Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức hội thảo phát triển nguồn nhân lực nữ

Với mục tiêu hướng đến việc tìm kiếm, tổng hợp thông tin nghiên cứu, phân tích các khía cạnh liên quan đến tiếp cận nguồn lực của phụ nữ và phát huy, phát triển nguồn nhân lực nữ để có cơ sở tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề xuất với Đảng và Nhà nước các giải pháp liên quan, ngày 29/2/2016, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Phụ nữ tiếp cận nguồn lực và phát huy, phát triển nguồn nhân lực nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Tại hội thảo, các đại biểu tham gia đã trình bày tham luận và trao đổi, thảo luận xoay quanh 6 vấn đề lớn là: Khái niệm, phạm vi “nguồn nhân lực nữ”; Phạm vi quyền và cơ hội tiếp cận “nguồn lực” của phụ nữ; Phạm vi “nguồn lực” phụ nữ tiếp cận; Phạm vi “phụ nữ” tiếp cận nguồn lực; Phương pháp, hình thức và tiêu chí xác định sự tiếp cận nguồn lực của phụ nữ; Xác định phạm vi phát huy, phát triển nguồn nhân lực nữ.

Bảo tàng cách mạng Việt Nam –  Nơi ghi dấu những cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc

Trân trọng và tự hào, xúc động đến ngỡ ngàng trước từng bức ảnh, từng hiện vật ghi dấu bước đường đấu tranh gian khổ mà anh hùng của dân tộc, đó là cảm xúc của đảng viên và quần chúng Chi bộ 4 – Học viện Phụ nữ Việt Nam khi tham quan Bảo tàng cách mạng Việt Nam tọa lạc tại 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội vào ngày 4/3/2016.

Trong mọi hoàn cảnh thiếu thốn nguy nan của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, những người dân Việt Nam cần cù lao động với tinh thần hy sinh không bờ bến, ý chí đấu tranh dũng cảm, trí óc sáng tạo đã làm nên chiến thắng thần kỳ vang dội khắp năm châu, bốn bể. Bằng nỗ lực tái hiện lịch sử đấu tranh hàng trăm năm của nhân dân Việt Nam chống chọi với các thế lực thù địch, Bảo tàng Cách Mạng đã làm nóng lại bầu nhiệt huyết hôm qua cho thế hệ trẻ hôm nay vững tin vào tương lai tươi sáng. Trên mỗi hành trình bước tới, chúng ta sẽ luôn khắc ghi trong tim hình ảnh “những trái tim như ngọc sáng ngời” đã nguyện hi sinh máu xương để vun trồng cây độc lập cho thế hệ hôm nay hái quả tự do.

Chi hội Phụ nữ Học viện kỷ niệm 86 năm ngày Quốc tế phụ nữ

8/3/2016, hòa chung niềm vui chung của phụ nữ quốc tế và niềm tự hào của Học viện Phụ nữ Việt Nam, Chi hội phụ nữ Học viện long trọng tổ chức kỷ niệm 86 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1930- 8/3/2016) và 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng; đồng thời, tiếp tục phát động phong trào thi đua  “Phụ nữ tích cực học tập, lao động  sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động.

Buổi lễ kỷ niệm 86 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1930- 8/3/2016) và 1976 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã khép lại với sắc hoa tươi và nụ cười ấm áp. Với những tình cảm chân thành của một nửa thế giới dành cho mình, chắc rằng mỗi bông hoa xinh đẹp của học viện hay tất cả phái đẹp trên thế giới này đều cảm nhận được ý nghĩa ngọt ngào và sâu sắc của cuộc sống.

Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Các yếu tố văn hóa xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam”

Sáng ngày 7/3/2016, tại  Khách sạn Daewoo Hà Nội, Đại Sứ Quán Australia tại Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS )tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Các yếu tố văn hóa xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam”. Buổi  hội thảo nhằm cung cấp thông tin chỉ rõ những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới ở Việt Nam, những yếu tố văn hoá xã hội chi phối cuộc sống của phụ nữ và nam giới Việt Nam và quan hệ giữa họ, đồng thời đưa ra những khuyến nghị nhằm hạn chế bất bình đẳng giới ở Việt Nam. Nghiên cứu đã chỉ rõ các lĩnh vực đời sống mà bất bình đẳng giới đang tồn tại cụ thể như: việc làm và nghề nghiệp; phân công lao động và ra các quyết định trong gia đình; sở hữu tài sản; hôn nhân và gia đình; tham gia các hoạt động chính trị – xã hội và hiểu biết các luật liên quan đến giới. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đã khẳng định: “Để giải quyết bất bình đẳng giới ở Việt Nam, điều quan trọng là cần giải phóng phụ nữ khỏi nhiệm vụ triền miên là chăm sóc gia đình mà không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của gia đình”. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng gợi ý rằng: “Các chính sách và chương trình cần phải chú trọng thúc đẩy nhận thức tích cực và bình đẳng hơn về giá trị, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và ngoài xã hội. Cùng với các yếu tố khác, giáo dục là yếu tố quan trọng trong việc chuyển đổi nhận thức của người dân về vai trò giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội và chính trị đồng thời thúc đẩy sự tham gia của nam giới vào công việc chăm sóc gia đình”.

Tọa đàm với TS.Donna Doane – Chuyên gia ngành Giới & Phát triển của Học viện Công nghệ Châu Á – AIT

Sáng ngày 8/3/2016, Học viện đã mời TS.Donna Doane – Giảng viên Học viện Công nghệ Châu Á – AIT tọa đàm với sinh viên khoa Giới & Phát triển về nội dung: Cơ hội việc làm khi tốt nghiệp ngành Giới & Phát triển.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, TS. Donna Doane đã chia sẻ với sinh viên về những cơ hội việc làm cụ thể sau khi tốt nghiệp. Đối với ngành Giới & Phát triển, cơ hội việc làm của sinh viên khá rộng mở ở các trường đại học, viện nghiên cứu, các đơn vị quản lý dự án, các cơ quan thông tấn báo chí, các cơ quan, tổ chức xã hội hay các ngành hoạt động về văn hóa nghệ thuật… Bà cũng chia sẻ thêm về các cơ hội việc làm của học viên tôt nghiệp từ Học viện Công nghệ Châu Á – AIT tại các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức liên quan đến giáo dục đào tạo, y tế, sức khỏe, môi trường, luật pháp. Các học viên thường làm việc ở vị trí giám sát và đánh giá, phân tích chính sách trong chiến lược phát triển tổng thể của cơ quan, tổ chức.TS. Donna Doane cùng các giảng viên của Khoa Giới & Phát triển đã nhiệt tình giải đáp những thắc mắc, cùng chia sẻ những lo lắng, băn khoăn của sinh viên về cơ hội việc làm, cơ hội phát triển, khẳng định bản thân ở lĩnh vực mới mẻ này.