Giáo dục 4.0 và phương thức học mới
Trong Hội thảo quốc tế với chủ đề “Mô hình đại học 4.0 – Nền tảng giáo dục thế kỷ XXI” diễn ra tại TP HCM diễn ra năm vừa qua, gần 150 nhà lãnh đạo, giáo sư đến từ các trường đại học danh tiếng đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình đào tạo đại học chuẩn 4.0 từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo đó, giáo sư Gottfried Vossen đến từ Đại học Munster (Đức) đã chia sẻ mô hình đại học 4.0 với 3 vấn đề: Dạy học 4.0 – Nghiên cứu 4.0 – Quản lý 4.0 được áp dụng tại nhiều trường như: Đại học Coventry (Anh), Đại học Complutense de Madrid (Tây Ban Nha), Đại học Yeungnam (Hàn Quốc), Đại học Công nghệ Malaysia, Đại học Lorraine (Pháp)…
Theo giáo sư Gottfried Vossen, giáo dục 4.0 gồm nhiều phương thức học tập mới như: học thông qua trò chơi, liên hệ tương tác giữa nhiều người, cung ứng đám đông, học thông qua dự án… Thời gian và địa điểm học tập của học sinh không bị ràng buộc và có thể thay đổi tùy ý cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện thực tế.
Việc dạy học 4.0 cung cấp nhiều kỹ năng phù hợp cho học sinh hơn như: biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn, phát triển năng lực giải quyết vấn đề thực tiễn dựa trên kiến thức khoa học, có phong cách học tập sáng tạo, chủ động…
Học sinh không bị bó buộc thời gian và không gian học tập với nền giáo dục 4.0. |
Theo đó, học sinh sẽ vừa được học kiến thức khoa học, vừa được biết cách áp dụng chúng vào thực tiễn. Ví như khi học về các loại mạch điện dân dụng, học sinh có thể thiết lập và kết nối một mạng điện sử dụng được trong thực tế thay vì học trên giấy. Điều này giúp gỡ bỏ khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm và thực tiễn.
Học sinh cần thích nghi
Hiện nay ở Việt Nam, một trong những phương thức học của giáo dục 4.0 được nhiều học sinh biết và tham gia nhất là học trực tuyến. Tại Hệ thống giáo dục Hocmai.vn, đến năm 2018, đã có hơn 3 triệu thành viên tham gia học tập trực tuyến từ cấp tiểu học đến bậc THPT; mỗi năm có hơn 11.000 bài giảng trực tuyến được xuất bản. Ở bậc đại học, FUNiX – thành lập năm 2015, là trường đại học trực tuyến đầu tiên của cả nước với hơn 1.000 sinh viên theo học.
Với hình thức học này, học sinh có thể chủ động lựa chọn các bài giảng có sẵn trên mạng theo nhu cầu bản thân. Ngoài ra, các bạn còn có thể lựa chọn giáo viên thích hợp, tương tác với giáo viên và các bạn cùng học mọi lúc, mọi nơi thông qua nền tảng Internet và thiết bị công nghệ.
Tuy nhiên, để việc học thực sự hiệu quả, học sinh cần tự trau dồi kiến thức về công nghệ, chủ động tìm tòi, cập nhật các thông tin mới để không bị lạc hậu. Không chỉ vậy, bản thân các em cũng cần tự trải nghiệm, thực hành chính những điều đang học để tích lũy kinh nghiệm và nghiên cứu, phát triển.
Thực tế, việc học trong thời đại giáo dục 4.0 không giới hạn về độ tuổi. Tiêu biểu là trường hợp của thần đồng người Mỹ gốc Ấn Ahaan Rungta. Cậu học toán đại số khi mới 5 tuổi, làm chủ giải tích khi lên 7, chinh phục cơ học lượng tử năm lên 9 và lấy bằng thạc sĩ năm 15 tuổi nhờ học trực tuyến tại nhà.
Ahaan Rungta – học trực tuyến từ nhỏ đến lớn (Ảnh: MIT news).
Tại Việt Nam, nhiều bạn đỗ thủ khoa, á khoa đại học cũng nhờ kết hợp học trực tuyến với truyền thống. “Học trực tuyến giúp mình dễ dàng chủ động trong việc sắp xếp thời gian. Hệ thống kiến thức và bài tập luôn được cập nhật thường xuyên theo từng ngày, số lượng không giới hạn giúp mình thoải mái luyện tập”, Phạm Đình Dương, thủ khoa Viện Điện – Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2017, chia sẻ.
Phạm Đình Dương – Thủ khoa Viện Điện – Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2017. |
Trong thời đại giáo dục 4.0, các bạn học sinh có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận tri thức, vượt lên không gian và thời gian, nhưng đây cũng chính là thách thức cho tính chủ động, cạnh tranh, nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau của mỗi người.