Tọa đàm: Quản lý hiệu quả công việc và giải quyết xung đột nơi làm việc

Ngày 27/9/2018, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm: Quản lý hiệu quả công việc và giải quyết xung đột nơi làm việc. Diễn giả chính của buổi tọa đàm là PGS.TS Julie Brockman – Giảng viên trường Đại học Michigan State, Mỹ; Chuyên gia chương trình Fulbright hiện đang làm việc tại học viện. 

Với kinh nghiệm nhiều năm công tác tại Đại học Michigan State, Mỹ, PGS.TS Julie Brockman đã chia sẻ về quan niệm của bà về vấn đề quản lý hiệu quả công việc.Trong quá trình trao đổi giữa diễn giả và các thành viên tham gia, vấn đề xây dựng chiến lược phát triển và lên kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa chiến lược được đặt lên hàng đầu. Trong đó, vấn đề phát triển nguồn nhân lực mang tính quyết định.Buổi tọa đàm Quản lý hiệu quả công việc và giải quyết xung đột nơi làm việc đã mang lại những lợi ích không nhỏ cho người tham gia trong việc xác định vai trò của nhà quản lý, tổ chức đối với việc quản lý hiệu quả công việc và vai trò của từng cá nhân, tập thể đối với việc giải quyết xung đột nơi làm việc.

Bế giảng lớp Trung cấp ngành Công tác xã hội 

Sáng ngày 01/10/2018, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Trường Chính trị Hoàng Đình Giong và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Cao Bằng tổ chức bế giảng lớp Trung cấp ngành Công tác xã hội khóa học 2016 – 2018 và trao bằng tốt nghiệp cho 36 học viên là các phó chủ tịch, ủy viên BCH và cán bộ dự nguồn chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ các xã/thị trấn của tỉnh Cao Bằng.

Tập huấn: Nâng cao năng lực thực hiện gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực

 Ngày 3 – 4 tháng 10 năm 2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn Nâng cao năng lực thực hiện gói dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực ở Việt Nam với mục đích cung cấp thông tin, kiến thức nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ ở các bộ, ngành chức năng ở trung ương và các cơ quan có liên quan ở địa phương trong thực hiện chương trình ESP phù hợp với các hợp phần khác do các Cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam và đối tác Chính Phủ đang thực hiện.

Sau hai ngày tham dự chương trình tập huấn, các học viên được trang bị nội dung về 05 hợp phần gói dịch vụ thiết yếu. Ngoài ra, lớp tập huấn còn được các chuyên gia Liên Hợp Quốc chia sẻ về kinh nghiệm triển khai gói dịch vụ thiết yếu và cơ chế điều phối và quản trị điều phối ở Thụy Điển, Nam Phi, Băng-la-đet, Campuchia, Đôngtimo. Tại chương trình tập huấn này, các chuyên gia trong nước cũng có 3 tham luận về các chủ đề: (1) Các dịch tư pháp và hành pháp thiết yếu từ Bộ Tư pháp; (2) Các dịch vụ xã hội – những yếu tố cốt lõi và hướng dẫn về chất lượng từ tổ chức UNPA Việt Nam; (3) Tăng cường công tác ứng phó tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong ngành y tế từ Bộ Y tế.

Hội thảo: “Phòng chống bạo lực giới tại nơi làm việc: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế”

Ngày 04 tháng 10 năm 2018, Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES), Đức đồng tổ chức Hội thảo khoa học: “Phòng chống bạo lực giới tại nơi làm việc: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế”. 

Nội dung Hội thảo tập trung vào 03 tham luận chia sẻ kinh nghiệm quốc tế. TS. Sina Fontana – Đại học Tổng hợp Georg August Gottinggen, Đức chia sẻ 02 tham luận: (1) Hướng dẫn về Bình đẳng giới trong Luật Lao động của Đức – Khuyến nghị đối với Việt Nam, (2) Quấy rối tình dục tại nơi làm việc – phòng ngừa và bảo vệ; PGS.TS. Julie – Đại học Michigan State University, Mỹ chia sẻ 01 tham luận: Kinh nghiệm của Mỹ trong phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc – khuyến nghị cho Việt Nam.Các chuyên gia quốc tế và trong nước đã giải đáp các câu hỏi và chia sẻ thêm các khía cạnh thực tiễn liên quan đến bạo lực giới tại nơi làm việc. Một số kết luận cơ bản đã được rút ra từ các bài trình bày và thảo luận: (1) Xây dựng bộ luật về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; (2) Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục cho người quản lý lao động, người lao động và cộng đồng nói chung; (3) Xem xét đến hậu quả của hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc để có cách xử lý phù hợp; (4) Xây dựng quan niệm văn hóa trong cộng đồng: Không chấp nhận bất cứ hành vi nào của quấy rối tình dục; (5) Thành lập các văn phòng tiếp nhận thông tin, hỗ trợ kịp thời cho sinh viên hoặc phụ nữ khuyết tật; (6) Tập huấn nâng cao hiểu biết về quấy rối tình dục tại công ty, trụ sở làm việc, nêu gương các điển hình.

Hội thảo “Hoàn thiện luận cứ xây dựng Luật Công tác xã hội”

Ngày 09/10/2018, tại Hội trường Viện Khoa học Lao động xã hội, Cục Bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã phối hợp với Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện luận cứ xây dựng Luật Công tác xã hội”.

Tại Hội thảo, nhóm nghiên cứu cũng báo cáo kết quả nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về Luật Công tác xã hội và đưa ra các khuyến nghị, đề xuất về khung Luật Công tác xã hội Việt Nam. Theo đó, nội dung của Luật Công tác xã hội nếu được xây dựng sẽ tập trung vào các qui định về chức năng, nhiệm vụ của Công tác xã hội; vai trò của nhân viên Công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của đối tượng sử dụng dịch vụ Công tác xã hội; tiêu chuẩn của nhân viên Công tác xã hội; điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề Công tác xã hội đối với người Việt Nam; điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề Công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài.Kết thúc phiên thảo luận, ông Nguyễn Văn Hồi đã tóm tắt các ý kiến phát biểu và thống nhất những nội dung cơ bản của Luận cứ xây dựng dự thảo Luật như sau: Tên Luật là Luật Công tác xã hội. Về loại hình luật: Luật khung nhưng có một số nội dung cần qui định chi tiết. Về quan điểm xây dựng luật: quán triệt nguyên tắc không làm thay đổi bộ máy biên chế, không làm tăng ngân sách nhà nước; nội dung Luật không chồng chéo với các Luật khác. Nội dung cơ bản của Luật Công tác xã hội sẽ tập trung vào các qui định làm rõ nội hàm của khái niệm Công tác xã hội, qui định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác xã hội; qui định tiêu chuẩn và qui trình cấp chứng chỉ hành nghề Công tác xã hội cho người Việt Nam và cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Qui định về đạo đức nghề Công tác xã hội; về điều kiện, tiêu chuẩn thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; Qui định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xã hội; Qui định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội.

Học viện Phụ nữ Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác và tri ân cộng đồng doanh nghiệp

Nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ, sáng ngày 11/10/2018, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã ký kết thỏa thuận hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ, phục vụ nguồn lực nói chung và nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch nói riêng,  Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Phụ nữ và Phát triển và Học viện Phụ nữ Việt Nam hướng tới mục đích: Khai thác tiềm năng cơ sở vật chất, con người, kinh nghiệm của hai bên phục vụ công tác đào tạo, phát triên nguồn nhân lực và khoa học; Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cả hai bên và hướng nghiệp cho sinh viên ngành du lịch; Phát triển công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ kinh doanh trong ngành du lịch nói chung, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nói riêng; Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ sự phát triển của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển. TS. Trần Quang Tiến và bà Phạm Thị Hương Giang đã ký thỏa thuận hợp tác trong niềm vui mừng, phấn khởi và những lời chúc thành công của các đại biểu tham dự. Cũng nhân dịp kỉ niệm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, Giám đốc Trần Quang Tiến đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã luôn đồng hành cùng Học viện. Chúc các doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng phát triển và thịnh vượng. Học viện Phụ nữ Việt Nam hi vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác tích cực, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.