Tại buổi tọa đàm, đại diện nhóm nghiên cứu của OXFAM đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng vai trò của nữ giới trong hệ thống chính trị là hết sức quan trọng nhằm đảm bảo quyền bình đẳng, cũng như tăng cường tính đại diện của các nhóm trong việc đưa ra các quyết sách có ảnh hưởng đến xã hội. Ngoài yếu tố thể chế hóa các quy định khuyến khích nữ giới tham gia chính trị, nhận thức trong xã hội cũng như sự bầu chọn của các cử tri đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo của nữ giới.
Nghiên cứu Nữ giới lãnh đạo trong hệ thống chính trị: Niềm tin và sự lựa chọn của công chúng tập trung vào ba nội dung chính: Phân tích nhận thức, đánh giá kỳ vọng của công chúng đối với năng lực, kỹ năng, phẩm chất và vai trò lãnh đạo của nữ giới; Điều tra, phân tích các yếu tố định kiến giới ảnh hưởng tới nhận thức và hành vi của công chúng về nữ lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Đề xuất các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng, góp phần thúc đẩy tỷ lệ nữ giới lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Nghiên cứu được thực hiện tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Bình Định, Vĩnh Long với các tiêu chí lựa chọn dựa trên cơ cấu dân số, thu nhập, giáo dục. Đây là nghiên cứu định lượng (với 576 bảng hỏi) kết hợp với định tính (phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm với 213 người thuộc nhiều nhóm dân tộc, tuổi tác và nghề nghiệp khác nhau). Nghiên cứu do OXFAM phối hợp với Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) thực hiện năm 2014.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, công chúng có niềm tin đối với khả năng lãnh đạo của nữ giới. Trên thực tế, công chúng ít biết về nữ giới lãnh đạo trong hệ thống chính trị; tuy nhiên với những trường hợp họ biết trên thực tế, họ đều nhận thấy nữ giới có năng lực lãnh đạo tốt. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bên cạnh các tiêu chí về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, kỹ năng xây dựng mối quan hệ và kỹ năng xử lý công việc để trở thành một người “giỏi việc nước” như nam giới lãnh đạo, công chúng cho rằng nữ giới làm lãnh đạo còn phải “đảm việc nhà” và phải thể hiện được nữ tính. Thông tin nghiên cứu định tính chỉ ra rằng, có những tiêu chuẩn kép được áp đặt cho nữ giới làm lãnh đạo; trong đó công việc, khả năng chuyên môn bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Thay vào đó, công chúng cho rằng, cho dù là lãnh đạo nữ thì trước tiên cũng cần phải đạt được những chuẩn mực truyền thống dành riêng cho nữ giới như đảm bảo tam tòng, tứ đức, khả năng quán xuyến việc nhà, chăm sóc chồng con, v.v.
Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy định kiến giới đối với nữ giới làm lãnh đạo ảnh hưởng tới hành vi lựa chọn của công chúng. Hầu hết công chúng được phỏng vấn (96,8%) có niềm tin là nữ giới có thể đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo tốt. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu họ có sẵn sàng lựa chọn ứng cử viên nữ vào các vị trí lãnh đạo nếu có ứng cử viên nam có cùng khả năng tương đương thì phần lớn công chúng lựa chọn ứng viên nam (58,5%) so với chỉ có 41,5% công chúng lựa chọn ứng viên nữ. Như vậy, định kiến giới có tác động mạnh mẽ đến hành vi của công chúng; khoảng cách giữa niềm tin và hành vi cụ thể là việc lựa chọn các ứng viên nữ vào các vị trí lãnh đạo còn quá lớn.
Từ các kết quả nghiên cứu trên, nghiên cứu đưa ra 2 nhóm khuyến nghị chính. Thứ nhất, cần thay đổi thái độ, niềm tin của công chúng đối với phụ nữ lãnh đạo trong hệ thống chính trị thông qua xóa bỏ định kiến giới. Cụ thể, cần thay đổi nhận thức của công chúng nói chung về vai trò của nữ giới thông qua việc xây dựng hình ảnh người nữ lãnh đạo trong các sản phẩm truyền thông đại chúng. Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về vai trò giới từ trong chính môi trường giáo dục; sách giáo khoa cũng như sách tham khảo không được củng cố hay tạo ra các định kiến giới trong vấn đề lãnh đạo hay vấn đề gia đình. Mặt khác, có thể thông qua học sinh để tạo ra các hiệu ứng lan tỏa đến các cộng đồng dân cư. Thứ hai, cần thay đổi hành vi trong lựa chọn nữ giới vào các vị trí lãnh đạo. Nghiên cứu nhấn mạnh rằng, cần tập trung truyền thông thay đổi thái độ và hình vi trong chính các cơ quan, đơn vị, hướng đến các đối tượng là cán bộ, công chức các đơn vị đối với vấn đề nữ giới tham gia các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị. Cần có các chính sách khuyến khích nhóm cán bộ, công chức thay đổi thái độ, hành vi trong việc lựa chọn các ứng viên nữ hay bổ nhiệm nữ vào các vị trí lãnh đạo.
Đại biểu tham gia tọa đàm tích cực thảo luận các vấn đề liên quan đến kết quả nghiên cứu và các khuyến nghị; đưa ra cho nhóm nghiên cứu nhiều lời khuyên bổ ích nhằm phân tích rõ hơn một số phát hiện nghiên cứu và có các khuyến nghị rõ ràng, phù hợp hơn. Đại diện nhóm nghiên cứu của Oxfam, chị Ngô Thị Thu Hà – Trưởng nhóm cám ơn các đại biểu tham dự tọa đàm đã đưa ra các ý kiến góp ý xác đáng và có chất lượng. Nhóm nghiên cứu xin tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa báo cáo nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị sát với thực tế, góp phần thúc đẩy nữ giới lãnh đạo trong hệ thống chính trị.