Theo rà soát, cả nước hiện có gần 10 trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học, cao đẳng ngành truyền thông đa phương tiện. Trong bối các thông điệp truyền thông được truyền tải ngày càng trở nên tinh tế, sinh động với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống ngôn ngữ văn bản, âm thanh, hình ảnh, video, tương tác…, Việt Nam đang có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển “không giới hạn” của công nghệ thông tin ứng dụng trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Theo đó, việc mở ngành đào tạo Truyền thông đa phương tiện là cần thiết, nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực năng động có thể làm chủ và sáng tạo với đa loại hình sản phẩm, đa kênh truyền tải và đa điều kiện tiếp nhận

Thực tiễn cho thấy các dịch vụ thông tin ngày nay không chỉ đơn thuần là cung cấp dữ liệu, số liệu mà đòi hỏi sự trực quan và tương tác cao. Do đó, các hình thức, loại hình, cũng như yêu cầu về chất lượng dịch vụ truyền thông ngày càng phong phú, đa dạng. Truyền thông đa phương tiện cũng là nền tảng quan trọng cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và các hoạt động truyền thông khác. Tuy nhiên, thực tế đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện phần lớn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo khác, không đúng chuyên môn, làm việc đa phần dựa trên kinh nghiệm, hoặc tự học thêm, không được đào tạo bài bản. Vì vậy, đào tạo các kiến thức ngành Truyền thông đa phương tiện là nhu cầu cấp thiết, nhằm cung cấp cho thế hệ trẻ một nền tảng chuyên môn vững vàng để tự tin hòa nhập trong một “thế giới phẳng” ngày càng mở rộng.

 

Toàn cảnh hội đồng thẩm định

Xuất phát từ nhu cầu thực tế cũng như đòi hỏi của xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã xác định rõ sứ mệnh “tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn trong từng thời kỳ” và tầm nhìn đến năm 2030 “…phấn đấu được công nhận là một cơ sở giáo dục đại học “định hướng ứng dụng” và đạt được các tiêu chuẩn quốc gia quy định đối với cơ sở giáo dục đại học…”. Năm 2016, Học viện đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Đề xuất mở ngành đạo tạo  trình độ đại học giai đoạn 2016 -2020 tại  Học viện Phụ nữ Việt Nam”. Nghiên cứu đã xác định ngành Truyền thông đa phương tiện là một ngành có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn về nguồn nhân lực, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, Học viện đã chủ động xây dựng chương trình đào tạo với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, khi sinh viên tốt nghiệp có phẩm chất chính trị vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, sức khoẻ tốt và có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tham gia sản xuất các sản phẩm đa phương tiện phục vụ truyền thông ở nhiều lĩnh vực khác nhauvề truyền thông, mỹ thuật, thiết kế, các kỹ thuật và cách sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; có thể tham gia sản xuất, tự học để đáp ứng yêu cầu thay đổi của xã hội và tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.

Ts. Trần Bá Dung Trưởng ban Ban Nghiệp vụ – Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng bộ môn Công nghệ truyền thông, Trường ĐH Hòa Bình đóng góp ý kiến

Với mục tiêu trên, Học viện đã tổ chức hội thảo Thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Truyền thông đa phương tiện. Tham gia hội thảo có đại diện cơ sở sử dụng lao động sau đào tạo; các nhà giáo, nhà báo công tác và giảng dạy tại Khoa truyền thông đa phương tiện đại học Công nghệ thông tin truyền thông, đại học Thái Nguyên; Hội nhà báo Việt Nam, Đại học Hòa Bình; Viện nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng Đại học bách khoa Hà Nội; Đại học Quốc gia Hà Nội.

TS. Lê Đình Thanh – Giảng viên Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN, Công ty TNHH MTV Công nghệ HUDEVELOP- Đại diện cơ sở sử dụng lao động sau đào tạo nhận xét chương trình

Hội đồng thẩm định đã nhận xét và đánh giá chương trình đào đạt yêu cầu về căn cứ để xây dựng chương trình; mục tiêu chương trình; cấu trúc của chương trình đạo tạo trong đó làm rõ sự hợp lý của các học phần trong chương trình, trong việc sắp xếp các khối kiến thức, thời lượng của từng học; thời lượng; nội dung chương trình cũng như đề cương chi tiết của từng học phần.

100% phiếu đánh giá chương trình đạt yêu cầu theo các tiêu chí đã đề ra. Nội dung chương trình đào tạo đã đáp ứng mục tiêu, phù hợp trình độ đào tạo , đảm bảo tính hiện đại tính hội nhập và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Th.s Nguyễn Khánh Ly, Khoa Luật