Sáng 16/7, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, qua thống kê sơ bộ, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh lớp 12 cả nước đạt 94,06%, giảm 3,51% so với năm ngoái. Những vùng điều kiện kinh tế – xã hội thuận lợi, truyền thống học tập tốt, tỷ lệ tốt nghiệp duy trì cao. Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ tỷ lệ tốt nghiệp thấp.
Nam Định có tỷ lệ tốt nghiệp cao nhất cả nước với 98,57%, giảm 0,63% so với năm 2018. Trong đó, khối THPT đạt 99,53%, khối giáo dục thường xuyên đạt 88,74%.
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Hà Nội là 97,6% (năm ngoái 99,38%). Thành phố có 70 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, chiếm 1/3 tổng số trường trên địa bàn.
Theo Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La, với hơn 10.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 71,97%, giảm 25,32% so với năm ngoái. Trong đó, hệ THPT là 77,79% và hệ giáo dục thường xuyên là 28,34%. Trường có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất là THPT Co Mạ (Thuận Châu) chỉ 52,92%.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Thành Nguyễn |
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh thông tin tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn tỉnh đạt 96,87%, giảm 2,13% so với năm 2018. Với 16.800 thí sinh đăng ký dự thi, tỉnh chỉ có 38 bài thi bị điểm liệt, không bài nào bị điểm 0.
Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Nghệ An cũng giảm khoảng 2%, đạt 95,24%. Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, nhận định số thí sinh tốt nghiệp giảm do cách tính điểm tốt nghiệp khác với mọi năm, trong đó điểm thi THPT quốc gia chiếm tới 70% thay vì chỉ 50% như trước.
Nghệ An đang làm thủ tục xét đặc cách cho 18 thí sinh không tham gia thi THPT quốc gia do gặp sự cố trước và trong ngày thi. Tuy nhiên, con số này không ảnh hưởng nhiều tới tỷ lệ tốt nghiệp.
Có hơn 27.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia, Đồng Nai đạt tỷ lệ tốt nghiệp 92,77%, giảm gần 4,3% so với năm ngoái. Trong 93 trường có thí sinh dự thi, 36 trường có tỷ lệ tốt nghiệp từ 98% trở lên, 11 trường có tỷ lệ là 100%, trong đó có ba trường công lập là THPT Chuyên Lương Thế Vinh, Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm (thuộc Đại học Đồng Nai), Trường THCS-THPT Dân tộc nội trú Điểu Xiểng (huyện Xuân Lộc).
Theo kế hoạch, hết ngày 16/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo phải hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT sơ bộ. Chậm nhất ngày 21/7, hiệu trưởng các trường phổ thông phải cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho thí sinh.
Sau khi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý các mốc tuyển sinh (click vào ảnh để xem chi tiết). Đồ họa: Tạ Lư |
Năm 2019, cả nước có hơn 887.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là hơn 653.200, số chỉ xét tốt nghiệp là gần 234.000. Việc xét tốt nghiệp năm nay thay đổi lớn về cách cộng điểm khuyến khích và cách tính điểm chung.
Theo đó, học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên tham gia học đồng thời chương trình trung cấp kết hợp với văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp do Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp được cộng điểm khuyến khích khi xét tốt nghiệp.
Loại giỏi đối với giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp được cộng 2 điểm. Loại khá đối với giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá đối với bằng trung cấp được cộng 1,5 điểm. Loại trung bình được cộng 1 điểm. Đây là điểm khác so với thông tư năm 2017, khi điểm khuyến khích chỉ căn cứ vào xếp loại ghi trong giấy chứng nhận nghề.
Cách tính điểm xét tốt nghiệp được điều chỉnh theo hướng nâng cao tầm quan trọng của kết quả thi THPT quốc gia. Trong đó, điểm thi chiếm 70% điểm tốt nghiệp, tăng 20% so với năm 2018.