Phát biểu của ông Sáu đưa ra tại hội thảo đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường ĐH và CĐ do Hiệp hội các trường ĐH và CĐ Việt Nam tổ chức ngày 2/10 tại TP.HCM.
Đang phải dọn nhiều “rác”
“Chúng ta đưa ra thị trường quá nhiều trường đại học nhưng không đáp ứng được thực tế mà lại tạo ra “rác”. Hiện nay, tỉnh nào cũng có trường đại học, nhưng không phải trường nào cũng đáp ứng được yêu cầu xã hội”, ông Sáu nói.
Ông Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa du lịch, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội |
Ông nhìn nhận giáo dục đại học đang chuyển từ đào tạo tinh hoa, đỉnh cao xuống đào tạo phổ cập và đại trà. Từ đó tạo ra rất nhiều “hàng nhái”, “hàng chợ”. Khi có bộ lọc của thế giới, sự chia sẻ giữa đào tạo trong nước và quốc tế thì “hàng nhái” này sẽ bị loại ra.
Vị trưởng khoa này chỉ ra 6 vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Đó là: hệ thống đang bị khép kín, thiếu liên thông giữa trình độ và các phương thức đào tạo, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành;chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học với sản xuất kinh doanh dẫn tới thừa thầy, thiếu thợ; chưa chú trọng tới đến nhân cách, đạo đức, lối sống, kỹ năng làm việ; phương pháp đào tạo lạc hậu chủ yếu truyền thụ kiến thức một chiều, tổ chức thi, kiểm tra thiếu thực chất, mắc bệnh thành tích; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý bất cập về số lượng, cơ cấu; cơ sở chính sách đầu tư cho giáo dục chưa phù hợp…
“Tóm lại chất lượng giáo dục đại học chúng ta còn thấp so với yêu cầu công cuộc đổi mới. Tất cả phải thay đổi. Phải thay đổi từ tư duy, nhận thức làm việc”- ông Sáu đề nghị.
Văn bản nhà nước mâu thuẫn
Thảo luận sâu hơn về các vấn đề, GS Lâm Quang Thiệp, Trường ĐH Thăng Long, hiện nay các văn bản đang có nhiều mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc đào tạo. Ví dụ Quyết định 1981 của Thủ tướng về Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định “Chương trình đào tạo đại học có thời gian tương đương 3-5 năm học tập trung” trong khi quy định trước đây là 4-6 năm làm cho nhiều trường phân vân về thời gian đào tạo.
Ngoài ra, Quyết định 1981 về Cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Quyết định 1982 về Khung trình độ quốc gia cũng mâu thuẫn với nhau. Cụ thể chương trình đào tạo bậc đại học ở Quyết định 1982 quy định yêu cầu khối lượng học tập tối thiểu là 120 tin chỉ, số tín chỉ này tương đương với 4 năm chứ không phải 3 năm. Do vậy, nếu quy định chương trình đào tạo bậc cử nhân 3 năm thì không thể thực hiện được.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng các trường đại học ở Việt Nam phát triển quá chậm vì sức ỳ rất lớn; tư duy con người, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo trì trệ, không kịp thay đổi với thời đại.
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM |
Theo vị hiệu trưởng này, chưa bao giờ nền tảng công nghệ thuận lợi để các trường hợp tác, chia sẻ nguồn lực cùng phát triển như hiện nay. Trước đây, nếu thầy giáo không dám chia sẻ lên mạng bài giảng vì sợ bị ăn cắp thì nay có thể chia sẻ thoải mái mà lại có tiền.
“Hiện nay chúng tôi đã áp dụng chính sách thưởng cho bài giảng của giảng viên được chia sẻ nhiều trên Youtube. Bài giảng nào được xem nhiều nhất chúng tôi sẽ thưởng lớn. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ bài giảng, thậm chí chia sẻ phòng thí nghiệm vì trường nào cũng xây dựng phòng thí nghiệm thì lãng phí lắm”- vị hiệu trưởng này cho hay. Theo ông, nên đặt áp lực cho giảng viên bằng cách sử dụng dữ liệu thế giới.