Tập huấn  “Tổng quan về Tài chính vi mô và Kỹ năng chăm sóc khách hàng”

Trong khuôn khổ dự án “Hợp tác Ngân hàng Tiết kiệm nhằm phát triển  mạng lưới tài chính vi mô khu vực Đông Dương và Mianma” giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ các Ngân hàng Tiết kiệm vì Hợp tác Quốc tế, Đức (SBFIC) và Trung tâm Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (CARD, Philippines), từ ngày 7- 9/12/2016 Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức khóa khóa tập huấn “Tổng quan về Tài chính vi mô và Kỹ năng chăm sóc khách hàng” tại Hà Nội.

Tại khóa học, học viên được tiếp cận những nội dung tổng quan về tài chính vi mô (khái niệm, các dịch vụ tài chính và người nghèo; bản chất  mục tiêu của các tổ chức tài chính vi mô…); hoạt động tài chính vi mô (đối tượng, các loại hình cung cấp tài chính vi mô; môi trường tài chính vi mô tại Việt Nam); xu thế phát triển tài chính vi mô tại Việt Nam (chiến lược phát triển tài chính vi mô của chính phủ và định hướng hoạt động tài chính vi mô của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).

Tọa đàm khoa học  “Phát triển thương hiệu trong giáo dục đại học hiện nay – Cơ hội và thách thức”.

Với mong muốn nhìn nhận cơ hội và thách thức trong việc phát triển thương hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam, sáng ngày 9/12/2016, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học về “Phát triển thương hiệu trong giáo dục đại học hiện nay – Cơ hội và thách thức”. TS. Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện chủ trì hội thảo. PGS.TS Lê Phước Minh, Phó Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ, trao đổi về nội dung hội thảo. Đại biểu tham dự là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện và viên chức Trung tâm Công nghệ thông tin và Thư viện.

PGS.TS. Lê Phước Minh đã cung cấp thông tin toàn diện về tình hình giáo dục đại học Việt Nam hiện nay; những đặc trưng cơ bản, chất lượng giáo dục, năng lực cạnh tranh, căn cứ, kết quả xếp hạng, điểm mạnh, thách thức của nền giáo dục đại học Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới. PGS.TS cũng khẳng định cần xác định mục đích của việc thay đổi không chỉ là đối phó mà chính là để đáp ứng nhu cầu đón đầu. Điều này được minh chứng rõ nét khi so sánh những đặc điểm của hệ thống giáo dục truyền thống và hệ thống giáo dục thế kỷ XXI. Vai trò của nhà giáo, người học, phương pháp, quan điểm đào tạo…đều thể hiện sự khác biệt theo hướng tích cực đáp ứng xu thế của thời đại. Những giải pháp phát triển dựa trên đặc điểm của hệ thống giáo dục thế kỷ XXI của Việt Nam cũng được diễn giả đề cập cụ thể và sâu sắc. Không chỉ vậy, gắn liền với các giải pháp là chương trình hành động cụ thể của các trường đại học. Vấn đề tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, đổi mới chương trình giáo dục, đổi mới việc đào tạo giáo viên, đổi mới cơ chế tài chính, đổi mới công tác quản lý… đều được đề cập rõ nét.

Nói chuyện chuyên đề: “Nghề Luật – Vinh quang và thách thức”

Trong khuôn khổ môn Nghề luật và phương pháp học đại học ngành luật, sáng ngày 16/12/2016, Khoa Luật đã tổ chức cho sinh viên khóa 4 gặp gỡ với luật sư Bùi Việt Hưng, Trưởng Văn phòng luật sư Hải Đăng và công chứng viên Trương Tuấn Lương, Văn phòng Công chứng Thăng Long để nghe nói chuyện chuyên đề về “Nghề Luật – Vinh quang và thách thức” liên quan đến luật sư và công chứng viên.

Luật sư Bùi Việt Hưng đã chia sẻ với sinh viên những câu chuyện thực tế trong quá trình hành nghề với những vinh quang và thách thức của bản thân. Luật sư khẳng định để trở thành một Luật sư đúng nghĩa, mỗi người phải trải qua một khoảng thời gian rèn luyện nghiêm túc, có học vấn vững vàng đồng thời được đào tạo những kỹ năng bài bản. Sáu năm không phải là dài cho những ai thực sự có đam mê và nhiệt huyết với nghề.Công chứng viên Trương Tuấn Lương cũng đã chia sẻ những nhận thức sai lầm thường thấy về nghề công chứng viên và nhấn mạnh người làm công chứng (thường được gọi trong nghề là những “thẩm phám phòng ngừa”) phải biết vận dụng kiến thức pháp luật để rà soát, kiểm tra tính hợp pháp của văn bản để phòng ngừa, ngăn chặn những giao dịch bất hợp pháp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, giảm gánh nặng cho cơ quan xét xử.

Tập huấn “Tham vấn trong Công tác xã hội”

Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Học viện Phụ nữ Việt Nam với các cơ sở bảo trợ xã hội trong mạng lưới thực hành công tác xã hội của Học Viện, để nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên Công tác xã hội và kiểm huấn viên các cơ sở xã hội, từ ngày 12 – 14/12/2016, Học viện đã tổ chức khóa tập huấn về “Tham vấn trong Công tác xã hội” cho 20 học viên là giảng viên Khoa Công tác xã hội và  kiểm huấn viên Trung tâm bảo trợ xã hội 1, Trung tâm phục hồi  chức năng người khuyết tật Thụy An, Tổ chức trẻ em Rồng xanh,Trung tâm bảo trợ xã hội Nam Định, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Bắc Giang và một số Giảng viên Công tác xã hội trường đại học Công đoàn, Đại học Hải Phòng.

 

Trong ba ngày học tập các học viên được trang bị các kiến thức cơ bản về tham vấn, các nguyên tắc đạo đức trong tham vấn và thảo luận về các khía cạnh ứng dụng các kỹ năng tham vấn cơ bản thực hành một số kỹ năng tham vấn nâng cao như: kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng thấu cảm, kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng đương đầu…Đặc biệt, các học viên được đóng vai thực hành các tình huống thực tế, dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của các giảng viên. Với phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm và các tình huống thực tế đã giúp các kiểm huấn viên và giảng viên không chỉ học được các kiến thức, phương pháp giảng dạy nội dung tham vấn đồng mà còn có thể vận dụng sáng tạo vào các môn học, các công việc đang đảm nhiệm.

Hội thảo khoa học “Các mô hình thực hành công tác xã hội cho sinh viên ngành công tác xã hội”

Ngày 16/12/2016, tại Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo khoa học “Các mô hình thực hành công tác xã hội cho sinh viên ngành công tác xã hội”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại biểu từ các trường đại học, cao đẳng đang đào tạo ngành công tác xã hội; các tổ chức quốc tế và cơ sở xã hội nhận sinh viên thực tập ngành công tác xã hội trên địa bàn TP. HCM.

Hội thảo đã đạt được các ý kiến đồng thuận trong công tác tổ chức thực hành như: cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực thực tập cho các kiểm huấn viên tại cơ sở để họ có thể hỗ trợ sinh viên tốt hơn; Công tác thực tập ngành CTXH cần đa dạng hơn nữa với các lĩnh vực thực hành mới như CTXH trong bệnh viện, CTXH học đường; Các trường cần chủ động xây dựng mối quan hệ khăng khít hơn nữa giữa các bên liên quan chủ chốt gồm nhà trường/khoa, cơ sở xã hội và kiểm huấn viên; cùng góp chung  tiếng nói (vận động/biện hộ) với các cơ quan chức năng (Ban chỉ đạo Đề án 32, các sở ngành liên quan…) để thúc đẩy kiện toàn cơ cấu bộ máy, khung pháp lý và cơ chế vận hành đề án phát triển nghề CTXH tại Việt Nam.