức tường của phòng giam bằng màu đen của hắc ín để cho tù nhân khi bị giam cảm thấy bức bối, khó chịu và cũng nhằm làm giảm thị lực của họ. Bên cạnh đó, chúng còn cho xây phòng giam dốc ngược về phía sau để khi tù nhân nằm máu dồn hết xuống đầu, gây tê chân và ức chế thần kinh. Âm mưu của chúng tàn ác đến vậy nhưng không thể làm giảm được ý chí chiến đấu của các chiến sỹ cách mạng bị giam cầm nơi đây. Chính trong nhà tù tăm tối và khắc nghiệt này, các chiến sỹ cách mạng đoàn kết, sẻ chia, học chữ, học ngoại ngữ, cùng nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục các hoạt động của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Chúng tôi được sống trong bầu không khí hòa bình ngày nay chính là nhờ một phần công sức của các bác, các cô, các anh, các chị đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Nguyện tri ân các thế hệ cha anh bằng những việc làm thiết thực nhất của tuổi trẻ chúng tôi.

Các chiến sĩ cộng sản vượt ngục bằng cách cưa song sắt chui qua cống thoát nước

Đồng chí Vũ Khánh Chi (Trung tâm Cet – Caw): Lần này, cùng với các đồng chí đoàn viên Chi đoàn Đào tạo, tôi đã có cơ hội trải nghiệm, suy ngẫm về tội ác chiến tranh của thực dân Pháp cũng như sự hy sinh, quả cảm của những người chiến sỹ cộng sản Việt Nam yêu nước trong những năm kháng chiến trường kỳ, để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc tại nhà tù Hỏa Lò. Quả thật, bước vào Hỏa Lò, được nghe hướng dẫn viên kể những câu chuyện liên quan đến những hiện vật được trưng bày, rồi bước vào những căn phòng từng là nơi giam giữ người tù chính trị, tôi càng thêm thấm thía với những vần thơ của nhà thơ – chiến sỹ cách mạng Tố Hữu: Đây âm u đôi cánh lạt ban chiều/ Len nhẹ nhẹ qua rào ô cửa sổ/ Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ/Đây sàn lim, manh ván ghép sầm u…

Chẳng cần tra tấn người chiến sỹ bằng những cực hình, mà chỉ cần giam giữ họ trong những căn phòng chật hẹp, không có lỗ thông hơi, không có chút ánh sáng, thậm chí cả 4 bức tường đều sơn hắc ín, làm cho không gian càng trở nên ngột ngạt, tối tăm… nơi họ nằm là những chiếc “giường xi măng”, dốc xuống ở phía đầu… Ăn, ngủ, vệ sinh, tất cả diễn ra trong căn phòng hơn 2m2 ấy, chỉ cần vậy thôi đã đủ bòn rút sức lực của 4-5 con người bị giam cầm trong đó: mắt không thể nhìn, chân không thể đứng, đầu không thể nghĩ suy… Vậy mà những người chiến sỹ cộng sản vẫn bất khuất, kiên trung, giữ vững khí tiết sắt son với cách mạng.

Sau chuyến tham quan này tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của tự do, niềm hạnh phúc của việc được nhìn thấy ánh sáng, được nghe tiếng chim trời, được thở bầu không khí tự do và được sống cuộc sống mà mình đang cống hiến.

Đồng chí Nguyễn Hùng Cường (Khoa Quản trị Kinh doanh): Để lại ấn tượng trong tôi nhiều nhất là những hình ảnh tái hiện cuộc sống của tù binh phi công Mỹ. Một bức tranh gần như tương phản so với bức tranh nhà tù của thực dân Pháp đối với tù chính trị Việt Nam cũng tại nhà tù này. Qua lời thuyết minh và hình ảnh, vật dụng tại đây tôi được biết, khi bị quân dân ta bắt đưa về nhà tù Hỏa Lò họ được ăn uống với tiêu chuẩn cao, suất ăn gấp 5 lần cán bộ sĩ quan của quân ta. Hàng tháng thường xuyên nhận được đồ tiếp tế của thân nhân. Được học ngoại ngữ tùy theo sở thích của từng người. Ngoài đọc sách, những "tội phạm chiến tranh" còn có sân đánh bóng chuyền trong trại để tập luyện thể dục thể thao. Không những thế, trong khu trại còn có đàn ghi-ta và bút giấy vẽ để "phục vụ" cho những "tù nhân nghệ sĩ". Thậm chí, có sĩ quan còn dạy họ chơi cờ vua và cờ tướng. Nhân dân Việt Nam anh hùng và rất giàu lòng nhân ái. Chính nữ tù nhân phi công Mỹ đã công nhận điều này trong bức thư đề nghị cho phép bà mang con mèo đang nuôi về Mỹ: Từ tháng 12 năm 1971 tôi được phép nuôi một con mèo. Tôi rất thích động vật, nhất là loài mèo (sau khi được nhà cầm quyền cho phép). Kết quả là tôi đang đi tới xu hướng cho rằng sự đối xử như vậy là một việc làm nhỏ nhưng rất đáng hoan nghênh trong chính sách khoan hồng và nhân đạo của nhân dân Việt Nam….

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường (Khoa Công tác Xã hội): Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm di tích Hỏa Lò, ấn tượng mạnh mẽ nhất để lại trong tôi là hình ảnh những đứa trẻ trong tù cùng mẹ. Nhìn hình ảnh đó tôi cứ day dứt mãi, nỗi xót xa cứ dâng trào. Những đứa trẻ vô tội, đâu biết chiến tranh là gì mà đã phải gánh chịu nỗi đau của chiến tranh. Những người phụ nữ trong tù phải nhường cơm cho những đứa trẻ nhưng cũng chỉ duy trì sự sống cho chúng được 2-3 tháng mà thôi. Dù không thể chữa lành những tổn thương, mất mát do chiến tranh gây ra những tôi hi vọng màu xanh hòa bình sẽ bao trùm lên cả trái đất này để đâu đó không còn những tiếng khóc, để những đứa trẻ được sống cuộc sống bình yên bên gia đình.

Đồng chí Đỗ Thị Thu Phương (Khoa Công tác Xã hội): Đúng với những gì tôi chứng kiến khi bước chân vào phòng giam giữ dành cho những phạm nhân nam. Dù hai chân bị xiềng xích, dù thân thể gầy gòm, dù cho cái chết đang ngày đêm đe dọa nhưng những người chiến sĩ cách mạng vẫn mang sắc thái hiên ngang và niềm tin vào cuộc sống. Họ vẫn chuyện trò với nhau, vẫn vui vẻ cười, vẫn cùng nhau đọc một cuốn sách hay và bàn tính chuyện tương lai đất nước. Hơn bao giờ hết tôi càng khâm phục ý chí quật cường, coi thường cái chết và tinh thân lạc quan, tin tưởng vào tương lai độc lập, tự do của tổ quốc trong bài thơ Tiếng hát trong tùdo nhà cách mạng Nguyễn Thái Họcsáng tác năm 1930 khi đang bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò:

“…Bao năm mơ tưởng đoạn đầu đài/Như nguyện ngày nay thật không sai/Máu đổ tốt tươi mầm cách mạng/Đầu rơi nẩy nở giống anh tài…”

Kết thúc chuyến tham quan tôi chợt hiểu "nơi hầm tối là nơi sáng nhất", ánh sáng được thắp lên từ chính những trái tim yêu nước sáng ngời.

Đồng chí Ma Thị Thùy Dương(Trung tâm Cet-Caw): Chuyến tham quan thực tế đã để lại cho tôi nhiều suy nghĩ về khu di tích nhà tù Hỏa Lò. Nơi đây được mệnh danh là một trong 10 nhà tù khét tiếng nhất thế giới. Giá trị của khu di tích không chỉ ở những hiện vật lịch sử của một cuộc chiến tranh phi nghĩa, những bằng chứng tố cáo tội ác của thực dân Phápgây ra cho nhân dân Việt Nam, mà cao hơn, ý nghĩa hơn nơi đây còn trở thành bằng chứng, bài học lớn về tinh thần yêu nước, truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam. Một một dân tộc kiên trung bất khuất, không khuất phục kẻ thù nhưng hết sức nhân đạo, sẵn sàng tha thứ cho kẻ bại trận, sẵn sàng xóa bỏ hận thù, kết thêm tình hữu nghị.

Đồng chí Thái Thị Ngọc Tú (Phòng Tổ chức Hành chính): Tôi đã từng đọc ở đâu đó câu nói: "Người lính là người cầu nguyện cho hòa bình nhiều hơn bất cứ ai, bởi chính người lính là người phải chịu đựng và mang những vết thương và sẹo chiến tranh nặng nề nhất”.  Khi tôi đọc câu danh ngôn này tôi càng thấm thía hơn bao giờ hết những hy sinh của thế hệ trước, những con người đã làm nên lịch sử. Và cũng chính những chuyến đi về nguồn như hôm nay giúp tôi hiểu thêm giá trị của Hòa Bình, Tự do, Độc lập. Mỗi chúng ta cần sống và cống hiến hết sức mình bởi như thế bạn mới hiểu được những giá trị của nó.

Hình ảnh và các vật dụng dùng để tra tấn các nữ tù nhân tại nhà tù Hỏa Lò

Đồng chí Trần Xuân Quỳnh (TT Công nghệ Thông tin Thư viện): Đến tận giây phút này, tôi vẫn không thể quên hình ảnh những nữ tù nhân tại nhà tù Hỏa Lò. Họ là những thiếu nữ đang ở lứa tuổi xuân sắc nhưng chỉ vì lòng yêu nước mà bị sống trong cảnh đọa đày địa ngục nơi đây. Những phòng giam 4m2 với hàng chục người, mọi sinh hoạt gói gọn trong không gian u tối. Vẳng đâu đây còn có tiếng khóc của trẻ nhỏ trong phòng biệt giam của nữ tù nhân có con nhỏ. Những đòn tra tấn dã man bằng gậy, bằng chai, bằng thùng phuy nước, bằng điện… không làm ý chí quật cường của các nữ tù nhân giảm sút. Họ cùng nhường cơm sẻ áo, cùng học tập, cùng viết bằng những que củi, những cục than, bí mật chia sẻ tài liệu qua những hốc cây trong giờ lao động. Đến tận khi bị giải đi nơi khác họ vẫn không quên tranh thủ rải khẩu hiệu trên đường. Những mảnh giấy ghi từng nét chữ mảnh mai nhưng cứng rắn không quên nhắn lại với đồng bào những lời cổ vũ, động viên và niềm tin bất diệt vào một ngày mai tự do, độc lập.

Hình ảnh người Phụ nữ Việt Nam đẹp và kiên cường sẽ mãi lưu lại trong tâm trí tôi và là nguồn cổ vũ thế hệ đoàn viên thanh niên chúng tôi xây dựng Học viện Phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển xứng đáng với truyền thống của người Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng Bất khuất Trung hậu Đảm đang”.

Chuyến tham quan tại Hoàng thành Thăng Long và nhà tù Hỏa lò của Chi đoàn Đào tạo đã khép lại nhưng “Nhật ký về nguồn” của chi đoàn sẽ tiếp tục được nối dài không chỉ là những trang viết về vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam trải qua quá khứ đến hiện tại và tương lai mà còn là những việc làm đầy ý nghĩa để phát huy bài học truyền thống của cha anh và hứa hẹn mở ra những bài học mới trong những lần về nguồn tiếp theo…